Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 26/01/2025 18:04 (GMT +7)
Quá trình chuyển đổi số tại Vietcombank
Thứ 3, 05/11/2024 | 20:13:00 [GMT +7] A A
Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư (CMCN 4.0) mở ra nhiều cơ hội, đồng thời cũng đặt ra nhiều thách thức đối với mỗi quốc gia, tổ chức và cá nhân; đã và đang tác động ngày càng mạnh mẽ đến tất cả các lĩnh vực của đời sống kinh tế, xã hội đất nước. Trong cuộc CMCN 4.0, chuyển đổi số là một xu thế tất yếu khách quan sẽ diễn ra toàn diện mọi mặt đời sống và trên phạm vi toàn cầu. Với sự phát triển không ngừng của công nghệ, thói quen người tiêu dùng, chuyển đổi số trở thành xu hướng tất yếu với các quốc gia, các doanh nghiệp trên toàn cầu và có tác động quan trọng đến tăng trưởng GDP quốc gia, năng suất lao động, năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp.
Chuyển đổi số là xu thế tất yếu khách quan, là cơ hội và yêu cầu cấp bách, là nhiệm vụ có ý nghĩa chiến lược, đặc biệt quan trọng đối với các doanh nghiệp và toàn thể xã hội, là công cụ để thực hiện đổi mới, nâng cao hiệu quả, năng suất hoạt động doanh nghiệp, sức cạnh tranh, vị thế dẫn dắt trong nền kinh tế, góp phần thực hiện thành công chủ trương của Đảng, Nhà nước về thực hiện chuyển đổi số quốc gia, xây dựng kinh tế số, xã hội số, chính phủ số.
Trước xu hướng số hóa mạnh mẽ của nền kinh tế nói chung và lĩnh vực tài chính ngân hàng nói riêng, với mục tiêu đến năm 2025 trở thành ngân hàng số đứng đầu, Vietcombank đã chủ động xây dựng Đề án chuyển đổi ngân hàng số cùng các chương trình hành động Chuyển đổi số thực hiện Chiến lược phát triển đến năm 2025 - tầm nhìn 2030 theo đúng Nghị quyết số 02-NQ/ĐUK về chuyển đổi số của Đảng uỷ Khối Doanh nghiệp Trung ương và Quyết định số 749-QĐ-TTg ngày 30/6/2020 của Thủ tưởng Chính phủ về phê duyệt “Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”.
Chuyển đổi số là yêu cầu tất yếu, mang tới những cơ hội lớn cho các doanh nghiệp nói chung và các NHTM nói riêng, tạo ra các mô hình kinh doanh lớn với những giá trị mới đem lại cho khách hàng. Ngày 13/01/2022, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã ban hành Chỉ thị số 02/CT-NHNN về việc đẩy mạnh chuyển đổi số và bảo đảm an ninh, an toàn thông tin trong hoạt động ngân hàng. Theo đó, yêu cầu các đơn vị thuộc Ngân hàng Nhà nước, tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán chủ động triển khai quyết liệt, có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp nêu tại Kế hoạch chuyển đổi số ngành ngân hàng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
Xác định công nghệ và số hóa là những yếu tố then chốt, quyết định việc duy trì năng lực cạnh tranh, ngay từ năm 2001, Vietcombank đã tiên phong trong cung ứng dịch vụ số cho khách hàng, với việc triển khai phiên bản Internet Banking đầu tiên cho khách hàng cá nhân và hệ thống VCB-Money cho khách hàng tổ chức.
Vietcombank, với nền tảng ứng dụng và hạ tầng cho chuyển đổi số được đầu tư từ nhiều năm trước, đã chuyển đổi phương thức hoạt động đáp ứng với bối cảnh kinh doanh mới một cách nhanh chóng, hiệu quả. Với chiến lược số hóa toàn ngân hàng, từ năm 2020 Vietcombank đã thành lập Ban chỉ đạo chuyển đổi số, Trung tâm Ngân hàng số.
Trong năm 2021, Vietcombank đã ban hành 2 văn bản có tính định hướng quan trọng là Chương trình hành động chuyển đổi số, với 7 nhóm hành động và 15 mục tiêu cụ thể bám sát theo định hướng tại các văn bản chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước và Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương; Kế hoạch chuyển đổi số, với hơn 300 hành động theo 4 trụ cột là số hoá (Digital), dữ liệu (Data), công nghệ (Technology) và chuyển đổi (Transformation) cùng lộ trình triển khai chi tiết. Đặc biệt, khối công nghệ thông tin và chuyển đổi số được chính thức thành lập từ tháng 12/2021, đóng vai trò hạt nhân trong công tác chuyển đổi số toàn ngân hàng.
Với trọng tâm hướng đến khách hàng, mở rộng các sản phẩm dịch vụ đa dạng, nâng cao trải nghiệm của khách hàng, Vietcombank đã đưa vào vận hành thành công Hệ thống ngân hàng lõi mới (Core Banking Signature) áp dụng từ đầu năm 2020. Hệ thống mở ra khả năng xử lý đa dịch vụ với cơ sở dữ liệu tập trung, tốc độ xử lí giao dịch nhanh và theo thời gian thực 24/7.
Tháng 7/2020, Vietcombank chính thức ra mắt dịch vụ Ngân hàng số hoàn toàn mới VCB Digibank trên cơ sở hợp nhất các nền tảng giao dịch trực tuyến và thay thế cho các dịch vụ Internet Banking và Mobile Banking trước đây của ngân hàng. VCB Digibank cung cấp các trải nghiệm liền mạch, thống nhất cho khách hàng trên các phương tiện điện tử như máy tính (PC/Laptop) và thiết bị di động (điện thoại/tablet) đem lại sự thuận tiện nhanh chóng cho khách hàng cũng như hiệu quả kinh doanh cho Ngân hàng trong bối cảnh đại dịch Covid-19 hạn chế các kênh giao dịch trực tiếp tại Ngân hàng. Lũy kế đến nay, Vietcombank vẫn là ngân hàng đứng đầu về quy mô khách hàng trên kênh số với hơn 7 triệu người dùng VCB Digibank và quy mô số lượng giao dịch trung bình gần 50 triệu món mỗi tháng.
Tiếp tục phát triển trên nền tảng VCB Digibank, tháng 6/2021, Vietcombank triển khai dịch vụ Mở tài khoản trực tuyến với công nghệ đột phá, ứng dụng giải pháp định danh trực tuyến eKYC giúp khách hàng mở tài khoản vào bất cứ thời điểm nào, tại bất kỳ đâu, không bị giới hạn bởi không gian và thời gian. Khách hàng có thể mở tài khoản, tùy chọn số tài khoản, đăng kí sử dụng ứng dụng, phát hành thẻ… chỉ trong một vài phút thao tác trên ứng dụng.
Không ngừng nâng cao trải nghiệm số hướng đến cả đối tượng khách hàng cá nhân và khách hàng doanh nghiệp SME, tháng 11/2021, Vietcombank cho ra đời Dịch vụ Ngân hàng số VCB DigiBiz dành cho khách hàng doanh nghiệp SME. Với việc sử dụng 2 phương thức xác thực là Smart OTP (xác thực thông qua ứng dụng trên điện thoại - được tích hợp ngay trên ứng dụng VCB DigiBiz) và Hard Token (thiết bị vật lý), bộ giải pháp số này mang tới sự tiện lợi, nhanh chóng, tiết kiệm chi phí cũng như đảm bảo an toàn tối đa cho khách hàng.
Đối với công tác tín dụng, trong giai đoạn 2019-2023: Vietcombank đã triển khai mô hình phê duyệt tín dụng CLOS (hệ thống khởi tạo khoản vay cho Khách hàng bán buôn) và mô hình phê duyệt tín dụng RLOS (hệ thống khởi tạo khoản vay cho khách hàng bán lẻ). Việc triển khai 2 mô hình này đã thay đổi cách thức xử lý khoản cấp tín dụng theo hướng tự động hoá, tăng hiệu quả hoạt động, nâng cao khả năng quản trị rủi ro. Đây cũng là nền tảng để Vietcombank thực hiện chiến lược chuyển đổi số nhằm đáp ứng nhu cầu và nâng cao trải nghiệm của khách hàng.
Thực hiện Quyết định số 2345/QĐ-NHNN ngày 18/12/2023 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về triển khai các giải pháp an toàn, bảo mật trong thanh toán trực tuyến và thanh toán thẻ ngân hàng, kể từ ngày 01/07/2024 Vietcombank triển khai xác thực bằng sinh trắc học đối với một số loại giao dịch trực tuyến và hướng dẫn khách hàng cập nhật sinh trắc học trên ứng dụng VCB Digibank. Vietcombank cũng là ngân hàng đầu tiên khai thác Dịch vụ xác thực điện tử của Bộ Công an, qua đó khách hàng của Vietcombank có thể cập nhật thông tin sinh trắc học online một cách đơn giản thông qua giải pháp kết nối app-to-app giữa ứng dụng VCB Digibank và ứng dụng VNeID (bên cạnh giải pháp sử dụng căn cước công dân gắn chip và điện thoại có kết nối NFC như đã triển khai). Để ghi nhận những thành quả của Vietcombank, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã ban hành Quyết định số 815/QĐ-NHNN khen thưởng Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) vì đã có thành tích xuất sắc trong triển khai, thực hiện Đề án 06 của Thủ tướng Chính phủ.
Có thể nói, Vietcombank là một trong những Ngân hàng đi đầu trong việc chuyển đổi số tại Việt Nam, tuy nhiên trong quá trình chuyển đổi số vẫn còn một số tồn tại, thách thức: (i) Các nhiệm vụ chuyển đổi số rất lớn, nhất là có nhiều nhiệm vụ khó và phức tạp cần phải có thời gian, cán bộ có trình độ cao để triển khai; (ii) Nhận thức, thói quen chuyển đổi số, thực hiện giao dịch an toàn của người dân chưa đồng đều, nhất là đối với các đối tượng người trung niên, lớn tuổi; (iii) Sự gia tăng các phương thức lừa đảo, chiếm đoạt thông tin khách hàng rất tinh vi của nhóm tội phạm công nghệ cao….
Để khắc phục những tồn tại trên, Vietcombank đã triển khai nhiều giải pháp như: (i) Không ngừng đầu tư cơ sở vật chất hiện đại, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho quá trình chuyển đổi số; (ii) Tuyên truyền, hướng dẫn người dân tìm hiểu về chuyển đổi số nói chung và giao dịch an toàn trên không gian mạng; (iii) Xây dựng hệ thống an ninh mạng an toàn bảo vệ dữ liệu người dùng; (iv) Cán bộ Vietcombank chủ động nâng cao năng lực, kiên thức, kĩ năng số để sẵn sàng tham gia vào quá trình chuyển đổi số.
Việc tiên phong triển khai chuyển đổi số không chỉ góp phần khẳng định uy tín, thương hiệu hàng đầu của Vietcombank mà còn minh chứng cho những cam kết mạnh mẽ của ngân hàng trong việc phát triển, cải tiến sản phẩm, dịch vụ ngân hàng để đáp ứng nhu cầu và nâng cao trải nghiệm của khách hàng, từ đó tạo dựng được niềm tin của khách hàng và công chúng.
Lê Văn Long- Vietcombank Hạ Long
Liên kết website
Ý kiến ()