Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 26/01/2025 18:55 (GMT +7)
Quản lý chất thải rắn xây dựng
Thứ 4, 01/03/2023 | 11:18:13 [GMT +7] A A
Do sự phát triển của nền kinh tế cũng như nhu cầu phá dỡ các công trình cũ đã xuống cấp, tỷ lệ xây dựng tại Quảng Ninh mỗi năm tăng cao. Điều này cũng làm phát sinh lớn lượng chất thải rắn xây dựng tại các địa phương trong tỉnh.
Chất thải rắn xây dựng là phế thải do phá dỡ, cải tạo các hạng mục, công trình xây dựng cũ, hoặc do xây dựng các hạng mục, công trình mới (nhà, cầu cống, đường giao thông…) như vôi vữa, gạch ngói vỡ, bê tông, ống dẫn nước, tấm lợp… và các vật liệu khác. Theo báo cáo môi trường quốc gia, tổng lượng chất thải rắn đô thị trung bình là 60.000 tấn/ngày, trong đó, chất thải rắn đô thị chiếm từ 10-12%. Tại các đô thị lớn, tỷ lệ này có thể tới 20-25%. Thống kê năm 2019, tổng lượng chất thải rắn xây dựng là 1,9 triệu tấn và dự kiến sẽ tăng thêm khoảng 10 triệu tấn vào năm 2025.
Tại Quảng Ninh, nhóm nghiên cứu của Trường Đại học Xây dựng Hà Nội đã thu thập dữ liệu trong giai đoạn 2018-2020, cho thấy công trình xây dựng đang tăng gần như tuyến tính, với tỷ lệ tăng hàng năm xấp xỉ 7,5%. Cụ thể, năm 2018 là 1.276 giấy phép xây dựng, năm 2019 là 1.374 giấy phép, năm 2020 là 1.476 giấy phép. Năm 2020, khối lượng chất thải rắn xây dựng phát sinh khoảng 307.000 tấn/năm. Qua tính toán, lượng chất thải rắn xây dựng tiếp tục tăng và phát sinh qua các năm. Tuy nhiên, sức chứa chất thải này tại các bãi chôn lấp theo quy hoạch không có nhiều.
Mặc dù trong Nghị định 38/2015/NĐ-CP về Quản lý chất thải và phế liệu quy định, chất thải rắn xây dựng phải được thu gom, vận chuyển đến điểm tập kết, trạm trung chuyển và cơ sở xử lý được đầu tư xây dựng theo quy hoạch, được cấp có thẩm quyền phê duyệt hoặc cơ sở tái chế, công trình khác để tái chế, tái sử dụng. Nhưng tại các khu vực đô thị, người dân khó có thể tìm được một điểm tập kết loại chất thải này. Điển hình như TP Hạ Long có một bãi chôn lấp chất thải rắn xây dựng đi vào hoạt động từ năm 2015 tại Tây Đèo Sen với diện tích 6ha. Tuy nhiên, chỉ sau 5 năm hoạt động (đến năm 2020), mặt bằng này đã bị lấp đầy, dẫn đến hiện tượng một số người dân đổ trộm chất thải rắn xây dựng ra các bãi đất trống, làm ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường cũng như sức khỏe người dân và cảnh quan đô thị.
Ngoài việc thiếu bãi đất chôn lấp thích hợp theo quy hoạch, việc quản lý chất thải rắn xây dựng còn gặp nhiều khó khăn khác, như: Tốc độ đô thị hóa nhanh cùng với thực tế là các công trình xây dựng, phá dỡ phân tán gây khó khăn cho việc thu gom; nhận thức của các bên liên quan về tầm quan trọng của việc xử lý và tái chế chất thải rắn xây dựng còn rất thấp; chưa có công nghệ phân loại, xử lý, tái chế chất thải rắn nên chưa nâng cao giá trị của chất thải rắn xây dựng. Ngoài ra, phương thức vận hành tại vị trí tập kết mang tính chất tạm thời, không lâu dài nên các giải pháp bảo vệ môi trường chưa đảm bảo; các nhà thầu phá dỡ hầu như không có kỹ sư, không thuê kỹ sư và đều là các công ty mới thành lập với kinh nghiệm dưới 10 năm.
Ông Nguyễn Mạnh Tuấn, Giám đốc Sở Xây dựng, cho biết: Quảng Ninh đã thiết lập mục tiêu phát triển bền vững dài hạn và nhận thức được tầm quan trọng của hoạt động thu thập, phân loại, tái chế và tái sử dụng chất thải xây dựng. Tuy nhiên, việc ứng dụng hoạt động này tại các địa phương còn hạn chế. Do đó, Quảng Ninh cũng đang phối hợp với Chính phủ Nhật Bản thông qua các dự án để học hỏi kinh nghiệm, nổi bật là dự án SATREPS. Đây là dự án thiết lập hệ thống quản lý phế thải xây dựng hiệu quả nhằm kiểm soát ô nhiễm môi trường và tăng cường khả năng chế tạo các loại vật liệu mới từ phế thải xây dựng tái chế ở Việt Nam. Qua đó, tỉnh cũng tiếp cận được với những mô hình điển hình trong quản lý và tái chế chất thải xây dựng tại tỉnh Saitama - một tỉnh tiếp giáp thủ đô Tokyo và có rất nhiều kinh nghiệm trong sản xuất, tiêu thụ vật liệu từ phế thải xây dựng.
Tuy nhiên, để việc quản lý chất thải rắn xây dựng đạt được mục tiêu đặt ra, theo các chuyên gia của dự án SATREPS, Quảng Ninh phải xây dựng các biện pháp quản lý chất thải rắn xây dựng, như: Quy hoạch quản lý và các vị trí bãi trung chuyển và xử lý; triển khai tái chế, xử lý chất thải rắn xây dựng; ban hành các hướng dẫn kỹ thuật, tiêu chuẩn cho việc phân loại, thu gom, vận chuyển và tái chế chất thải rắn xây dựng; có các quy định chặt chẽ trong việc xử phạt và thực hiện giám sát hành vi đổ trộm chất thải rắn xây dựng cũng như tăng cường kiểm tra, giám sát hành vi này. Đồng thời, phải thực hiện truyền thông, tuyên truyền nâng cao nhận thức đối với các bên liên quan về quản lý chất thải rắn xây dựng; tổ chức các hội thảo, lớp tập huấn cho cán bộ kỹ thuật các đơn vị về phân loại chất thải rắn xây dựng tại nguồn, thu gom và vận chuyển chất thải rắn xây dựng; nghiên cứu, hướng dẫn để tăng khả năng chế tạo các loại vật liệu mới từ phế thải xây dựng tái chế như cấp phối vật liệu tái chế làm lớp móng đường giao thông; thi công mặt đường thấm nước…
Hoàng Nga
Liên kết website
Ý kiến ()