Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 26/01/2025 16:22 (GMT +7)
Quản lý các mô hình du lịch sinh thái, trải nghiệm nhỏ theo hướng nào?
Chủ nhật, 28/05/2023 | 08:09:41 [GMT +7] A A
Thời gian gần đây, trên địa bàn tỉnh nở rộ những mô hình, sản phẩm du lịch sinh thái, trải nghiệm với quy mô nhỏ. Ưu điểm là du khách có thêm sự lựa chọn với mức chi phí tiết kiệm và những lợi ích cho cộng đồng dân cư tại đây. Ngược lại cũng đặt ra không ít vấn đề trong công tác quản lý tại những điểm đến này.
Khai thác nông sản địa phương cho du lịch
Có nhiều mô hình, dịch vụ được đầu tư mới, thu hút du khách gần đây hơn cả phải kể tới khu vực đồi núi phía Bắc của TP Hạ Long. Các mô hình này phát triển chủ yếu dựa vào cảnh quan tự nhiên hoặc thiết kế các khu nhà vườn sinh thái, như: Man's farm, Happy Land, Kỳ Thượng Am Váp farm, Vườn sinh thái Xuân Trường… Mỗi mô hình lại có những điểm riêng để hút khách, với các dịch vụ camping, check in, câu cá, teambuilding, chèo sup, tắm suối, ăn uống…
Điểm chung là các mô hình đều ít nhiều nuôi trồng/khai thác nguồn nông sản tại địa phương để phục vụ du khách. Đơn cử như khu du lịch Man's farm (xã Thống Nhất) là mô hình kết hợp sản xuất và tiêu dùng nông sản tại chỗ. Những món ăn đồng quê do chính nhân viên Man's farm hoặc hộ dân vùng lân cận sản xuất, được đơn vị liên kết thu mua để phục vụ du khách. Qua tìm hiểu cho thấy, tại Man's farm hiện có diện tích trồng cây ăn quả, rau xanh, mô hình chăn nuôi gà với tổng số hơn 300 gốc ổi, nửa mẫu vườn trồng bí xanh, mướp theo mùa…, đồng thời kết hợp với người dân địa phương để cung cấp dưa hấu. Ước tính vào những ngày cao điểm du lịch tại Man's farm, mỗi ngày đơn vị tiêu thụ hàng chục kg rau củ quả, gà, cá… các loại.
Chia sẻ với chúng tôi, anh Nguyễn Văn Vương, Giám đốc Công ty TNHH Man's farm, cho biết: Định hướng của chúng tôi là muốn đưa vào kinh doanh dịch vụ du lịch nông nghiệp bên cạnh việc trải nghiệm thiên nhiên. Tôi được học chuyên sâu về ATTP nên hiểu khá rõ, ngay từ khâu tuyển chọn đầu vào cực kỳ quan trọng. Chúng tôi lựa chọn trực tiếp từ nhân giống, cây giống đến thành phẩm. Đơn cử như vườn ổi, chúng tôi lấy từ những giống cây tốt của địa phương, nhân giống cây cho ra những quả ổi chất lượng, gần như không dùng loại hoá chất nào để bón, các loại phân bón hữu cơ được sử dụng theo hình thức tái tạo. Vì thế, sản phẩm phục vụ du khách rất chất lượng, từ khâu đầu vào là rau quả cho tới việc kết hợp tự nuôi gà, thỏ và sử dụng nguồn phân bón hữu cơ đấy cho việc trồng trọt tại đây.
Hơi khác với dịch vụ tại Man's farm, Vườn sinh thái Xuân Trường (xã Thống Nhất) đầu tư khuôn viên rộng, cảnh quan đẹp, chủ yếu phục vụ dịch vụ ăn uống, với các món chủ đạo về ngựa, dê, gà, cá, rau… Ngoài một số loại nhập từ nơi khác về, như thịt ngựa chẳng hạn thì nhiều nông sản do đơn vị trồng trọt, chăn nuôi trên đồng ruộng, chuồng trại, ao vườn của mình. Những nông sản thu mua từ nơi khác hoặc của người dân địa phương đều được đơn vị kiểm tra nguồn gốc xuất xứ, quy trình sản xuất, được phân loại, sơ chế, bảo quản trong tủ bảo ôn hoặc kho lạnh theo quy trình.
Không chỉ 2 điểm trên mà thực tế có rất nhiều mô hình sử dụng nguồn nông, lâm sản, thuỷ sản tại chỗ để phục vụ khách du lịch, thậm chí đây còn là lợi thế cạnh tranh của loại hình du lịch này. Qua đó tạo ra mô hình kinh tế nông nghiệp kết hợp du lịch, làm tăng nguồn thu cho nông dân, đa dạng sản phẩm trải nghiệm của du khách, song cũng đặt ra yêu cầu nâng cao công tác đảm bảo vệ sinh ATTP, nhất là đối với những loại nông sản mà du khách ưa thích trải nghiệm sản xuất, thu hái và sử dụng tại vườn, ngay cả khi chưa qua sơ chế. Đây là bài toán đặt ra đối với cả cơ quan chức năng quản lý, cả chủ đầu tư dịch vụ cũng như đối với chính du khách tiêu dùng.
Ông Phạm Văn Luyến, Bí thư Đảng uỷ, Chủ tịch UBND xã Thống Nhất (TP Hạ Long), nhấn mạnh: Thống Nhất đang có sự chuyển mình, giai đoạn gần đây có nhiều cơ sở thương mại, dịch vụ, nhà hàng ăn uống được đầu tư xây dựng. Xã có diện tích lớn, mỗi nhà dân được quản lý, sử dụng diện tích lớn nên việc kết hợp giữa mô hình sản xuất với dịch vụ thương mại, du lịch là hướng đi phù hợp. Ví như mô hình nuôi trồng thuỷ sản kết hợp dịch vụ câu cá, ăn uống, trồng cây ăn quả kết hợp làm camping, đón khách làm dịch vụ cho phát triển kinh tế, đặc biệt là kinh tế hộ gia đình... Khi mà chuyển đổi như vậy sẽ có nhiều nguy cơ nếu không được quản lý tốt, nhận thức pháp lý của người dân chưa cao, thì có thể xảy ra những vụ ngộ độc thực phẩm. Vì vậy cần tổ chức các lớp tập huấn cho người dân, chủ cơ sở, nhân viên để làm tốt khâu đảm bảo vệ sinh ATTP.
Không chỉ Thống Nhất mà nhiều xã ở khu vực phía Bắc của TP Hạ Long đều có những mô hình sản xuất kết hợp du lịch sinh thái. Đây cũng là vùng cung cấp nông sản lớn cho Hạ Long nói chung và du khách đến với địa phương nói riêng. Đáng mừng là người dân đã có ý thức tương đối cao về sản xuất nông nghiệp an toàn.
Ông Nguyễn Văn Thiết, thôn 2, xã Quảng La, cho biết: Gia đình tôi triển khai mô hình vườn đồi, ao chuồng kết hợp, từ trồng cây có múi, chăn thả gà, nuôi cá, ba ba, đồng thời cho khách vào trải nghiệm câu cá, mỗi năm cho thu nhập trên 300 triệu đồng/năm. Gia đình có ký kết hàng năm về đảm bảo ATTP và cũng chú trọng không sử dụng các hoá chất tăng trưởng, bảo vệ thực vật vì ảnh hưởng đến gia súc, gia cầm. Các loại quả cũng được bọc bảo vệ tự nhiên bằng túi ni lông…
Cùng với ông Thiết, hiện trên địa bàn xã Quảng La đang có hàng chục mô hình vườn cây ăn trái trù phú, chăn nuôi gà thả vườn dưới tán cây để tăng thêm thu nhập. Nhiều hộ dân kiến thiết mô hình sản xuất của mình sạch, đẹp, sẵn sàng cho du khách tham quan vườn, thưởng thức nông sản sản xuất tại chỗ. Đây là cơ sở để Quảng La có thể nhân rộng những mô hình vườn mẫu và mô hình nông nghiệp kết hợp du lịch theo đúng định hướng phát triển của xã đưa ra, thu hút khách du lịch về với địa phương.
Cần sự quản lý chủ động hơn, sớm hơn
Không chỉ Hạ Long, nhiều địa phương có lợi thế về cảnh quan tự nhiên thời gian gần đây cũng xuất hiện những mô hình tương tự, trong đó có những mô hình nhỏ lẻ, tự phát. Vì vậy thiết nghĩ địa phương cần có sự chủ động quản lý sớm hơn.
Ở Uông Bí có nhiều điểm du lịch trải nghiệm hút khách thời gian gần đây như đồi Phượng Hoàng, Bình Hương, khu Khe Song - Thác Bạc... Các điểm này đều nằm trong rừng hoặc ở trên độ cao hàng trăm mét so với mực nước biển, không gian rộng lớn vắng vẻ, vì vậy khâu kiểm soát về ANTT, vệ sinh môi trường, quy mô dịch vụ ở mức độ nào để không ảnh hưởng tới vẻ đẹp cảnh quan chung là rất cần thiết.
Qua thực tế đồi Phượng Hoàng, chúng tôi nhận thấy vẫn có hiện tượng du khách nấu nướng dưới gốc cây, và ở những khoảng đồi xen kẽ vẫn có những cây thông bị vàng cháy bên cạnh những cây xanh tươi(?) Các lều bạt ngày càng nhiều hơn. Dường như những lối mòn quanh co trên sườn đồi ngày một mở rộng do lượng xe chạy qua ngày một nhiều hơn(?) Và người dân làm dịch vụ nơi đây còn khá mơ hồ về cách thức làm du lịch, thậm chí còn tự ý trồng thêm cây trên đỉnh đồi...
Trải nghiệm đồi Phượng Hoàng và Bình Hương là những sản phẩm du lịch mới, được Uông Bí dự kiến đưa vào hoạt động trong quý III tới đây. Hiện nay, thành phố đang hướng dẫn các cơ sở kinh doanh dịch vụ tại đây hoàn thiện về hồ sơ, thủ tục, củng cố cơ sở hạ tầng và sản phẩm. Tuy nhiên, du khách thì đã biết và tìm đến trải nghiệm tại đây từ trước đó khá lâu. Vì vậy, ngay từ bây giờ, việc địa phương có giải pháp quản lý sớm các điểm đến này là rất cần thiết.
Với xu hướng phát triển mạnh mẽ của loại hình du lịch sinh thái, trải nghiệm hiện nay, thiết nghĩ, cùng với các doanh nghiệp lớn thì người dân, nhóm hộ gia đình có sự mạnh dạn đầu tư là rất nên khuyến khích, vừa tạo thêm sản phẩm dịch vụ cho du lịch địa phương, cung cấp dịch vụ cho du khách tốt hơn, đồng thời giải quyết việc làm, tăng thêm thu nhập cho người dân ở những khu vực vùng sâu, xa.
Tuy nhiên, việc nở rộ nhanh chóng của những mô hình du lịch này rõ ràng cũng đặt ra yêu cầu về sự quản lý của các địa phương cần chủ động hơn, sớm hơn, nhất là có sự hướng dẫn để các cơ sở làm đúng quy định hiện hành. Bởi lẽ, nhiều mô hình khai thác dịch vụ dưới tán rừng nên việc trông nom đảm bảo du khách không xâm hại rừng, nhất là chặt phá cây, đốt lửa gây cháy rừng là vô cùng cần thiết.
Với không gian lớn của những khu vườn, đồi núi thì ý thức của du khách là rất quan trọng, vì vậy cũng cần tuyên truyền nâng cao nhận thức du khách trong việc gìn giữ cảnh quan môi trường điểm đến. Như vậy thiết nghĩ mới tránh được tình trạng “mất bò mới lo làm chuồng”, “không quản được thì cấm” và các mô hình du lịch nhỏ cũng có cơ hội phát triển bền vững hơn.
Ngọc Mai
Liên kết website
Ý kiến ()