Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 12/01/2025 18:59 (GMT +7)
Quá khứ huy hoàng của điện ảnh cách mạng Việt Nam
Thứ 2, 04/03/2024 | 11:40:24 [GMT +7] A A
Dòng phim Nhà nước từng có quá khứ huy hoàng với những đóng góp lớn lao cho điện ảnh cách mạng.
Sứ mệnh lịch sử
Hãng phim truyện Việt Nam cùng với Hãng phim Giải phóng, và sau này có thêm Hãng phim truyện I từng trải qua quá khứ huy hoàng với sứ mệnh lịch sử của dòng phim Nhà nước ngợi ca tình yêu đất nước qua thăng trầm biến thiên của những cuộc chiến tranh vệ quốc.
Hãng phim truyện Việt Nam, tiền thân là Doanh nghiệp Quốc doanh chiếu bóng và chụp ảnh do Chủ tịch Hồ Chí Minh ký sắc lệnh thành lập ngày 15.3.1953. Năm 1959, Hãng phim truyện Việt Nam chính thức phát hành bộ phim truyện đầu tiên "Chung một dòng sông" đặt nền móng cho nền điện ảnh cách mạng ra đời dưới sự đầu tư của nhà nước.
Hành trình lịch sử của Hãng phim truyện Việt Nam, Hãng phim Giải phóng đã chứng kiến thời kỳ huy hoàng, rực rỡ của điện ảnh cách mạng với hàng loạt tác phẩm kinh điển.
“Chị Tư Hậu” lấy bối cảnh ở Nam Bộ vào giai đoạn đầu cuộc kháng chiến chống Pháp. Sau khi bị cưỡng bức, chị Tư Hậu có ý định tự tử, nhưng tiếng khóc đói sữa của con đã giữ chị lại. Chị vươn lên, vượt qua nỗi đau và đi theo cách mạng. Phim giành giải Bạc tại LHP Quốc tế Moscow năm 1963.
“Vĩ tuyến 17 ngày và đêm” của đạo diễn NSND Hải Ninh được thực hiện năm 1972 giữa bối cảnh Mỹ leo thang bắn phá miền Bắc. Đoàn làm phim phải đào hầm quanh khu hồ Tây vừa trú ẩn, vừa sản xuất tác phẩm.
Những câu chuyện về “Vĩ tuyến 17 ngày và đêm” đã trở thành giai thoại bất hủ của một thời làm phim trong mưa bom lửa đạn. Vất vả, gian khó, thiếu thốn đủ mọi bề, nhưng vượt lên tất cả, mỗi thước phim “Vĩ tuyến 17 ngày và đêm” tái hiện chân thực cuộc chiến tranh vệ quốc kiên cường của dân tộc.
“Cánh đồng hoang” của Hãng phim Giải phóng sau 45 năm ra mắt vẫn là một trong những bộ phim xuất sắc nhất về đề tài chiến tranh của điện ảnh Việt Nam.
“Cánh đồng hoang” được đạo diễn Hồng Sến thực hiện trên nền bối cảnh cánh đồng vùng Đồng Tháp Mười trong những ngày diễn ra cuộc đấu tranh Giải phóng miền Nam Việt Nam.
Vợ chồng Ba Đô và con nhỏ sống trong một căn chòi giữa cánh đồng mênh mang nước. Họ được giao nhiệm vụ giữ đường dây liên lạc cho bộ đội. Bộ phim được khen ngợi về cách kể chuyện vừa chân thực, gần gũi vừa khốc liệt, đau thương trong cuộc chiến vốn không cân sức giữa một gia đình nhỏ với không quân địch.
“Cánh đồng hoang” kể chuyện bằng 3 chiều không gian, trên cánh đồng, dưới mặt nước và trên bầu trời. Cuộc chiến đấu kiên cường của Ba Đô để bảo vệ gia đình anh, bảo vệ quê hương, đất nước được kể chi tiết, chân thực, giàu tính điện ảnh.
Cuộc chiến cam go trên 3 mặt trận, 3 không gian, đầy kịch tính nhưng lãng mạn, đầy khí chất buất khuất và giàu cảm xúc.
“Cánh đồng hoang” giành 6 giải thưởng trong và ngoài nước, nổi bật với Giải Bông sen Vàng - Liên hoan phim Việt Nam và Huy chương Vàng - Liên hoan phim Quốc tế Moskva.
Cùng với “Cánh đồng hoang”, Hãng phim Giải Phóng thành lập từ năm 1962 (tên ban đầu là Xưởng phim Giải Phóng) đã cho ra đời những thước phim cách mạng kinh điển như: "Mùa gió chướng", "Ván bài lật ngửa"...
Ngợi ca tinh thần yêu nước, ngợi ca cuộc chiến đấu kiên cường bất khuất của dân tộc, phản ánh thân phận con người trong bối cảnh lịch sử đầy biến động, các hãng phim Nhà nước bám sát đời sống, bám sát những cú chuyển mình mang tính thời đại, và liên tục cho ra đời những thước phim có tầm vóc.
“Làng Vũ Đại ngày ấy” ra mắt năm 1982 được xây dựng kịch bản dựa trên 3 tác phẩm của nhà văn Nam Cao gồm: "Sống mòn", "Chí Phèo" và "Lão Hạc". Phim là góc nhìn hiện thực đầy khốc liệt về cuộc sống với nhiều tầng lớp khác nhau trong xã hội thực dân nửa phong kiến của Việt Nam trước Cách mạng tháng Tám (1945).
Ở đó, thầy giáo Thứ và cuộc sống mòn mỏi của một tri thức bất lực trước muôn vàn bi kịch của dân nghèo, ở đó là lão Hạc bị bần cùng hóa và một Chí Phèo bị lưu manh hóa. Cuộc sống tăm tối, đói nghèo cùng cực đã đẩy số phận của những nhân vật mang tính điển hình vào những bi kịch riêng nhưng mang góc nhìn chung của một thời đại.
Đạo diễn - NSND Phạm Văn Khoa liên tiếp cho ra mắt những tác phẩm về số phận người nông dân nghèo trong xã hội phong kiến nửa thuộc địa, có thể kể đến tác phẩm tiêu biểu là “Chị Dậu” năm 1980 và “Làng Vũ Đại ngày ấy” năm 1982.
Bước sang thời hậu chiến, Hãng phim truyện Việt Nam, Hãng phim Giải phóng, Hãng phim truyện I (thành lập năm 1990) tiếp tục sứ mệnh với dòng phim Nhà nước đặt hàng với nhiều dự án bám sát đời sống đất nước khi bước vào thời kỳ đổi mới.
Bộ phim “Bao giờ cho đến tháng 10” của đạo diễn - NSND Đặng Nhật Minh, Hãng phim truyện Việt Nam sản xuất được CNN bình chọn là một trong 18 tác phẩm điện ảnh xuất sắc nhất mọi thời đại của châu Á.
Cùng với “Bao giờ cho đến tháng 10”, “Thương nhớ đồng quê”... đạo diễn - NSND Đặng Nhật Minh đóng góp thêm cho Hãng phim truyện Việt Nam những thước phim xuất sắc để quá khứ hiển vinh của hãng luôn được ngợi ca.
Chỉ đến khi bước vào kinh tế thị trường, những đạo diễn và êkíp làm phim vốn đã quen với các dự án được bao thầu toàn bộ từ vốn Nhà nước, không chịu bất cứ sức ép nào về doanh thu mới “choáng váng” trước cơn lốc phòng vé.
Thời thế
Trước khi “vật vã” trong công cuộc cổ phần hóa vì thua lỗ, Hãng phim Giải Phóng từng có quãng thời gian đã nỗ lực, cố gắng tìm cách chuyển mình.
Năm 2003, bộ phim “Gái nhảy” của đạo diễn Lê Hoàng do Hãng phim Giải phóng sản xuất đã công phá phòng vé từ Nam ra Bắc làm nên những kỳ tích chưa từng có, phim đoạt doanh thu 32 tỉ đồng - là kỷ lục của thời điểm đó.
Sau thành công vang dội về phòng vé của “Gái nhảy”, đạo diễn Lê Hoàng và Hãng phim Giải phóng tiếp tục với “Gái nhảy 2” mang đậm màu sắc giải trí và tính thị trường nhưng đuối sức về kịch bản.
Năm 2010, thực hiện kế hoạch cổ phần hóa, Hãng phim Giải Phóng đổi thành Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Phim Giải Phóng. Từ năm 2016, hãng bắt đầu thay đổi cách thức hoạt động và đổi tên thành Công ty Cổ phần Phim Giải Phóng, vừa sản xuất phim, vừa cho thuê thiết bị sản xuất.
Tính đến thời điểm cuối tháng 10.2023, Công ty Cổ phần Phim Giải phóng (Hãng phim Giải Phóng) đang nợ thuế hơn 53 tỉ đồng. Năm 2022, Hãng phim Giải Phóng báo lỗ sau thuế hơn 23 tỉ đồng (năm 2021 doanh nghiệp này cũng lỗ gần 23 tỉ đồng).
Hãng phim Giải phóng có số phận tương đồng với Hãng phim truyện Việt Nam. Hãng phim truyện Việt Nam buộc phải bước vào cổ phần hóa. Sau khi rơi vào tay Tổng Công ty Vận tải thủy VIVASO, hãng gần như bỏ hoang, không còn hoạt động.
Đi qua quá khứ hiển vinh, rực rỡ của thời kỳ điện ảnh cách mạng được Nhà nước bao cấp, những nhà làm phim khi quen với cơ chế bao cấp, bước vào cơ chế thị trường đã không thể vận động, chuyển mình và bị vòng xoáy thời đại làm cho thua lỗ.
Bên cạnh đó, những hạn chế về mặt phát hành, cấp vốn của phim Nhà nước đặt hàng ngày càng bộc lộ những điểm yếu trước vận tốc thay đổi chóng mặt của phòng vé, thị hiếu, và thời đại.
Những ngày này, bộ phim “Đào, phở và piano” bất ngờ có được sức hút sau khi một TikToker đi xem về review (bình luận) đã trở thành đề tài gây tranh cãi bất tận xoay quanh dòng phim Nhà nước đặt hàng, lấy đề tài chiến tranh lịch sử.
Vẫn là những câu chuyện muôn thuở về cách thức sản xuất, cách thức phát hành, về cách kể chuyện của một bộ phim chiến tranh thời 4.0 đã đến lúc phải cần bước tiến vượt bậc về công nghệ và mức đầu tư... Phim Nhà nước ở thời đại mới cần những cuộc thay đổi mang tính bước ngoặt để phù hợp với thị hiếu, thế hệ khán giả trẻ hôm nay, và để viết tiếp trang sử vẻ vang từ quá khứ huy hoàng.
Theo laodong.vn
Liên kết website
Ý kiến ()