Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 12/01/2025 19:49 (GMT +7)
Quản lý hiệu quả đất đai, tài nguyên, tạo nền phát triển bền vững
Thứ 5, 13/07/2023 | 08:40:09 [GMT +7] A A
Những năm qua, công tác quản lý đất đai, tài nguyên khoáng sản của Quảng Ninh được tăng cường. Trên địa bàn không xảy ra điểm nóng về khai thác than, khoáng sản trái phép. Công tác quản lý đất đai từng bước được chấn chỉnh. Các dự án phát triển KT-XH có liên quan đến tài nguyên, khoáng sản được kiểm soát chặt chẽ.
Trong 33 xã, phường của TP Hạ Long, có tới 22 xã, phường có hoạt động khai thác khoáng sản (than, cát, đá, sét, đất san nền). Thời gian qua, các cấp ủy đảng, chính quyền, cơ quan, đơn vị từ thành phố đến cơ sở đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo quản lý tốt tài nguyên than, khoáng sản; kiểm tra, kiểm soát, xử lý nghiêm những vi phạm; ban hành các văn bản lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện công tác quản lý tài nguyên, khoáng sản một cách hiệu quả.
Cấp ủy các xã, phường đã vào cuộc tích cực, quán triệt đến từng cán bộ, đảng viên nghiêm túc triển khai thực hiện Nghị quyết số 16-NQ/TU ngày 9/5/2019 của BCH Đảng bộ tỉnh về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý tài nguyên than, khoáng sản trên địa bàn tỉnh. Đảng ủy, UBND các xã, phường đã chủ động, thường xuyên phối hợp với các đơn vị ngành Than làm tốt công tác bảo vệ ranh giới mỏ, cảng, bến bãi chế biến, tiêu thụ than. Theo đó, UBND thành phố đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo thực hiện nghiêm nghị quyết, làm tốt công tác quản lý, kiểm tra các hoạt động khai thác, vận chuyển, tiêu thụ than và các khoáng sản khác, kiện toàn tổ chức các lực lượng chức năng để xử lý các vi phạm.
Trong 6 tháng đầu năm 2023, TP Hạ Long đã tiến hành kiểm tra, tuần tra 401 lượt. Qua kiểm tra, kiểm soát cho thấy trên địa bàn không xảy ra việc khai thác than trái phép; tuy nhiên vẫn còn xảy ra hoạt động vận chuyển, mua bán, tập kết than không có nguồn gốc hợp pháp... Các lực lượng chức năng đã bắt giữ tổng cộng 21 vụ với 21 đối tượng có hành vi mua, bán, vận chuyển trái phép 145,89 tấn than các loại, xử phạt vi phạm hành chính 205 triệu đồng… Thành phố cũng phối hợp với Sở TN&MT kiểm tra, hoàn thiện hồ sơ, xử phạt vi phạm hành chính đối với 6 đơn vị, cá nhân vi phạm về khoáng sản (cát, đá, sỏi, sét, đất san lấp...).
Không chỉ tại TP Hạ Long, công tác quản lý đất đai, tài nguyên, khoáng sản đều được các ngành liên quan, các địa phương đặc biệt quan tâm. BCH Đảng bộ tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 16-NQ/TU ngày 9/5/2019 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý tài nguyên than, khoáng sản trên địa bàn tỉnh và Nghị quyết số 10-NQ/TU ngày 26/9/2022 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, phòng tránh và giảm nhẹ thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo đảm an ninh nguồn nước giai đoạn 2022-2030.
Quảng Ninh đã triển khai việc lập Kế hoạch sử dụng đất 5 năm (2021-2025) cấp tỉnh; lập, điều chỉnh Quy hoạch sử dụng đất thời kỳ 2021-2030 cấp huyện; hoàn thành phê duyệt kế hoạch sử dụng đất năm 2023 cho cả 13 huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn.
6 tháng đầu năm, Quảng Ninh đã cho 96 tổ chức thuê đất với diện tích 1.670,62ha, giao đất cho 85 tổ chức với diện tích 2.054,95ha, gia hạn thời gian sử dụng đất cho 78 tổ chức với diện tích 1.286,5ha, thu hồi đất của 45 tổ chức với diện tích là 1.117,01ha. Hội đồng thẩm định giá đất của tỉnh đã phê duyệt giá đất cụ thể đối với 25 dự án, xử lý hồ sơ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất với 39 hồ sơ cấp mới, đăng ký biến động quyền sử dụng đất với 212 giấy chứng nhận của các tổ chức…
Đặc biệt, tỉnh đang rà soát, lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và giao chỉ tiêu phân bổ cho các địa phương để chuẩn bị ít nhất 50.000 suất tái định cư phục vụ công tác GPMB, thu hồi đất giai đoạn 2021-2030. Đồng thời, hoàn thành phê duyệt Đề án đảm bảo an ninh nguồn nước trên địa bàn tỉnh đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030; xây dựng Đề án tổng thể bảo đảm nguồn vật liệu san lấp tỉnh Quảng Ninh giai đoạn đến năm 2025, tầm nhìn 2030.
Theo điều tra của các cơ quan chức năng, hằng năm các mỏ than trên địa bàn tỉnh đã đưa ra các bãi thải khoảng 150 triệu m3 đất đá, tổng trữ lượng đất, đá thải mỏ hiện nay khoảng hơn 2,1 tỷ m3; chất thải rắn công nghiệp thông thường phát sinh mỗi năm khoảng 49.000 tấn; các cơ sở sản xuất nhiệt điện trên địa bàn hằng năm phát sinh khoảng 7,6 triệu tấn tro xỉ. Bởi vậy, xác định phát triển kinh tế tuần hoàn là một trong giải pháp hiệu quả trong thực hiện tiết kiệm, chống lãng phí tài nguyên, Quảng Ninh đã xây dựng và hoàn thiện Đề án tổng thể bảo đảm nguồn vật liệu san lấp trên địa bàn tỉnh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. 6 tháng đầu năm, tỉnh đã thẩm định, phê duyệt 25 hồ sơ báo cáo đánh giá tác động môi trường và 14 hồ sơ cấp giấy phép môi trường.
Hiện Quảng Ninh tiếp tục tăng cường công tác quản lý, sử dụng đất đai khoáng sản, tài nguyên thiên nhiên đảm bảo hiệu quả, tiết kiệm gắn với bảo vệ môi trường, từ đó thúc đẩy phát triển KT-XH bền vững trên địa bàn.
Thu Nguyệt
Liên kết website
Ý kiến ()