Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 13/01/2025 01:50 (GMT +7)
Khoa học và công nghệ phục vụ đắc lực cho sự phát triển chung
Thứ 7, 17/12/2022 | 13:17:53 [GMT +7] A A
Với sự chủ động từ các ngành, địa phương, cộng đồng doanh nghiệp, hoạt động KHCN trên địa bàn tỉnh tiếp tục đi vào chiều sâu, phục vụ đắc lực cho sự phát triển của từng ngành, lĩnh vực.
Nhiều sản phẩm KHCN được áp dụng, chuyển giao
Năm 2022, Công ty CP Giống cây trồng Quảng Ninh đã hoàn tất nhiệm vụ KHCN cấp tỉnh là “Khảo nghiệm các giống lúa mới giai đoạn 2020-2022”. Thực hiện mục tiêu của nhiệm vụ này, công ty đã tiến hành nghiên cứu, khảo nghiệm 40 giống lúa, qua đó cho sản xuất 12 giống lúa để phân tích, lựa chọn ra những giống lúa có khả năng sinh trưởng, phát triển tốt, cho năng suất cao. Tiêu biểu như các giống lúa ĐT516, ĐT518, ĐT532, ĐT310, ĐT312, ĐT318, ĐT178... Sản phẩm nghiên cứu khoa học này là cơ sở để công ty chuyển giao, nhân rộng những giống lúa mới, có năng suất, chất lượng đến các vùng sản xuất trong tỉnh, thay thế những giống lúa kém hiệu quả hơn, giúp nâng cao giá trị ngành nông nghiệp tỉnh nhà.
Tính trong năm 2022, đã có gần 70 dự án, đề tài, nhiệm vụ KHCN cấp quốc gia, cấp tỉnh đã được triển khai trên địa bàn Quảng Ninh. Các đề tài, nhiệm vụ tập trung bám sát thực hiện các nghị quyết chuyên đề của BCH Đảng bộ tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh ủy về phát triển KT-XH, nhất là những ngành, lĩnh vực đang được tỉnh ưu tiên đẩy mạnh như: Công nghiệp chế biến, chế tạo; du lịch, thương mại; đổi mới sáng tạo; bảo vệ môi trường, hệ sinh thái; phòng chống thiên tai; nâng cao chất lượng sản phẩm hàng hóa chủ lực; bảo tồn, phát huy những giá trị văn hóa, lịch sử, con người...
Ông Phạm Xuân Đài, Giám đốc Sở KH&CN, nhận định: Đa số các đề tài, dự án được triển khai ứng dụng mang lại hiệu quả thiết thực. Cụ thể như cung cấp cơ sở dữ liệu, luận cứ khoa học, phục vụ phát triển ngành, lĩnh vực; cung cấp các giải pháp, biện pháp thực hiện nhằm hoàn thiện quy trình công nghệ nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm ứng dụng vào sản xuất và đời sống, đóng góp tích cực, thúc đẩy phát triển KT-XH trên địa bàn tỉnh.
Ở nhiều ngành, lĩnh vực khác cũng ghi nhận sự có mặt của những công nghệ mới, tiên tiến được chuyển giao, áp dụng, mang lại những chuyển động tích cực. Như ngành công nghiệp với hàng loạt công nghệ hiện đại được doanh nghiệp chủ động áp dụng vào quy trình khai thác, sản xuất để nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, đảm bảo an toàn lao động. Tiêu biểu như Công ty Nhiệt điện Mông Dương I, trong năm 2022, đơn vị đã mạnh dạn đưa hệ thống giám sát và chẩn đoán từ xa (RMS) giai đoạn 1 vào khai thác, nhằm thu thập toàn bộ dữ liệu liên quan đến công tác vận hành của nhà máy một cách nhanh chóng, chính xác, tin cậy...
Ngoài ra, ở lĩnh vực y tế, giáo dục, du lịch, cải cách hành chính, hay quản lý nhà nước, Quảng Ninh cũng đang đẩy mạnh việc chuyển đổi số và áp dụng CNTT, KHCN vào vận hành, nhằm cải tiến quy trình làm việc và mang đến những trải nghiệm tốt hơn cho người dân, doanh nghiệp, du khách.
Quản lý tốt hoạt động KHCN trên địa bàn
Bên cạnh việc nghiên cứu, chuyển giao những công nghệ mới vào các ngành, lĩnh vực, trong năm 2022, ngành KHCN của tỉnh cũng tập trung thực hiện đồng bộ giải pháp nhằm tăng cường quản lý hoạt động KHCN. Tiêu biểu như trong hoạt động sở hữu trí tuệ, đã tích cực hướng dẫn hàng trăm lượt doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đăng ký bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp và sở hữu trí tuệ; kết nối, tư vấn hỗ trợ khai thác, phát triển các sáng chế phục vụ sản xuất.
HTX Nông trang Vạn Yên (xã Vạn Yên, huyện Vân Đồn) là một trong 3 đơn vị vừa được cấp giấy chứng nhận bảo hộ nhãn hiệu tập thể cho thương hiệu “Cam Vân Đồn”, ông Trần Văn Hậu, Giám đốc HTX phấn khởi cho biết: Thông qua sự hướng dẫn tích cực ngành KHCN tỉnh nhà và chính quyền địa phương, nhãn hiệu "Cam Vân Đồn" của chúng tôi nay đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp giấy chứng nhận bảo hộ. Đây là một bước tiến mới cho sản phẩm, giúp bảo vệ thương hiệu của mình, tạo đầu ra bền vững hơn, đồng thời cũng là cơ hội để người dân tiếp tục nâng cao chất lượng, giữ vững uy tín, tiến tới mở rộng diện tích trồng cam.
Hay như trong lĩnh vực đảm bảo an toàn bức xạ, hạt nhân, ngành KHCN cũng đã hướng dẫn, sửa đổi, gia hạn giấy phép, thẩm định cấp giấy phép tiến hành công việc bức xạ cho 34 đơn vị; cấp 9 chứng chỉ nhân viên bức xạ cho các cá nhân. Đồng thời, thường xuyên phối hợp với các cơ quan, ban, ngành của tỉnh tăng cường thanh, kiểm tra công tác đảm bảo an toàn bức xạ và an ninh nguồn phóng xạ.
Cũng theo lãnh đạo Sở KH&CN, hoạt động quản lý công nghệ và thị trường công nghệ tiếp tục được quan tâm đẩy mạnh thông qua việc thẩm định KHCN các dự án đầu tư; hỗ trợ doanh nghiệp, cá nhân đẩy mạnh áp dụng KHCN vào sản xuất, kinh doanh; tư vấn KHCN cho doanh nghiệp... Cùng với đó, tăng cường công tác quản lý tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng với gần 18.000 phương tiện đo lường được kiểm định, đối chứng, hiệu chuẩn. Qua đó, đảm bảo minh bạch, công bằng trong kinh doanh thương mại, bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng. Hoạt động thanh, kiểm tra các nội dung liên quan đến KHCN cũng được chú trọng, nhất là những lĩnh vực liên quan đến đo lường, chất lượng xăng dầu, kinh doanh vàng bạc, đồ điện, điện tử...
Nguyên Ngọc
Liên kết website
Ý kiến ()