Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 01/11/2024 23:26 (GMT +7)
Phương Tây hướng đến vai trò của Trung Quốc nhằm chấm dứt xung đột Nga-Ukraine
Thứ 2, 08/05/2023 | 15:05:04 [GMT +7] A A
Cách tiếp cận này dựa trên quan điểm rằng không bên nào có khả năng duy trì chiến đấu vô thời hạn và việc Trung Quốc sẵn sàng đóng vai trò trong các cuộc đàm phán hòa bình quốc tế.
Theo tờ Wall Street Journal ngày 7/5, một số quan chức Mỹ và châu Âu cho biết họ tin rằng kế hoạch phản công của Ukraine có thể mở đường cho các cuộc đàm phán giữa Kiev và Moskva vào cuối năm nay, và rằng Trung Quốc có thể giúp đưa Nga quay trở lại bàn đàm phán.
Việc khuyến khích đàm phán và tìm kiếm vai trò của Trung Quốc trong các cuộc thảo luận nhằm chấm dứt xung đột ở Ukraine thể hiện sự thay đổi trong lập trường của phương Tây, đặc biệt là ở Mỹ, vốn rất hoài nghi về bất kỳ sự tham gia nào của Bắc Kinh do mối qua hệ gần gũi của Trung Quốc đối với Nga. Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken gần đây đã công khai bày tỏ sự lạc quan thận trọng rằng Bắc Kinh có thể giúp làm giảm xung đột.
Các quan chức phương Tây cho biết, cách tiếp cận này dựa trên quan điểm rằng không bên nào có khả năng duy trì chiến đấu vô thời hạn và việc Bắc Kinh sẵn sàng đóng vai trò trong các cuộc đàm phán hòa bình quốc tế cần được kiểm chứng. Tuy nhiên, họ vẫn không chắc chắn về thiện chí đàm phán hòa bình của Nga dưới thời Tổng thống Vladimir Putin.
Mối quan tâm đến các cuộc đàm phán hòa bình khiến Mỹ đang liên kết chặt chẽ hơn với một số quốc gia châu Âu, những nước mong muốn xung đột kết thúc, hoặc ít nhất là ở cường độ vừa phải, và đã có ý định thảo luận về một số giải pháp trong năm nay. Mỹ, Anh và các quốc gia khác đã công khai nói rằng Ukraine sẽ được hỗ trợ miễn là họ đánh bại được các lực lượng Nga.
Adam Hodge, phát ngôn viên của Hội đồng An ninh Quốc gia (NSC) Mỹ cho biết: “Chúng tôi đã nói rõ ràng rằng chúng tôi sẽ tiếp tục hỗ trợ Ukraine khi họ bảo vệ đất nước của mình và sự hỗ trợ đó sẽ tiếp tục”.
Các quan chức tại Nhà Trắng và Bộ Ngoại giao Mỹ cũng khẳng định rằng tất cả các cuộc chiến đều kết thúc trên bàn đàm phán, nhưng lưu ý điều đó cần mối quan tâm thực sự từ phía Nga để tiếp cận bất kỳ cuộc thảo luận nào một cách thiện chí và viện trợ quân sự của phương Tây cho Ukraine được thiết kế để đặt Kiev vào một vị thế đàm phán tốt hơn.
Theo các quan chức châu Âu, nhiều quan chức chủ chốt trong NSC gia ủng hộ đàm phán, trong khi Bộ Ngoại giao và Cơ quan Tình báo Trung ương của Mỹ tỏ ra hoài nghi hơn, muốn xem cuộc phản công diễn ra như thế nào trước khi đưa ra một giải pháp ngoại giao. Tuy nhiên, người phát ngôn trên của NSC phản bác quan điểm của châu Âu rằng có sự chia rẽ trong chính quyền Biden.
Các quan chức cấp cao ở Paris và Berlin nói rằng họ muốn Nhà Trắng tìm cách tạo điều kiện thuận lợi cho các cuộc đàm phán sau những thắng lợi dự kiến từ cuộc phản công của Ukraine. Mục đích là để Ukraine giành lại một số vùng lãnh thổ quan trọng ở phía Nam.
Thủ tướng Đức Olaf Scholz dự kiến sẽ có cuộc gặp với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tại Berlin vào tháng này trong chuyến thăm được kỳ vọng là chuyến đi đầu tiên của nhà lãnh đạo Ukraine tới Đức kể từ khi xung đột nổ ra. Trong khi ông Scholz có thể không gây áp lực buộc Tổng thống Zelensky phải đàm phán, thì các quan chức châu Âu cho biết, Tổng thống Mỹ Joe Biden dự kiến sẽ gửi tín hiệu cho nhà lãnh đạo Ukraine rằng các cuộc đàm phán ngừng bắn có thể là cơ hội trong những tháng tới.
Việc thúc đẩy đàm phán diễn ra trong bối cảnh cả hai bên bờ Đại Tây Dương đều lo ngại rằng quy mô hỗ trợ từ phương Tây dành cho Ukraine trong thời gian tới sẽ khó có thể duy trì nếu xung đột đi vào bế tắc. Một số quan chức và lãnh đạo Mỹ/EU cho biết việc cung cấp đạn dược là một vấn đề chính vì năng lực công nghiệp của phương Tây đã được chứng minh là không thể đáp ứng nhu cầu của chính họ trong khi tiếp tục hỗ trợ Ukraine.
Một số quan chức cấp cao khác ở châu Âu bày tỏ lo ngại về tỷ lệ tiêu hao nhân lực và vật lực cao ở Ukraine, quốc gia có dân số chưa bằng một phần ba dân số của Nga. Hiện chưa thể xác định bất kỳ loại hình đàm phán nào sẽ diễn ra, nhưng các quan chức ở Paris và Berlin cho biết họ quan tâm đến một thỏa thuận ngừng bắn có khả năng liên quan đến Trung Quốc trong số những nhà bảo lãnh.
Vào tháng 2 năm nay, Trung Quốc đã kêu gọi đàm phán hòa bình để chấm dứt xung đột ở Ukraine, phác thảo kế hoạch trong một tài liệu gồm 12 điểm và thể hiện mình là một nhà hòa giải trung lập. Cùng tháng đó, Tổng thống Pháp Macron đề nghị riêng với ông Zelensky tổ chức một hội nghị hòa bình ở Paris để đàm phán ngừng bắn. Tổng thống Zelensky cho biết ông sẽ chỉ tham gia nếu ông Biden và nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình tham dự.
Đại sứ quán Trung Quốc tại Washington cho biết trong một tuyên bố: “Trung Quốc sẽ tiếp tục thúc đẩy các cuộc đàm phán vì hòa bình và nỗ lực của riêng mình để sớm ngừng bắn". Kể từ đó, ông Macron cùng các quan chức châu Âu khác, đã hối thúc Bắc Kinh đóng một vai trò mang tính xây dựng trong ngoại giao. Những nỗ lực đó lên đến đỉnh điểm khi ông Tập Cận Bình lần đầu tiên có cuộc điện đàm với Tổng thống Zelensky trong tháng 4 vừa qua.
Fiona Hill, cựu quan chức NSC chịu trách nhiệm về chính sách liên quan đến Nga, hiện làm việc tại Viện Brookings, nhận định các nhà lãnh đạo phương Tây đang hướng tới một sự đồng thuận rằng ngừng xung đột có thể là lựa chọn tốt nhất.
Theo baotintuc.vn
Liên kết website
Ý kiến ()