Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 01/11/2024 21:41 (GMT +7)
Quản lý, sử dụng tài sản công: Gỡ dần những "điểm nghẽn"
Thứ 3, 14/12/2021 | 10:07:14 [GMT +7] A A
Tại Quảng Ninh, việc hình thành tài sản công những năm qua có quy mô rất lớn, đặc biệt là tài sản công có nguồn gốc từ vốn ngân sách của công trình giao thông, thủy lợi, việc mua sắm tài sản công cho lĩnh vực y tế, giáo dục, truyền thông, văn hóa, môi trường, địa phương trọng điểm... Cùng với đó, thực hiện chủ trương sắp xếp tổ chức, bộ máy theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, dẫn đến dôi dư tài sản về nhà, đất của các đơn vị sau sắp xếp. Những vấn đề này đã, đang đặt ra yêu cầu, nhiệm vụ mới trong công tác quản lý, sử dụng tài sản công.
Tại kỳ họp thứ 6, HĐND tỉnh khoá XIV diễn ra mới đây, vấn đề quản lý, sử dụng tài sản công là một trong 3 nội dung lớn, đã được đưa vào nội dung chất vấn và trả lời chất vấn để giải trình, làm rõ. Liên quan đến nội dung này, Giám đốc Sở Tài chính Trần Văn Lâm cho biết: Từ đầu năm 2021, Sở Tài chính đã rà soát lại toàn bộ việc quản lý tài sản công trên địa bàn tỉnh, đánh giá những mặt được, mặt chưa được và đưa ra những đề xuất để làm cơ sở cho Ban Giám sát, Đoàn giám sát HĐND tỉnh. Qua rà soát, đánh giá có thể thấy một số tồn tại chính của công tác này như: Quá trình quản lý, sử dụng tài sản công tương đối dài, trong đó đối với các công trình đường sá, thủy lợi trải qua rất nhiều năm nên việc phản ánh nguyên giá, bổ sung về giá trị sau khi duy tu bảo dưỡng, giá trị còn lại rất khó. Bên cạnh đó, trách nhiệm của các cơ quan, ban, ngành liên tục thay đổi nhiều dẫn đến việc theo dõi hư hỏng, mất mát sau này không được thuận lợi, liên tục. Ngoài ra, việc điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; quy hoạch xây dựng để xử lý nhà, đất dôi dư theo quy định thời gian qua còn có nhiều khó khăn, kéo dài do phải trình qua nhiều khâu, mất nhiều thời gian. Đối với các điểm trường dôi dư thường ở vùng sâu, vùng xa nên thực hiện bán không có người mua; các cơ quan, đơn vị không có nhu cầu sử dụng để thực hiện điều chuyển.
Theo cơ quan chuyên môn của tỉnh, tại Quảng Ninh, thực hiện chủ trương của Trung ương, của tỉnh theo tinh thần Nghị quyết 18, 19-NQ/TW (ngày 25/10/2017) của Ban Chấp hành Trung ương và Nghị quyết 837-NQ/UBTVQH14 (ngày 17/12/2019) của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về sắp xếp các tổ chức, bộ máy, các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã; sắp xếp các đơn vị sự nghiệp, các điểm trường trên địa bàn tỉnh, xây dựng các trụ sở mới,... dẫn đến dôi dư tài sản là nhà, đất khá lớn. Theo thống kê giai đoạn 2018-2020, tổng số cơ sở nhà, đất dôi dư theo diện này là 440 cơ sở; nguyên giá trên 1.334 tỷ đồng, giá trị còn lại trên 1.058 tỷ đồng (trong đó giá trị đất trên 882 tỷ đồng; còn lại là giá trị nhà). Đến nay, cơ quan chuyên môn đã có phương án xử lý đối với 65 cơ sở; đang xây dựng phương án đề xuất 294 cơ sở; chưa xây dựng phương án đề xuất 81 cơ sở. Cụ thể, ở khối tỉnh, tổng số 13 đơn vị, có 30 cơ sở nhà, đất; nguyên giá trên 292 tỷ đồng, giá trị còn lại trên 241 tỷ đồng (trong đó giá trị đất trên 198,8 tỷ đồng, còn lại là giá trị nhà). Trong đó, đã có phương án xử lý đối với 29 cơ sở; đang xây dựng phương án đề xuất 1 cơ sở (Trụ sở Báo Quảng Ninh điều chuyển về Văn phòng Tỉnh ủy); không còn cơ sở nhà, đất nào chưa sắp xếp. Đối với khối huyện, tổng số 13 địa phương có 410 cơ sở nhà, đất; nguyên giá trên 1.041 tỷ đồng, giá trị còn lại trên 817,4 tỷ đồng (trong đó giá trị đất trên 683,6 tỷ đồng; còn lại là giá trị nhà). Đã có phương án xử lý đối với 36 cơ sở; đang xây dựng phương án đề xuất 293 cơ sở; chưa xây dựng phương án đề xuất 81 cơ sở.
Để xử lý dứt điểm các cơ sở nhà, đất chưa thực hiện sắp xếp và quản lý khai thác có hiệu quả các tài sản dôi dư, Sở Tài chính đã đề xuất với tỉnh một số giải pháp chính. Trong đó, các địa phương phải tiến hành ngay việc kiểm kê, đánh giá lại tài sản, lập hồ sơ tài sản, tổ chức theo dõi, hạch toán đầy đủ, chính xác các cơ sở nhà, đất dôi dư trên hệ thống sổ sách kế toán. Trong thời gian tiến hành sắp xếp, xử lý thực hiện tính toán, hạch toán hao mòn theo đúng hướng dẫn của Bộ Tài chính. Tuyệt đối không để xảy ra tình trạng các cơ sở nhà, đất dôi dư không được theo dõi, quản lý, cho thuê, cho mượn, bị lấn chiếm trái phép.
Cùng với đó, các địa phương khẩn trương thực hiện rà soát quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng đối với các cơ sở nhà, đất dôi dư để trình phương án sắp xếp lại đối với các trụ sở dôi dư theo đúng quy định. Chỉ đạo rõ trách nhiệm thực hiện đối với từng bộ phận cơ quan chuyên môn liên quan để đẩy nhanh tiến độ thực hiện phê duyệt quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng đối với các cơ sở nhà, đất; UBND các địa phương cũng phải quyết liệt hơn trong chỉ đạo thực hiện theo đúng trình tự thực hiện sắp xếp lại, xử lý nhà, đất đối với cấp huyện theo Nghị định số 167/2017/NĐ-CP ngày 31/12/2017 và Nghị định số 67/2021/NĐ-CP ngày 15/7/2021 của Chính phủ.
Phát biểu kết luận nội dung về quản lý, sử dụng tài sản công tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn, Kỳ họp thứ 6, HĐND tỉnh khoá XIV, đồng chí Nguyễn Xuân Ký, Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh, đã chỉ đạo: Việc quản lý, sử dụng tài sản công là công việc liên quan đến tổ chức thực thi pháp luật nên phải được thực hiện tốt. Trong đó có 2 nguyên tắc quan trọng là quản lý, sử dụng công khai, minh bạch đảm bảo thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, phòng chống tham nhũng, lợi ích nhóm. Quản lý, bảo vệ, khai thác theo quy hoạch, kế hoạch đảm bảo tiết kiệm, đúng pháp luật. Do vậy, thời gian tới, tập trung nâng cao trách nhiệm của UBND các cấp, giám đốc các sở, ngành, thủ trưởng cơ quan, đơn vị trong việc chấp hành pháp luật quản lý, sử dụng tài sản công. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý tài sản công tại tất cả các cơ quan, đơn vị, tăng cường việc thanh tra, kiểm tra, giám sát, kiểm toán, phát hiện xử lý vi phạm. Việc thu hồi, chuyển đổi công năng, thanh lý bán tài sản, nhất là tài sản công phải hết sức chú ý, do đó các địa phương phải tăng cường rà soát đất công, trên đất có tài sản công. Cùng với đó, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong việc quản lý tài sản công đảm bảo công khai, minh bạch.
Cũng tại Kỳ họp cuối năm 2021, HĐND tỉnh đã thông qua Nghị quyết về phân cấp thẩm quyền quyết định quản lý, sử dụng tài sản công thuộc phạm vi quản lý của tỉnh Quảng Ninh.
Hồng Nhung
Liên kết website
Ý kiến ()