Quy định áp dụng cho tất cả pin được bán ở EU gồm pin trên thiết bị di động, pin SLI, pin cho đèn ắc quy phương tiện giao thông LMT (cung cấp năng lượng cho động cơ của các phương tiện có bánh như xe máy điện và xe đạp), ắc quy xe điện (EV) và ắc quy công nghiệp.
Theo quy định, ba năm kể từ khi luật có hiệu lực, pin di động trong sản phẩm điện tử và gia dụng phải được thiết kế sao cho người tiêu dùng có thể tự tháo và thay thế. Chúng cũng có nhãn và mã QR chứa thông tin về dung lượng, hiệu suất, độ bền, thành phần hóa học cũng như biểu tượng "thu gom riêng" để người dùng hiểu được. Riêng pin LMT, pin công nghiệp công suất trên 2 kWh và pin EV sẽ phải có cái gọi là "hộ chiếu pin kỹ thuật số", gồm thông tin về kiểu pin cũng như thông tin cụ thể về từng loại pin và cách sử dụng.
Tất cả các công ty sản xuất hoặc cung ứng pin tại thị trường EU, trừ doanh nghiệp vừa và nhỏ, sẽ được yêu cầu xây dựng và thực hiện "chính sách thẩm định" pin phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế để giải quyết các rủi ro xã hội và môi trường liên quan đến tìm nguồn cung ứng, gia công và mua bán nguyên vật liệu.
Cũng theo quy định, trước 31/12/2030, EU sẽ đánh giá xem có nên loại bỏ dần việc sử dụng pin di động không sạc lại được cho mục đích sử dụng chung hay không. Quy định về pin đang chờ Nghị viện châu Âu phê duyệt lần cuối, nhưng chưa rõ thời gian cụ thể. Nếu được thông qua, nó sẽ đặt ra tiêu chuẩn xanh cao hơn cho thị trường pin toàn cầu những năm tới.
Áp lực với các công ty điện tử
Theo The Next Web, việc yêu cầu pin di động trong thiết bị điện tử phải được thiết kế sao cho người tiêu dùng có thể tháo và thay thế một cách dễ dàng có lợi hơn cho người dùng, đặc biệt là thời gian sử dụng được kéo dài. Tuy nhiên, quy định mới có thể đe dọa các hoạt động hiện tại của các thương hiệu điện tử tiêu dùng lớn, chẳng hạn Apple và Samsung.
Hiện phần lớn smartphone và laptop trên thị trường được tích hợp pin không thể tháo rời. Thiết kế này nhằm tạo ra sản phẩm mỏng và bền hơn. Nếu pin gặp vấn đề, người dùng buộc phải đến trung tâm bảo hành hoặc cửa hàng thay vì tự sửa.
Trong khi đó, theo SamMobile, các công ty điện tử có thể phải đổi chiến lược kinh doanh thiết bị tại châu Âu. Ngoài ra, họ cũng cần xem xét chuỗi cung ứng và hoạt động sản xuất hiện tại, tham gia các giải pháp hợp tác với các nhà tái chế.
Trước đó, EU cũng thông qua việc yêu cầu các công ty điện tử trang bị cổng USB-C trên sản phẩm tiêu dùng của mình, trong đó có điện thoại. Apple được xem là hãng bị ảnh hưởng nhất khi iPhone hiện dùng cổng Lightning. Tuy nhiên, công ty được cho là sẽ chuyển sang USB-C kể từ iPhone 15 ra mắt năm sau.
Ý kiến ()