Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 27/01/2025 15:41 (GMT +7)
Quá nhiều cuộc thi sắc đẹp, lo ngại danh xưng hoa hậu mất dần giá trị
Thứ 2, 12/06/2023 | 17:11:10 [GMT +7] A A
Những năm gần đây, dư luận đang quan tâm về vấn đề "lạm phát" các cuộc thi hoa hậu tại Việt Nam. Theo các chuyên gia, đơn vị tổ chức cuộc thi cần đưa những quy chế riêng để danh xưng "hoa hậu" thực sự mang đúng giá trị, chứ không đơn thuần là các sự kiện mang tính giải trí.
Thêm hàng loạt cuộc thi mới, chất lượng bỏ ngỏ
Nhà thiết kế Võ Việt Chung - người sáng lập "Hoa hậu Đại dương Việt Nam" vừa công bố bản quyền ba cuộc thi nhan sắc mới gồm: Hoa hậu Hành tinh xanh Việt Nam, Hoa hậu Ngọc trai Việt Nam và Hoa hậu Lụa - Di sản Việt Nam. Các cuộc thi này sẽ được tổ chức trong thời gian từ năm 2023 đến 2025.
Trước đó, Võ Việt Chung từng tiết lộ anh đang sở hữu bản quyền của 14 cuộc thi nhan sắc trong nước. Nhà thiết kế này khẳng định 3 cuộc thi được tổ chức sắp tới sẽ gắn liền với những giá trị nhân văn, ý nghĩa tốt đẹp và có nhiều điều mới lạ.
Tuy nhiên, với việc ngày càng nhiều cuộc thi sắc đẹp ra đời nhưng không để lại bất kì dấu ấn gì, dư luận đang đặt nhiều hoài nghi liệu rằng các cuộc thi mới liệu có đảm bảo chất lượng, các hoa hậu có thật sự đáp ứng đủ kì vọng?
Theo thống kê, có hơn 20 cuộc thi hoa hậu quy mô lớn đã được cấp phép tổ chức trong năm 2022, chưa kể đến các cuộc thi hoa hậu doanh nhân, hoa hậu nhí, hoa khôi hoặc các cuộc thi sắc đẹp quy mô cấp tỉnh. Năm 2023, số lượng các cuộc thi tiếp tục tăng thêm với hàng loạt cái tên lạ lẫm được công bố.
Chỉ cần lướt qua tên gọi các cuộc thi, dễ nhận thấy sự chồng chéo, khó phân biệt. Không chỉ vậy, các tiêu chí, giải thưởng như: Người đẹp tài năng, Người đẹp nhân ái, Người đẹp thể thao, Người đẹp thiện nguyện… cũng na ná nhau, khó lòng có thể phân biệt được đâu là đặc trưng riêng. Một số cuộc thi sau khi tổ chức đêm chung khảo thì mất hút, khán giả thậm chí còn không thể nhớ rõ tên người đăng quang.
Đã vậy, chất lượng thí sinh trong các cuộc thi này cũng là điều đáng lo ngại. Không ít lần dư luận phải thở dài ngao ngán trước những phát biểu, hành động ngô nghê, thiếu tiết chế của thí sinh trên sân khấu.
Thậm chí, nhiều đơn vị còn công khai tổ chức, quảng bá rầm rộ cuộc thi sắc đẹp dù chưa được xin phép.
Đơn cử như Cuộc thi "Miss International Queen Vietnam 2023" do hoa hậu chuyển giới Hương Giang đứng ra tổ chức đã bị xử phạt 55 triệu đồng vì hành vi tổ chức khi chưa được cấp phép.
Hay đơn vị tổ chức cuộc thi "Miss Peace Vietnam 2022" cũng từng bị xử phạt với số tiền tương tự do thực hiện hành vi vi phạm hành chính "tổ chức thi người đẹp mà không có văn bản chấp thuận".
Trao đổi với phóng viên ngày 12.6, Tiến sĩ văn hóa Trần Tùng Hiếu cho biết, một năm, ở nước ta có biết bao cuộc thi sắc đẹp từ nhiều cấp độ khác nhau, cứ thế thay phiên nhau thi thố. Số lượng nhiều không phải sai nhưng cần nhìn nhận đúng về danh hiệu hoa hậu.
Theo tiến sĩ, chức danh hoa hậu phải được hiểu đúng vai trò và đúng sứ mệnh của nó. Có như vậy danh hiệu hoa hậu mới thật sự đúng nghĩa. Nhưng ngược lại, nhiều cuộc thi lệ thuộc quá vào nhà tài trợ và lợi nhuận thì đánh mất bản chất ban đầu của cuộc thi.
"Nhiều cuộc thi sản sinh, sẽ xảy ra tình trạng loạn hoa hậu, chất lượng thí sinh không đảm bảo. Nhưng nếu loại bỏ thì không thể loại bỏ hẳn vì chúng ta sẽ có sự sàng lọc, những cuộc thi đáp ứng đủ tiêu chí, chất lượng sẽ tồn tại, những cuộc thi kém, tôi tin khán giả sẽ là người loại bỏ" - ông nói thêm.
Số lượng phải đi kèm với chất lượng
Cần phải nói một cách khách quan, việc tổ chức nhiều cuộc thi hoa hậu chưa hẳn xấu nếu tất cả các cuộc thi đều mang lại những giá trị nhất định cho cộng động, xã hội.
Tuy nhiên, việc lạm dụng các cuộc thi, trao danh hiệu đại trà, trao đổi, mua bán và xem cuộc thi như một món nghề kiếm ra tiền khiến các cuộc thi hoa hậu trong nước trở nên tầm thường trong mắt công chúng.
Các chuyên gia cho rằng, đã đến lúc phải nhìn lại các cuộc thi hoa hậu, người đẹp và có những quy chế riêng nhằm để danh xưng thực sự mang giá trị và ý nghĩa, chứ không đơn thuần là các sự kiện mang tính giải trí.
Chuyên gia truyền thông Hoàng Văn - công ty truyền thông Clover chia sẻ với Lao Động vào 12.6: "Xét về yếu tố tích cực, chúng ta thật sự không cần giới hạn số cuộc thi sắc đẹp, miễn là chúng ta có được thí sinh tham gia chất lượng, giấy phép hẳn hoi và cam kết thực hiện đúng tiêu chí, giá trị cuộc thi mang lại. Hãy xem các cuộc thi sắc đẹp là một nét đặc biệt của chúng ta, cũng là nơi các bạn nữ tìm cho mình cơ hội tranh sắc".
Tuy nhiên, theo ông Hoàng Văn, vấn đề ở đây là chất lượng thí sinh đầu vào và cách chọn lọc trước khi được thi. Ngoài các thông số vóc dáng chuẩn, ít nhất phải có học thức tốt.
Nếu các thí sinh được trang bị kiến thức tốt và chững chạc, nếu ban giám khảo có đủ khả năng, thì tin rằng các cuộc thi hoa hậu sẽ mang tới nhiều giá trị đáng giá. Còn ngược lại, các cuộc thi tổ chức ồ ạt chỉ mong thu lợi nhuận, sẽ khiến danh xưng mất giá trị, khán giả sẽ đào thải.
Theo laodong.vn
Liên kết website
Ý kiến ()