"Đã qua ngày 14/3, dự án vẫn chưa có gì thay đổi ngoài việc hạn chế tốc độ đào Pi. Tôi không còn kỳ vọng vào dự án này nữa", Nguyễn Đại Cường, một người "đào" Pi tại Thái Nguyên cho biết.
Cường bắt đầu tham gia Pi Network từ đầu năm 2021, sau khi nghe nhiều người nhắc đến dự án tiền điện tử miễn phí. Hàng ngày, anh vào ứng dụng và bấm nút điểm danh để nhận tiền điện tử và kỳ vọng đồng này sẽ có giá trị. Tuy nhiên, sau nhiều lần hứa hẹn của đội ngũ phát triển dự án, đến nay số đồng Pi trong điện thoại của Cường vẫn chưa thể mang đi trao đổi và không có bất cứ giá trị gì. Đến ngày 1/3, thay đổi đầu tiên được Pi Network đưa ra là giảm tốc độ đào của người dùng nhằm giới hạn số đồng Pi được phát hành, khiến anh bắt đầu nản chí.
"Trước đây mỗi ngày tôi được khoảng ba đồng Pi, nhưng nay chỉ còn một nửa. Số Pi đào được ngày càng ít nhưng cũng chẳng thể sử dụng được, dù đã qua nhiều lần hứa hẹn của dự án", Cường nói.
Thời hạn đầu tiên nhóm phát triển Pi đưa ra là ngày số Pi - 14/3 năm nay. Trong công bố hồi cuối năm ngoái, đội ngũ xây dựng Pi Network cho biết đã khởi chạy mạng chính thức (main net) và chia thành hai giai đoạn: mạng kín và mạng mở. Trong đó, mạng kín là các giao dịch trong nội bộ người đào Pi với nhau, còn mạng mở là có thể trao đổi với các đồng tiền khác. Pi Network cũng cho biết dự định khởi chạy mạng mở "có thể bắt đầu vào ngày số Pi 14/3/2022, hoặc muộn hơn, tuỳ thuộc vào sự trưởng thành của nền kinh tế trong mạng lưới và tiến trình KYC của người dùng".
Tuy nhiên, đến nay, Pi Network không có bất cứ thông tin nào về sự phát triển của dự án sau main net. Quá trình KYC cũng bị nhiều người dùng phàn nàn triển khai chậm hoặc gây khó khăn khi thực hiện.
KYC là cách dự án xác minh danh tính của người dùng. Đây cũng là quy trình bắt buộc của hầu hết các dự án tiền điện tử hiện nay, nhằm tránh nguy cơ lợi dụng tiền điện tử cho mục đích xấu. Với Pi Network, dự án ban đầu sử dụng giải pháp xác minh danh tính thông qua bên thứ ba là Yoti. Nhưng hiện Pi Network cho biết sẽ tự xây dựng giải pháp KYC riêng.
"Việc quan trọng là cần KYC. Khi KYC hàng loạt thành công, các bước sau đó mới có thể tiến hành nhanh được", Phiên Võ, quản trị viên nhóm đào Pi với hơn 100 nghìn thành viên tại Việt Nam, giải thích.
Trong thông báo mới nhất, Pi Network cho biết giải pháp KYC diện rộng đã được triển khai. Người dùng sẽ nhận được thông báo nếu tài khoản đạt chuẩn hoặc có thể chủ động truy cập trình duyệt Pi Browser để kiểm tra.
Thông báo này khiến nhiều người tiếp tục kỳ vọng có thể hoàn thành thủ tục để giao dịch Pi. Tuy nhiên khi thử thực hiện, hầu hết người dùng tại Việt Nam nhận được thông báo "quá giới hạn tham gia".
Với một số người nhận được KYC, ứng dụng cũng yêu cầu người dùng phải thực hiện trong 15 phút sau khi có thông báo. Nếu quá thời gian này, suất KYC sẽ bị hủy. Người dùng phải sử dụng căn cước công dân, hộ chiếu, thực hiện một số cử chỉ theo yêu cầu của ứng dụng bằng tiếng Anh, khiến phần lớn người dùng Việt chưa thể thực hiện.
"Tôi được mời KYC và mất gần một tiếng để thực hiện, nhưng cuối cùng không thành công. Chắc sẽ rất lâu mới lại đến lượt tôi lần nữa", thành viên Thành Đức chia sẻ trên một nhóm đào Pi. "Số Pi trên ứng dụng của tôi vẫn chưa có bất cứ tác dụng gì. Tôi sẽ tiếp tục chờ đến ngày số Pi thứ hai, tức 28/6 xem sao".
Trên một số cộng đồng đào Pi, bên cạnh những người vẫn kiên trì theo đuổi đồng tiền ảo này, một số bắt đầu từ bỏ. Một người cho biết ban đầu, số lượng thành viên trong nhóm đào Pi của anh là gần 10 người, nhưng hiện chỉ còn mình anh.
Theo thống kê trên Similarweb, lượng người truy cập website minepi của dự án liên tục giảm. Tháng 12/2021, lượng truy cập đạt 5,8 triệu, nhưng hiện giảm hơn 40%, xuống còn 3,3 triệu.
Việt Nam cũng không còn nằm trong top bốn thị trường có lượng người truy cập website này nhiều nhất như cuối năm 2021. Lượng quan tâm đến từ khóa "Pi Network" trong nước, theo thống kê trên Google Trends, giảm còn chưa đến 25% so với giai đoạn cao điểm.
Ý kiến ()