Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 27/01/2025 13:42 (GMT +7)
Phùng Văn Khai - Người có giờ thứ 25
Thứ 3, 20/06/2023 | 16:06:04 [GMT +7] A A
Nhà văn Phùng Văn Khai là một trong số rất ít các đồng nghiệp văn chương khiến tôi kinh ngạc. Đúng vậy, khó có thể thay từ khác, khi cấp độ ngạc nhiên luôn vượt chiều kích phổ dụng. Và chính Khai, anh cũng làm nên những "khái niệm" mà để huy động tổng lực vào một chân dung ra chất, đúng nhất Phùng Văn Khai, thì tôi cật lực cũng chỉ tìm được một chìa khoá. Một chìa mở cho nhiều "nhà".
Phùng Văn Khai (PVK), nói ngay, là ai?
Không nói ngay được, trừ nhân thân mà tôi biết: Đời tư - Sinh 1973, lấy vợ sớm, tuổi ngũ thập lên chức ông nội. Chức vụ: Hàm Thượng tá, Phó Tổng Biên tập tạp chí Văn nghệ quân đội. Đấy, ngay thì chỉ nói nhanh được thế.
Còn chân dung văn chương? Thường vài tháng hay nửa năm là tôi nhận được tin Khai ra hoặc sắp ra sách mới. Gặp Khai là phức cảm rubic. Ai chẳng thích quà. Đến với Khai là có quà - sách mới. Hiếu tri, ham đọc, tôi coi sách là thứ quà luân lưu. Đọc hay thì giữ cho con, quảng bá mọi người - một chi lưu của nết liên tài hào sảng tôi kế thừa dòng máu Cao Bằng của Cha và tính ngay thẳng quyết liệt với nghệ thuật của người mẹ Hải Phòng, nên tôi đã làm một việc hy hữu: Phát hành tiểu thuyết PVK tới các mối giao hảo tiếng tăm.
PVK phá vỡ ngạc nhiên nơi tôi từ lâu, bằng thán nể. Khai nhận mình chỉ là học trò của nhà văn Hoàng Quốc Hải, song qua số trang sách Khai dốc mình công bố, tôi cho rằng: PVK không phải đệ tử chân truyền của ai, mà Khai là một tiểu thuyết gia lịch sử sáng giá của văn học Việt Nam đương đại. Anh là tráng sĩ lao vào con đường hiểm trở không mua được bảo hiểm an toàn của bất cứ hãng nào; chỉ bảo hiểm mình bằng lòng yêu nước và can đảm. Giữa thời kim tiền bão táp thất tán đảo lộn đánh tráo giả nhiều hơn thật, một nhà văn hiểu kĩ "thông sử" đã ít, mà bỏ công tra cứu, tập hợp sử liệu để làm nên những công trình chưa ai làm thì quả là Phùng tráng sĩ hiếm kẻ cạnh tranh, nếu không nói là đang đương kim vô đối.
Nặng sách, lại chu đáo thích quà cho bạn, về Hải Phòng là tôi phải thuê xe 7 chỗ mới có chỗ ngồi. Tôi đã may mắn được trao tiểu thuyết Ngô Vương của PVK tận tay Bí thư Hải Phòng Lê Văn Thành và Chủ tịch thành phố Nguyễn Văn Tùng xuân 2021, họ đều trân trọng.
PVK, sinh viên xuất sắc khoá 6, Trường Viết văn Nguyễn Du (Đại học Văn hoá Hà Nội), vào trường năm 1998 - khi trở thành hội viên Hội Nhà báo Việt Nam, chưa khi nào để "cối xay báo chí" nghiền, dù viết báo làm phim thiện chiến, vẫn là một cây bút văn chương 7X top đầu hiện nay. Anh tinh nhạy quan sát và lọc chọn chi tiết, nhạy cảm, đa cảm và nuôi chất thơ trong mình. Thơ không phải phù phiếm xa hiện thực. Mà thơ là một hiện thực - nghệ thuật. PVK là một nhà thơ.
Sao nhắc về công trạng, dấu chỉ PVK qua tiểu thuyết lịch sử và loạt bài viết tài hoa để rồi khẳng định Khai là nhà thơ? Nhà thơ sang hơn chăng giữa thời "loạn nhà", rởm giả ngang nhiên, tự phong, vống khen bừa ẩu không xấu hổ?
Sang chứ, vì thi ca là mạch tâm hồn, trí tuệ của ngôn ngữ, tấm gương văn hoá của mỗi quốc gia. Nhà thơ được coi trọng từ thời cổ đại, như nhà tư tưởng, lập ngôn, thậm chí là tiên tri, dự báo. Dù nhốn nháo đảo điên trà trộn, thì độc giả tinh sành vẫn phân định được đâu là thi sĩ thật, đâu là thơ, chất thơ. PVK, tôi đã ghi nhận anh là nhà thơ khi đọc chùm thơ Sen viết năm 2014 sau chuyến đi Đồng Tháp. Khai viết đa dạng vì Khai có trữ lượng vốn sống, ý tưởng phong nhiêu. Khai viết nhiều viết khỏe và thú vị thế là vì Anh sống Hay với một tâm hồn thi sĩ. Anh quảng giao, đông bạn, quản lý, đi học, họp, những cuộc tuý luý mật độ không hề thưa, thế thì Khai viết lúc nào mà trường lực thế?
Vì chất thi sĩ, Khai lãng mạn trong sự chính xác hẹn và xông pha công việc; tức là chỉ nghĩ về cái đẹp, vị tha mà dấn thân. Khai làm thơ khi tả thiên nhiên ngay trước sau trận chiến; thơ biền ngẫu cô đúc đầu các chương tiểu thuyết. Khai viết hay nhờ mạo hiểm và biết sống thơ. Đây là chìa khoá vàng để Khai bật cửa òa ra một Mùa màng đón "ngũ thập tri thiên mệnh".
Tìm câu trả lời về cách dùng thời gian của PVK cho sáng tác, là tôi lấy khởi hành từ kỉ niệm chúng tôi vào Hội Nhà văn Việt Nam cuối năm 2007 tại Trung tâm Hội nghị quốc tế 11 Lê Hồng Phong. Đăng đàn cùng thời, qua 15 năm hội viên Hội nghề nghiệp "ghê gớm" nhất quốc gia, tôi thấy mình thua Khai toàn diện. Ngay khi trẻ trung sung lực sáng tạo ngụt cháy nhất, tôi cũng không thể có được sức viết của Khai. Ai ngụy biện "ít mà tinh" là chưa phân minh sòng phẳng. Một tác giả lớn, tầm vóc trước hết không thể là thưa vắng sách, ít trang và lẻ mỏng số đầu sách cá nhân. Tôi đăng đàn từ tháng 9/1995, Khai có thơ từ năm 1993 - khi 20 tuổi. Một thi sĩ có hạng trong tầm vóc đại văn hào, là V.Hugo nước Pháp. Một kịch tác gia kiệt xuất như W.Shakespeare vẫn có những bài thơ Sonnet kinh điển được coi là mẫu mực, sáng tạo có ý nghĩa đến hôm nay trong cách dùng từ, diễn đạt của ngôn ngữ Anh.
PVK lại chọn tên Mùa màng cho cuộc trình diện 30 năm thơ. Mùa màng, gợi ra đồng đất, cày ải, cấy gặt, nắng mưa dầu dãi, lo toan và niềm vui. Mùa màng ngay trong nông nghiệp đâu chỉ quy phạm lúa, hoa màu hay cây trái. Mùa màng mở ra không gian nông thôn, lớn hơn là đồng bằng Bắc Bộ mà Khai thân thuộc, là văn minh lúa nước sông Hồng.
Người gây dựng cơ ngơi phong lưu từ tay trắng, năng động như PVK vẫn giữ chất "quê" sâu sắc. Nơi quê hương Văn Lâm, bậc sinh thành của Khai - Thu còn khoẻ mạnh. Ngôi nhà của họ vẫn trên nền đất xưa, tuổi ngoài 80 vui vầy cháu chắt. Nhà Khai ở làng Minh Khai, nhà Thu ở xã Lạc Hồng, cùng huyện, đều là con thứ ba của gia đình 4-5 con, hai người cha đều là thương binh chống Mỹ, mẹ là cán bộ Hợp tác xã. Quê Như Quỳnh lưu tên cô con gái giống cha, trong công ty riêng mang tên hai con Sơn Quỳnh mà người vợ Minh Thu của Anh bao phen yểm trợ đồng hành lang quân "chơi tất tay" in vạn cuốn sách tặng, cho không màng lợi nhuận. Quê ấy, là tình trước sau tử tế với mọi người gần xa như một căn tính sống chân tình, thuần phác, khiêm nhường mà không hề mặc cảm, khí phách mà không ngạo mạn, chân chất mà vẫn mộng mơ.
Mùa màng là cánh đồng trù phú đa canh, tươi tốt nhất là thửa lục bát, các luống vồng 6 chữ, 8 chữ. Thơ Khai không mới trong kĩ thuật, ngôn ngữ, mà thế mạnh ở hình ảnh và cảm xúc.
Nhà khoa học vĩ đại, một trong các bộ não lớn nhất thế kỉ XX - A.Eintein đã khái quát: "Sức mạnh của trí tuệ chính là ở năng lực tưởng tượng". Thi sĩ PVK có sức mạnh ấy. Từ hình ảnh, chất liệu, chi tiết hiện thực, anh đẩy nới các chiều kích không gian và khai vỉa tầng sâu để có những bài thơ sâu lắng và rung vang. Khai làm báo rất "mả" và may thay, anh đã thoát bệnh tạng của nhiều nhà báo làm thơ: Thơ ít thơ mà là báo cắt ngắn, toàn mùi tân văn. Khai không "báo hóa" thi liệu và sự kiện, Anh biết lắng để chọn ra vòng xoáy. Vòng xoáy ấy là kỹ thuật "mờ chồng" trong điện ảnh tạo nên độ trầm tích - kết nén của không gian - thời gian. Tức là thơ Khai không phẳng, dẹt, không chép chụp kiểu báo chí. Khai đã "montage" (dựng) chữ/hình thành những bài thơ - phim. Đây là tiêu chí cao mà thơ hiện đại thế giới luôn dùng làm căn cứ đánh giá: Nhiều hình ảnh - tính khơi gợi - độ ám ảnh trong tốc độ nhịp điệu chống lại sự quẩn bí, rề rà.
80 trang thơ, 40 tác phẩm đủ làm một toàn cảnh tâm hồn thơ PVK. Khởi từ cảm hứng Khúc sông Hồng mà nhà anh ở quận Long Biên, ngày ngày lái Camry đen qua dòng phù sa Nhĩ Hà - sông Cái. Khai yêu thành phố 1013 tuổi từ vết đạn cổng thành, bãi lau, phù sa đỏ. Khai chất chồng cảm thức khi viết về những người anh hùng uy tuệ của thi ca, bài thơ về Nguyễn Trãi, Nguyễn Bỉnh Khiêm là tài hoa nhấn mạnh của Khai khi dựng chân dung bằng thơ. Anh tỏ rõ sự "nhuyễn" khi khai triển đề tài chiến tranh, từ câu chuyện gia đình tới cả việc nhập "vai" cô giáo có mẹ cha là liệt sĩ chống Mỹ. Mất mát vì chiến tranh, gia đình anh hơn 50 năm vẫn gánh. Hai chú ruột của nhà thơ - liệt sĩ Phùng Huy (1951), Phùng Hữu (1953) hy sinh ở Phú Yên năm 1971, nay mới tìm được hài cốt chú Huy. Khai không tư duy phẳng đơn điệu một kênh mà đầy phức cảm. Đêm sen Gò Tháp (tr.39) lãng mạn thế vẫn nhớ tới Thiên hộ Võ Duy Dương và Đốc binh Nguyễn Tấn Kiều. Chùm thơ 6 bài về Sen chứng tỏ Khai là một đa giác ưu tư.
Xuyên suốt hơi thơ, "tráng sĩ sông Lăng" nặng lòng với cổ nhân, tiền nhân, lịch sử, Khai còn "lộ" mình đa cảm khi viết về Hoàng Cầm mà ký gửi nỗi riêng: "Trời rộng như nhau/ Mưa dần xanh cỏ/ Đời chật như nhau/ Bốn bề sóng gió". Khai vẻ ngoài xuề xoà là bề mặt thôi, kết nối được không gian, tạo độ siêu tưởng khi đưa "Cổ tích" (Trầu Cau) ra bờ sông cạn. Tôi hay trêu: PVK chẳng biết ai ngoài vợ, 23 tuổi chưa có vài mối tình đã vội làm cha; thì đọc thơ mới thấy người này đào hoa đấy. Với Hoà Bình (tr.70) là một ví dụ, và chùm thơ Sen đầy chất lãng tình. Cuối tập thơ, tác giả "chốt chặn" nịnh vợ bằng Thơ tặng vợ, tôn vinh nàng hòng được "chung thân" với hiền thê tào khang cỡ "siêu phàm" mới tải chiều nổi ông chồng đa tài, ham xê dịch. Chữ sắc cô nén nhất là Đợi (tr.51). Thú vị nhất là cách giễu nhại mà PVK hoạ mình, hay hơn bài lục bát kết Mùa màng - Chân dung tự hoạ (tr.84 -85), chính là Thơ về Mẹ (tr.56-57). Viết tặng Mẹ, Khai là đứa con dại kiểm điểm mình: "Con lấp xấp năm mươi/ khù khờ, ngộ nhận/ bị lừa tiền, tình, danh, phận/ toàn yêu mây, cỏ, trăng, hoa, bướm, đình, chùa/ toàn chơi với các nhà thơ/ Hai mươi năm say toàn nói to"...
Kẻ say thật khăng khăng không say. Còn Khai có say thì là say thơ say chữ. Cơn say cho Anh có giờ thứ 25 hiếm người sở hữu.
Tôi xoay 24 chữ cái qua 24 giờ, như đã vượt giao thừa thấu cảm thơ PVK.
Vi Thuỳ Linh
Liên kết website
Ý kiến ()