Thiếu tướng Zaw Min Tun, phát ngôn viên chính quyền quân sự Myanmar, ngày 12/1 thông báo "với sự giúp đỡ của Trung Quốc, một cuộc họp được tổ chức tại thành phố Côn Minh, chúng tôi đã đạt được thỏa thuận ngừng bắn".
"Chúng tôi có kế hoạch thảo luận thêm và củng cố thỏa thuận ngừng bắn. Chúng tôi sẽ tham gia vào những cuộc thảo luận sâu hơn giữa Myanmar và Trung Quốc về việc mở lại các cửa khẩu", tướng Zaw Min Tun cho biết.
Liên minh Huynh đệ tại miền bắc Myanmar cùng ngày cũng thông báo ngừng bắn với quân chính phủ. Đại diện nhóm vũ trang Quân đội Giải phóng Quốc gia Ta'ang (TNLA) Tar Bhone Kyaw cho biết họ "đồng ý mở lại thương mại qua biên giới" với Trung Quốc.
Một thủ lĩnh TNLA nói hai bên đồng ý dừng tiến quân. "Theo thỏa thuận, liên minh sẽ kiềm chế các đợt tập kích nhằm vào doanh trại của quân chính phủ và thị trấn. Quân đội Myanmar sẽ không mở các đợt không kích hoặc tập kích bằng vũ khí hạng nặng", thủ lĩnh TNLA cho biết.
Liên minh Huynh đệ ở miền bắc Myanmar bao gồm TNLA, Quân đội Liên minh Dân chủ Quốc gia Myanmar (MNDAA) và Quân đội Arakan (AA). Hai nhóm còn lại chưa bình luận về thông tin trên.
Bộ Ngoại giao Trung Quốc cùng ngày tiết lộ các cuộc đàm phán ngừng bắn được tổ chức ngày 10-11/1 tại thành phố Côn Minh, tỉnh Vân Nam. Mao Ninh, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc, nói hai bên nhất trí giải quyết mâu thuẫn thông qua đàm phán hòa bình. Hai bên cũng cam kết không gây hại cho người dân tại khu vực biên giới Myanmar - Trung Quốc.
"Trung Quốc hy vọng các bên liên quan tại Myanmar sẽ nghiêm túc thực hiện thỏa thuận ngừng bắn đã đạt được và kiềm chế tối đa", bà Mao nói.
Xung đột bùng phát tại miền bắc Myanmar từ tháng 10/2023 khi liên minh các nhóm vũ trang phát động đợt tấn công nhằm vào quân chính phủ. Họ chiếm một số thị trấn và trung tâm phục vụ hoạt động thương mại giữa Myanmar với Trung Quốc.
Sau khi một quả đạn pháo từ Myanmar rơi trúng thị trấn Nam Tản thuộc tỉnh Vân Nam ngày 3/1, Trung Quốc bày tỏ "vô cùng bất bình" khi xung đột vũ trang khiến người dân nước này bị thương và đã giao thiệp nghiêm khắc với các bên liên quan.
Giao tranh ở miền bắc Myanmar kích động các nhóm phiến quân khác tham gia tấn công quân chính phủ, làm xung đột lan rộng ra miền đông và miền tây nước này. Theo Liên Hợp Quốc, hơn 300.000 người tại Myanmar phải sơ tán do xung đột gần đây.
Ý kiến ()