Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 01/11/2024 21:33 (GMT +7)
Về miền Soóng Cọ nơi vùng cao biên giới
Thứ 7, 30/04/2022 | 09:08:50 [GMT +7] A A
Bình Liêu vào hè, khi hoa trẩu trắng muốt nở khắp các thôn bản, khi lúa non đã lên xanh mướt trên những thửa ruộng bậc thang, cũng là lúc bà con đồng bào dân tộc Sán Chỉ ở Húc Động náo nức, rộn ràng hòa mình vào hội Soóng Cọ. Tiếng hát bình dị mà du dương mang vẻ đẹp bản sắc, cốt cách của đồng bào cứ thế vang xa từ mái nhà bên nương đồi đến cánh đồng, bờ suối, lên cả ngọn núi cao và nối tiếp từ thế hệ này đến thế hệ khác, đã níu chân biết bao du khách mỗi dịp ghé qua miền Soóng Cọ Bình Liêu.
Thắm tình hội hát tháng Ba
Nếu ai đã từng đến Húc Động vào Hội tháng Ba, hình ảnh những chàng trai, cô gái hát giao duyên bên suối, hay những cô gái mặc váy đá bóng đã không còn xa lạ với du khách. Đã nhiều dịp tham gia hội Soóng Cọ và các lễ hội truyền thống ở Bình Liêu, bản thân tôi trong lần đầu nghe hát Soóng Cọ cũng chưa cảm nhận được hết tinh túy của điệu dân ca này, bởi hát Soóng Cọ không có đàn đệm nhạc như hát Then của người Tày mà là hình thức hát xướng, hát giao duyên. Nhưng càng nghe sẽ càng ngấm, chính cách luyến láy, ngân nga của người hát làm cho mỗi lời ca tự nó đã thành nhạc, thành nhịp, cứ thế du dương đi vào lòng người lúc nào không hay.
Theo các cụ cao niên ở xã Húc Động, hát Soóng Cọ là thể thức đối đáp, người hát chia làm hai bên, một bên nam, một bên nữ đứng đối diện hát, hoặc cùng một lúc có nhiều tốp hát đối nhau. Trước mỗi câu hát, người Sán Chỉ thường hò đệm ngân dài, da diết, trầm bổng. Khi cất lên những câu hát đầu tiên, các bên hát bắt buộc phải có những lời hát mời. Sau các hồi hát chung, các cặp hát hợp nhau có thể tách ra hát riêng và họ có thể hát tới sáng. Hát Soóng Cọ có những quy định riêng như không hát với người cùng huyết thống, cùng gia đình (dâu, rể)...
Hội Soóng Cọ xưa chỉ dành cho người đã trưởng thành, bởi mục đích chính là để cho đôi lứa tìm người tâm đầu ý hợp kết thành nhân duyên. Đồng thời dành cho những người yêu nhau say đắm mà không cưới được nhau, sẽ gặp lại nhau trong ngày hội năm sau và chỉ trong những ngày hội đó, họ mới được thoải mái hát ca, tâm tình, ở bên nhau mà không bị cười chê.
Đến với xã Húc Động, du khách sẽ dễ dàng nghe thấy những câu hát Soóng Cọ mượt mà ở bất cứ đâu, vì bà con rất nhiều người biết hát. Nếu vào ngày hội, trai gái bản trên, bản dưới hát từ tối đến sáng, họ đứng hát với nhau ở trên các sườn đồi, con suối hay đồng ruộng. Còn vào ngày thường, bà con vẫn ngân nga những giai điệu khi lao động, sản xuất, khi họp thôn bản, hát chúc tết, mừng đám cưới, mừng nhà mới… Vì vậy, từ nhiều năm nay, các CLB hát Soóng Cọ trong xã đã được thành lập, vừa giúp bà con được giao lưu, thỏa đam mê ca hát sau những ngày lao động vất vả, vừa góp phần truyền dạy, gìn giữ văn hóa cho thế hệ trẻ và có thể phục vụ các đoàn khách du lịch khi muốn tìm hiểu, trải nghiệm văn hóa địa phương.
Ở tuổi 40, anh Trạc A Thìn (thôn Lục Ngù) thuộc thế hệ những người trẻ ở Húc Động biết và hát Soóng Cọ rất hay. Được cha mẹ truyền dạy từ nhỏ, cùng tình yêu thôn bản, yêu những làn điệu dân ca quê hương đã thôi thúc anh Thìn gìn giữ, tích cực sưu tầm, sáng tác thêm lời bài hát mới dựa trên những giai điệu sẵn có. Bởi vậy, cũng giống như Trạc A Thìn, trong mỗi làn điệu Soóng Cọ được cất lên của người dân Húc Động hôm nay, đâu đâu cũng ánh lên niềm vui, tự hào về sự thay đổi của thôn, xóm, lấp lánh những thành quả của xây dựng nông thôn mới, gửi gắm niềm tin, chan chứa tình yêu quê hương, đất nước, tình làng nghĩa xóm bền chặt, cổ vũ nhân dân tiếp tục lao động, sản xuất…
Anh Thìn bộc bạch: Mỗi dịp hội đến, các tiết mục hát Soóng Cọ đều do những cô bác, anh chị em trong xã tự tập luyện, dàn dựng. Sự phong phú về câu hát dân ca của người Sán Chỉ gắn liền với tài ứng khẩu và đặt lời mới của người hát, vì vậy, mỗi năm chúng tôi đều có những bài hát mới, chủ đề mới ngày càng phong phú. Bởi với người Sán Chỉ, làn điệu Soóng Cọ gần gũi như hơi thở, là dấu ấn, bản sắc văn hóa luôn được bà con trân trọng, gìn giữ bằng tất cả tình yêu và trách nhiệm.
Đánh thức tiềm năng du lịch
Hội Soóng Cọ là ngày hội lớn nhất trong năm của người Sán Chỉ, được tất cả người dân mong chờ. Lễ hội năm nay diễn ra tại các địa điểm quen thuộc của xã Húc Động là nhà văn hóa, sân vận động xã, đập Thánh Thìn, núi Cao Ly, với các hoạt động sôi nổi, mang đậm bản sắc văn hóa của đồng bào dân tộc Sán Chỉ, như: Nghi lễ cầu may truyền thống; biểu diễn và giao lưu hát Soóng Cọ giữa các nghệ nhân, nhân dân và du khách; đêm lửa trại Cao Ly; giao lưu thể thao (kéo co, đẩy gậy, bóng đá nữ…) và các trò chơi dân gian (tung còn, kỳ cáy, đi cà kheo…); trưng bày các hiện vật sinh hoạt, lao động sản xuất, hình ảnh thiên nhiên, con người, vùng đất Bình Liêu.
Hội Soóng Cọ là hoạt động kích cầu du lịch đầu tiên trong năm 2022 của Bình Liêu để đón du khách khi du lịch mở cửa lại hoàn toàn. Chị Nguyễn Thị Thu Thảo (du khách TP Hải Phòng), chia sẻ: Hội Soóng Cọ đã tái hiện một không gian văn hóa rực rỡ sắc màu của đồng bào dân tộc Sán Chỉ nói riêng và các dân tộc của huyện Bình Liêu nói chung. Sự thân thiện, mến khách của bà con nơi đây cho chúng tôi những trải nghiệm thú vị về văn hóa, cuộc sống thường nhật của đồng bào. Đây là khởi đầu ấn tượng để chúng tôi có những chuyến hành trình trở lại với Bình Liêu nhiều ngày hơn, khám phá trọn vẹn hơn.
Cùng với dân tộc Dao, Tày, người Sán Chỉ ở Bình Liêu chiếm số lượng cư dân đông. Vì vậy, khai thác thế mạnh cảnh quan, cùng những nét đẹp văn hóa của người Sán Chỉ tạo nên sản phẩm du lịch mới mẻ là một trong những định hướng mà huyện đang thực hiện. Đặc biệt, dự án "Phát triển du lịch sinh thái thác Khe Vằn" đang được triển khai sẽ tạo điểm nhấn quan trọng, bước đầu đưa du lịch trên địa bàn xã Húc Động phát triển theo hướng chuyên nghiệp.
Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Húc Động La Ngọc Dương cho biết: Trên cơ sở những định hướng, chính sách thu hút đầu tư phát triển du lịch của huyện, xã Húc Động tiếp tục đẩy mạnh công tác bảo tồn, gìn giữ phát huy các giá trị văn hóa truyền thống thông qua lễ hội, hoạt động của các câu lạc bộ văn nghệ, thể thao tạo nền tảng phát triển du lịch văn hóa, du lịch cộng đồng. Đặc biệt, bóng đá nữ Sán Chỉ thời gian qua đã tạo được tiếng vang, góp phần quan trọng quảng bá cho du lịch địa phương. Thời gian tới, xã sẽ triển khai khôi phục các bản dân tộc Sán Chỉ với những nét văn hóa đặc trưng của đồng bào, tạo các mô hình trải nghiệm nghề truyền thống làm miến dong, mô hình cắm trại trên núi Cao Ly... Đáng mừng là cho đến nay, nhiều hộ dân trong xã cũng đã lên ý tưởng xây dựng các homestay, phát triển dịch vụ phục vụ nhu cầu ngày càng cao của khách du lịch.
Những hứa hẹn phát triển du lịch đang được “đánh thức” nơi miền Soóng Cọ tươi đẹp, đã và đang góp phần đưa Bình Liêu thêm vững vàng, tự tin trên hành trình trở thành điểm đến không thể bỏ qua khi du khách đến với “thiên đường du lịch” Quảng Ninh.
Nguyễn Dung
Liên kết website
Ý kiến ()