Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 12/01/2025 11:23 (GMT +7)
Quản lý, giáo dục đối tượng nghiện ma túy
Thứ 3, 01/06/2021 | 09:43:48 [GMT +7] A A
Theo số liệu của Công an tỉnh, đến tháng 2/2021, toàn tỉnh có 2.470 người nghiện ma túy có hồ sơ quản lý (giảm 3,14% so với cùng kỳ năm 2020); 1.492 người sử dụng trái phép ma tuý ngoài cộng đồng. Thời gian qua, các địa phương, đơn vị trong tỉnh đã có nhiều giải pháp, phối hợp trong công tác quản lý, giáo dục đối tượng nghiện ma túy tại địa bàn.
Ấn tượng đầu tiên của chúng tôi khi đến Cơ sở Cai nghiện ma túy tỉnh (Sở LĐ-TB&XH) là không gian trong lành, thoáng đãng, nhiều hoa, cây ăn quả, rau màu. Đội ngũ cán bộ, nhân viên Cơ sở tận tình hướng dẫn, chỉ bảo học viên. Ông Nguyễn Văn Đan, Phó Giám đốc Cơ sở Cai nghiện ma túy tỉnh, cho biết: Cơ sở quản lý thường xuyên từ 700-800 học viên. Thời gian qua, đơn vị luôn xây dựng môi trường sống xanh - sạch - đẹp để học viên luôn cảm thấy gần gũi với thiên nhiên, có tâm lý thoải mái để cai nghiện thành công. Cơ sở duy trì đầy đủ các chế độ, quy định đối với người cai nghiện, trị liệu cho học viên thông qua dạy nghề, lao động, giáo dục; tổ chức các lớp dạy xoá mù chữ... Từ đó giúp học viên nâng cao nhận thức, chuyển đổi hành vi, thêm quyết tâm rèn luyện, hình thành ý thức và trách nhiệm để trở thành công dân tốt.
100% học viên sau giai đoạn cắt cơn, giải độc được Cơ sở tổ chức học nội quy, quy định, quy chế, chính sách pháp luật liên quan đến công tác cai nghiện và các kiến thức kỹ năng phòng, chống lây nhiễm bệnh xã hội... Đồng thời, được tham gia các lớp dạy nghề trị liệu, như: Đan lưới, đan chiếu, gia công giấy vàng mã... Học viên được tham gia lao động trị liệu với những công việc phù hợp với sở trường, sức khoẻ, qua đó hạn chế thời gian nhàn rỗi, hiểu thêm về giá trị sức lao động, từ đó quyết tâm cai nghiện thành công để trở thành công dân có ích cho xã hội.
Cơ sở còn chủ động phối hợp với chính quyền địa phương nơi học viên có hộ khẩu thường trú để thường xuyên trao đổi thông tin, nắm tình hình; kịp thời có những hoạt động hỗ trợ người sau cai nghiện về việc làm, đời sống, lao động sản xuất để ổn định cuộc sống.
Các địa phương, đơn vị trong tỉnh cũng có nhiều hoạt động thiết thực trong công tác quản lý, giáo dục người nghiện ma túy, sử dụng trái phép ma túy tại cộng đồng. Trong đó, hội phụ nữ các cấp có nhiều hoạt động thiết thực trong công tác tuyên truyền, vận động và xây dựng những mô hình can thiệp tại cộng đồng liên quan đến phòng, chống tội phạm và tệ nạn xã hội (TNXH), như: Gia đình “5 không, 3 sạch”, “Quản lý, giáo dục con em không vi phạm pháp luật và mắc các TNXH"...
Tỉnh Đoàn tăng cường phối hợp với Công an tỉnh, Chi cục Phòng chống TNXH và các địa phương tổ chức nhiều lớp tập huấn, tuyên truyền phòng chống TNXH, ma tuý cho đoàn viên, thanh niên (ĐVTN) ở địa bàn dân cư, khối trường học, công nhân trong các doanh nghiệp, khu công nghiệp... Các cơ sở đoàn trong tỉnh hiện duy trì 28 mô hình, 218 câu lạc bộ, 40 đội tuyên truyền phòng chống tội phạm, TNXH, như: “Hòm thư vì bạn”, “Truy tìm địa chỉ đen”, “Thắp sáng niềm tin”, "Bạn giúp bạn”... Qua đó, góp phần nâng cao nhận thức cho ĐVTN về trách nhiệm của bản thân đối với gia đình và xã hội, từ đó tránh xa các TNXH, phấn đấu học tập, rèn luyện để ngày một trưởng thành.
Các hoạt động hỗ trợ đối tượng chậm tiến bộ, thanh niên hư, người sau cai nghiện, người chấp hành xong án phạt tù... được các địa phương, đơn vị trong tỉnh quan tâm phối hợp triển khai hiệu quả. Các đơn vị còn tăng cường nắm tình hình, diễn biến tư tưởng, những thuận lợi và khó khăn của người chấp hành án phạt tù để kịp thời đôn đốc thực hiện tốt việc chấp hành chính sách, pháp luật của Nhà nước và các quy định của địa phương.
Tăng cường quản lý, giáo dục phòng chống ma túy, TNXH đã và đang có hiệu quả tích cực, giúp người sau cai nghiện tái hòa nhập cộng đồng, trở thành công dân có ích cho xã hội; góp phần giáo dục, nhất là thanh thiếu niên tránh xa các TNXH, phấn đấu học tập, lao động, góp sức xây dựng quê hương.
Nguyễn Huế
Liên kết website
Ý kiến ()