Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 12/01/2025 22:35 (GMT +7)
Quản lý, khai thác hiệu quả nguồn lực đất đai
Thứ 3, 04/07/2023 | 10:14:09 [GMT +7] A A
Xác định đất đai là nguồn lực quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, thời gian qua, tỉnh đã tập trung nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước trong khai thác, sử dụng đất đai, tài nguyên. Đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các tổ chức, doanh nghiệp tiếp cận đất đai để đầu tư kinh doanh, phát triển doanh nghiệp.
Tỉnh đã tập trung chỉ đạo hoàn thành các quy hoạch, kế hoạch, nhất là quy hoạch chung, quy hoạch vùng, quy hoạch phân khu và kế hoạch sử dụng đất đai, qua đó kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về GPMB, đầu tư xây dựng. Cùng với đó, tỉnh đã phê duyệt Chương trình phát triển đô thị tỉnh Quảng Ninh đến năm 2030 và ban hành, triển khai Kế hoạch số 35/KH-UBND (ngày 17/2/2023) thực hiện Chương trình hành động số 21-Ttr/TU (ngày 12/12/2022) của Tỉnh uỷ thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/TW (ngày 24/1/2022) của Bộ Chính trị về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Đồng thời, xây dựng Kế hoạch triển khai thực hiện xoá nhà ở tạm, nhà ở dột nát trên địa bàn tỉnh năm 2023; ban hành Kế hoạch triển khai Quyết định 388/QĐ-TTg (ngày 3/4/2023) của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030”...
Tỉnh cũng đã hoàn thành phê duyệt Kế hoạch sử dụng đất năm 2023 cấp huyện cho 13/13 địa phương và tiếp tục triển khai việc lập Kế hoạch sử dụng đất 5 năm (2021-2025) tỉnh Quảng Ninh theo chỉ tiêu phân bổ tại Quyết định số 326/QĐ-TTg (ngày 9/3/2022) của Thủ tướng Chính phủ.
Song song với đó, tỉnh đã ban hành quyết định bổ sung bảng giá đất trên địa bàn tỉnh, trình HĐND tỉnh thông qua danh mục các công trình, dự án nhà nước thu hồi đất, chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng đợt I năm 2023; quan tâm giải quyết các vướng mắc liên quan đến chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư trên địa bàn, nhất là đối với các dự án: Trung tâm Huấn luyện quốc gia về phòng chống khủng bố; tuyến đường Yên Tử kéo dài (đoạn từ QL18 đến QL10 làn xe); khu xen kẹp giữa Cảng hàng không Quốc tế Vân Đồn với tuyến đường giao thông trục nối các khu chức năng chính KKT Vân Đồn...
Các địa phương trong tỉnh cũng bám sát quy hoạch chung của tỉnh và của địa phương mình, từ đó cụ thể hoá bằng các giải pháp đẩy mạnh công tác quản lý đất đai, tài nguyên, khoáng sản. Điển hình: Hạ Long - Thành phố thủ phủ của tỉnh đang thực hiện GPMB đối với 56 dự án, trong đó có 8 dự án trọng điểm của tỉnh và thành phố, 48 dự án phát triển kinh tế và các dự án khác, liên quan đến gần 5.500 hộ dân phải thực hiện thu hồi đất và tài sản trên đất. Trong đó, có nhiều dự án lớn, như: Khu phức hợp Hạ Long Xanh; Bệnh viện Phổi Quảng Ninh; các tuyến đường Sơn Dương - Đồng Sơn, Đồng Lâm; đường nối TL342 đến QL279...
Cụ thể, 6 tháng đầu năm 2003, thành phố đã kiểm đếm, đo vẽ trích lục GPMB cho 5.296 hộ dân trong diện phải GPMB thực hiện các dự án. Trong đó, phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ và thực hiện chi trả cho gần 3.800 hộ dân, bằng 69,32% số hộ bị ảnh hưởng trong kế hoạch GPMB năm 2023. Đồng thời, thực hiện giao đất cho 392/986 hộ có nhu cầu bố trí đất tái định cư bị ảnh hưởng từ 56 dự án đang triển khai...
6 tháng đầu năm nay, tỉnh đã cho thuê đất đối với 96 tổ chức với 1.670,62ha; giao đất cho 85 tổ chức với trên 2.054ha; gia hạn thời gian sử dụng đất cho 78 tổ chức với trên 1.286ha; thu hồi đất của 45 tổ chức với trên 1.117ha. Hội đồng thẩm định giá đất tỉnh cũng đã phê duyệt giá đất cụ thể đối với 25 dự án; xử lý hồ sơ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với 39 hồ sơ cấp mới, đăng ký biến động quyền sử dụng đất tương ứng với 212 giấy chứng nhận đối với tổ chức.
Việc hoàn thành các quy hoạch, kế hoạch, nhất là quy hoạch chung, quy hoạch vùng, quy hoạch phân khu và kế hoạch sử dụng đất, đã và đang góp phần tích cực trong thu hút các nhà đầu tư quan tâm ưu tiên đầu tư các dự án vào địa bàn, nhất là tại các KKT, KCN trong tỉnh. 6 tháng đầu năm nay, tổng vốn thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) ước đạt gần 832,17 triệu USD với 17 dự án được cấp mới giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, cao gấp 2,5 lần so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, chủ yếu thuộc lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo, đặc biệt có 2 dự án quy mô lớn với vốn đầu tư trên 100 triệu USD thực hiện tại KCN, KKT. Bên cạnh việc duy trì các hoạt động thu hút nhà đầu tư thuộc thị trường truyền thống, như: Trung Quốc, Hồng Kông, Đài Loan, Singapore, Nhật Bản, Hàn Quốc, một tín hiệu vui đó là lần đầu tiên tỉnh Quảng Ninh đón nhận dòng vốn đầu tư đến từ Thụy Điển. Điều này đã góp phần làm đa dạng hoạt động đầu tư của tỉnh, nâng tổng số đối tác đầu tư vào Quảng Ninh lên 20 quốc gia, vùng lãnh thổ.
6 tháng đầu năm nay, tổng vốn thu hút đầu tư trên địa bàn tỉnh ước tính trên 44.017 tỷ đồng, tăng 29,8% so với cùng kỳ năm 2022, trong đó có dự án lớn: Nhà máy hoá dầu Stavian Quảng Yên tại KKT Ven biển Quảng Yên do Công ty CP Hoá dầu Stavian Quảng Yên đề xuất, tổng vốn đầu tư dự kiến trên 30.034 tỷ đồng.
Để tiếp tục nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về đất đai, các ngành chức năng, địa phương, nhất là Sở TN&MT tập trung tham mưu hoàn thiện hệ thống cơ chế chính sách quản lý về đất đai, nhằm phát huy tiềm năng, tăng nguồn thu từ đất cho ngân sách tỉnh, nhằm tạo nguồn lực phát triển kinh tế - xã hội. Đồng thời, thực hiện nghiêm công tác thanh, kiểm tra việc chấp hành quy định pháp luật về đất đai với các tổ chức, đảm bảo quản lý, sử dụng đất đúng mục đích, phù hợp quy hoạch, kế hoạch đã được phê duyệt. Cùng với đó, Sở cùng các địa phương cũng tăng cường tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về đất đai với các tổ chức, cá nhân, kịp thời tháo gỡ vướng mắc trong quá trình quản lý, sử dụng; theo dõi, giám sát chặt chẽ các cơ sở sản xuất kinh doanh, nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng đất và bảo vệ môi trường...
Trong 6 tháng đầu năm nay, tỉnh đã thẩm định, phê duyệt 25 hồ sơ báo cáo đánh giá tác động môi trường và 14 hồ sơ cấp giấy phép môi trường; hoàn thành việc thu gom, xử lý triệt để lượng rác thải, phao xốp đang trôi nổi trên Vịnh Hạ Long và Vịnh Bái Tử Long, đảm bảo cảnh quan môi trường và hoạt động du lịch trên Vịnh Hạ Long.
Nguyễn Huế
Liên kết website
Ý kiến ()