Tất cả chuyên mục
Thứ Bảy, 02/11/2024 02:41 (GMT +7)
Quá hạn liên thông đơn thuốc điện tử, nhiều cơ sở y tế vẫn thờ ơ
Thứ 3, 14/11/2023 | 14:04:26 [GMT +7] A A
Dù đã quá hạn phải liên thông đơn thuốc điện tử, hiện mới chỉ có hơn 78 triệu đơn thuốc điện tử được liên thông về Hệ thống thông tin quốc gia về quản lý kê đơn thuốc và bán thuốc theo đơn của Bộ Y tế. Trong đó, số đơn đã bán báo cáo từ cơ sở bán thuốc gửi về hệ thống cũng còn rất thấp, chỉ vài trăm nghìn đơn.
Còn chậm vì sao?
Trong số 78 triệu đơn thuốc điện tử được liên thông trên hệ thống là từ hơn 15 nghìn cơ sở khám, chữa bệnh, chủ yếu trong khối công lập (1.300 bệnh viện, hơn 12 nghìn trạm y tế xã phường). Khối khám, chữa bệnh tư nhân với hơn 30 nghìn cơ sở gần như vẫn chưa liên thông đơn thuốc điện tử.
Đặc biệt, khối cơ sở bán lẻ thuốc cũng có rất ít cơ sở sở bán thuốc theo mã đơn thuốc (quy định tại Thông tư 04/2022/TT-BYT) và gửi báo cáo đơn thuốc đã bán về hệ thống.
Theo khảo sát của phóng viên tại một vài cơ sở khám, chữa bệnh, cơ sở bán lẻ thuốc tư nhân ở một số thành phố lớn như Hà Nội, Đà Nẵng, Huế, Thành phố Hồ Chí Minh, Tiền Giang, Kiên Giang… và một số cơ sở bán lẻ thuốc về việc họ biết gì về kê đơn thuốc điện tử và bán thuốc theo mã đơn, thì đa phần câu trả lời vẫn là chưa biết, thậm chí có nơi còn không hiểu đơn thuốc điện tử là gì. Trong khi đó, hạn cuối để nhóm cơ sở này thực hiện liên thông đơn thuốc điện tử được quy định tại Thông tư 04/2022/TT-BYT là ngày 30/6/2023.
Đặc biệt, hiện một số bệnh viện lớn thuộc tuyến trung ương cũng chưa liên thông đơn thuốc theo quy định. Mới chỉ có 26/39 bệnh viện tuyến trung ương liên thông đơn thuốc.
Rất nhiều Sở Y tế trên toàn quốc và các lãnh đạo cơ sở khám, chữa bệnh lớn (bệnh viện tuyến trung ương) chưa quan tâm tới vấn đề này dù thời hạn Thông tư 04/2022/TT-BYT quy định đã qua.
Trong thời gian qua, Đảng, Chính phủ và Bộ Y tế có nhiều chỉ đạo việc triển khai nâng cao đời sống sức khoẻ cho người dân thông qua việc Quản lý bán thuốc theo đơn tránh đại dịch kháng thuốc đặc biệt là kháng kháng sinh. Gần đây nhất, Thủ tướng Chính phủ cũng phê duyệt Chiến lược quốc gia về phòng, chống kháng thuốc tại Việt Nam giai đoạn 2023-2030, tầm nhìn đến năm 2045, trong đó yêu cầu giám sát bán thuốc kháng sinh theo đơn tại các cơ sở bán lẻ thuốc.
|
Theo Bộ Y tế, Hệ thống thông tin quốc gia về quản lý kê đơn thuốc và bán thuốc theo đơn được xây dựng có 2 mục tiêu.
Một là, giúp cơ quan quản lý nhà nước quản lý các đơn thuốc được kê bảo đảm tính minh bạch, chính xác, tránh đơn thuốc giả và bảo đảm nhà quản lý có công cụ giám sát việc hành nghề kê đơn của mỗi bác sĩ.
Trên từng đơn thuốc của ngày hôm nay, cơ quan quản lý luôn truy xuất được thông tin chi tiết cơ sở khám, chữa bệnh này là cơ sở nào, có ai đăng ký làm việc, phạm vi hoạt động, giấy phép hoạt động… tương đồng như thế, nhà quản lý cũng xem thông tin chi tiết của từng bác sĩ kê đơn, tài liệu chứng chỉ hành nghề, cơ sở hoạt động… từ đó, bảo đảm đơn thuốc phát sinh ra từ cơ sở là đúng đủ chính xác đúng thẩm quyền hành nghề cũng như có công cụ tra cứu truy vết các hình thức kê đơn không phù hợp.
Hai là, hệ thống chia sẻ đơn thuốc (thông qua mã đơn thuốc) mà người bệnh mang tới cơ sở bán lẻ thuốc và hệ thống sẽ được tiếp nhận báo cáo về số lượng thuốc đã bán trên mỗi lần ở mỗi cơ sở bán lẻ, nhằm bảo đảm bán thuốc theo đơn. Đơn thuốc đã bán hết, đơn thuốc quá hạn (5 ngày từ khi kê đơn) sẽ được hệ thống cảnh báo cho dược sĩ để tránh việc tái bán trên đơn đã bán hoặc đã hết hạn.
Theo Bộ Y tế, hiện có 45% thuốc phải kê đơn, 55% không kê đơn, trên tổng đầu số hơn 24 nghìn thuốc được cấp phép đang kinh doanh trên thị trường.
Tổ chức Y tế thế giới đang khuyến cáo, Việt Nam là một trong tốp những quốc gia có tỷ lệ kháng thuốc cao và mua thuốc không đơn rất cao (trong khối cơ sở bán thuốc tư nhân có tới hơn 80% giao dịch mua thuốc là không đơn).
Nếu tiếp tục duy trì việc bán thuốc theo đơn giấy, việc bảo đảm tính minh bạch xác thực của mỗi đơn thuốc là vô cùng khó khăn. Đặc biệt, tình trạng bán thuốc không đơn vẫn diễn ra thoải mái.
Cơ sở pháp lý và việc triển khai đơn thuốc điện tử không khó khăn
Theo thông tin từ lãnh đạo Hội Tin học Y tế Việt Nam, trong giai đoạn một năm qua, hội đã hỗ trợ hướng dẫn cho 38 Sở Y tế trên toàn quốc việc triển khai liên thông đơn thuốc điện tử tới các cơ sở y tế tư nhân.
Tuy nhiên, các Sở Y tế địa phương mới chỉ đang quan tâm tới các cơ sở công lập trên địa bàn mình quản lý, còn khối phòng khám tư nhân, cơ sở bán lẻ thuốc tư nhân vẫn đang bỏ ngỏ.
Nhiều cơ sở y tế tư nhân cho biết, họ chưa nắm được tinh thần Thông tư 04/2022/TT-BYT của Bộ Y tế về đơn thuốc điện tử và rất mong được sớm hướng dẫn thực hiện.
Trước đây, giai đoạn năm 2018-2019, Bộ Y tế đã triển khai rất tốt việc mỗi cơ sở bán lẻ thuốc phải có phần mềm đáp ứng liên thông, nếu không thực hiện không đủ tiêu chuẩn kinh doanh và thu hồi giấy phép. Vì thế, hiện khoảng hơn 68 nghìn cơ sở bán lẻ thuốc đều đã có phần mềm liên thông.
Theo Bộ Y tế, việc liên thông đơn thuốc điện tử rất đơn giản không cần phải đầu tư thêm phần mềm mới.
Nếu việc kê đơn thuốc điện tử được liên thông đầy đủ, Bộ Y tế không chỉ quản lý bán thuốc theo đơn mà cơ quan quản lý nhà nước sẽ có lợi trong việc thống kê về mặt bệnh học, tình trạng sử dụng thuốc và hoạt động hành nghề của các bác sĩ.
Đối với các cơ sở khám, chữa bệnh nếu áp dụng sớm sẽ có lợi trong việc tăng lượt khám, chữa bệnh vì người bệnh phải có đơn thuốc mới có thể mua được thuốc, tránh việc mượn đơn thuốc, hoặc sử dụng đơn cũ mua lại hay mua thuốc không đơn.
Việc chuyển đổi số trong lĩnh vực y tế là một yêu cầu tất yếu và được Chính phủ, Bộ Y tế ban hành nhiều văn bản để thúc đẩy triển khai sớm. Tuy nhiên, hiện nay, hàng chục nghìn các cơ sở khám, chữa bệnh chưa thấy đơn vị nào bị xử phạt do quá hạn liên thông đơn thuốc điện tử nên còn thờ ơ, chưa làm triệt để.
Theo nhandan.vn
Liên kết website
Ý kiến ()