Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 13/01/2025 09:38 (GMT +7)
Quân dân Quảng Yên chống chiến dịch càn quét Bô-lê-rô ở vùng sau lưng địch
Thứ 4, 02/08/2023 | 09:00:21 [GMT +7] A A
Từ ngày 28 tháng 6 đến ngày 25 tháng 8 năm 1952, giặc Pháp mở “chiến dịch Bô-lê-rô” càn quét với quy mô lớn; huy động 2 trung đoàn quân ứng chiến, phối hợp với quân chiếm đóng địa phương, đánh vào các khu căn cứ du kích ở các huyện Kinh Môn, Chí Linh, Đông Triều, Nam Sách, trọng điểm là khu An Sinh - Nhị Chiểu (huyện Kinh Môn).
Theo sách Lịch sử Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh, mở đầu trận chống càn lớn này, 10 giờ ngày 28 tháng 6 năm 1952, đại đội 10 (tiểu đoàn Bạch Đằng) và đại đội 29 bộ đội địa phương huyện Kinh Môn đã đánh trả quyết liệt bộ binh cùng 32 xe lội nước, 20 xe tăng của địch, do tên quan năm Bơ-lăng-ke (Blankais) chỉ huy, tấn công vào khu An Sinh, tiêu diệt 160 tên địch (trong đó có tên Bơ-lăng-ke). Sau đó, đại đội 910 rút sang huyện Đông Triều và đại đội 923 rút sang khu Nhị Chiểu. Sau ngày 29 tháng 6 địch rải quân khắp các thôn lục soát hầm hố, vơ vét của cải, dồn dân về Kinh Chủ.
Ngày 2 tháng 7 năm 1952, địch đã chuyển phần lớn quân sang bao vây khu Nhị Chiểu (Kinh Môn). Thấy lực lượng của địch mạnh, huyện ủy Kinh Môn cho bộ đội rút ra ngoài vòng vây, tiến vào xã Lạc Long trong vùng địch tạm chiếm. Địch càn vào khu Nhị Chiểu, một số cán bộ huyện ủy đã bị chúng bắt, 3.000 dân bị dồn sang huyện Đông Triều.
Tỉnh ủy Quảng Yên đã kịp thời phê phán chủ trương rút lui của huyện ủy Kinh Môn và quyết định khẩn cấp đưa bộ đội vào huyện Kinh Môn đánh địch, đồng thời chỉ thị cho các huyện khác đẩy mạnh hoạt động vũ trang cùng với huyện Kinh Môn chống càn. Một đồng chí ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy về trực tiếp chỉ thị cho huyện ủy Kinh Môn và các chi bộ đảng xã An Sinh và xã Chí Linh, phải bám trụ lãnh đạo nhân dân đấu tranh.
Đêm 18 tháng 7, trong lúc địch đang tập trung dân để tuyên truyền lừa bịp, bộ đội ta đột nhập thôn Mua Xã Thượng Quận đánh địch, diệt 5 tên, bắt 7 tên, thu 8 súng.
Chiều 19 tháng 7, quân ta bẻ gãy trận càn của địch ở xã Chỉ Minh, diệt gần 70 tên, địch vội vã điều quân tiếp viện đến, ta tiếp tục diệt 60 tên nữa.
Ngày 22 tháng 7 năm 1952, Tỉnh ủy Quảng Yên kịp thời rút kinh nghiệm và ra chỉ thị: Nhận định về trận càn quét Kinh Môn, xúc tiến kế hoạch đối phó phá tan âm mưu của giặc.
Chấp hành chỉ thị của Tỉnh ủy, tiểu đoàn Bạch Đằng đã điều các đơn vị vào khu Nhị Chiểu cùng với bộ đội địa phương và dân quân du kích huyện Kinh Môn dựa vào hang đá, dùng lối bắn tỉa đánh địch.
Từ ngày 21 đến ngày 25 tháng 8 năm 1952, địch dùng một lực lượng lớn càn vào huyện Nam Sách đã bị ta chặn đánh ở xã Thái Tân, An Lâm, Nam Hồng. Đại đội 902 và dân quân du kích địa phương tiêu diệt 126 tên, làm bị thương 82 tên.
Trong hai tháng chống chiến dịch Bô-lê-rô của địch (28 tháng 6 đến 25 tháng 8 năm 1952), quân và dân tỉnh Quảng Yên đã tiêu diệt 595 tên địch (trong đó có một quan năm, một quan tư, một quan ba, bốn quan hai), làm bị thương 2.246 tên, bắt sống 13 tên, thu và phá hủy nhiều vũ khí, quân trang, quân dụng.
Chiến thắng của quân và dân tỉnh Quảng Yên trong chiến dịch chống càn Bô-lê-rô vào vùng địch hậu tỉnh Quảng Yên có một ý nghĩa lịch sử to lớn. Chiến thắng này đã nêu cao tinh thần chiến đấu kiên cường, bất khuất; cổ vũ mạnh mẽ và thúc đẩy phong trào chiến tranh du kích ở vùng sau lưng địch lên một bước mới. Qua trận chống càn này, dân quân tỉnh Quảng Yên đã thật sự trưởng thành và rút ra được những bài học kinh nghiệm bổ ích, phong phú về việc bám dân, bám đất, sự phối hợp tác chiến giữa các vùng, các địa phương để chống càn thắng lợi. Trận đánh đã củng cố lòng tin và chứng minh sức mạnh tổng hợp giữa bộ đội, dân quân du kích và nhân dân, nếu biết đoàn kết, hợp lực, kiên quyết đánh thắng kẻ thù thì dù chúng có đông và mạnh đến đâu ta vẫn giành được thắng lợi.
Tất Đạt (Tổng hợp)
Liên kết website
Ý kiến ()