Quảng Ninh là một trong số ít các địa phương kiểm soát tốt dịch bệnh, trong hơn 3 tháng qua không xuất hiện ca nhiễm Covid-19 thứ phát trong cộng đồng. Với nhiều giải pháp giữ được địa bàn “xanh”, an toàn, ổn định trong trạng thái bình thường mới, Quảng Ninh đang từng bước phục hồi ngành Du lịch, trong đó lấy thu hút khách du lịch nội địa làm trọng tâm.
Trong “cuộc chiến” chống giặc Covid-19, tỉnh Quảng Ninh đã tích cực, chủ động, kiên trì thực hiện phương châm “3 trước”, “4 tại chỗ”, dự phòng, tích cực, chủ động, từ xa, từ sớm, từ cơ sở, “lấy phòng dịch làm ưu tiên”, khóa chặt nguy cơ lây bệnh từ bên ngoài; tầm soát chủ động khoa học, phát hiện kịp thời mầm bệnh, ca bệnh, khoanh vùng dập dịch, triệt để từ bên trong. Nhờ đó, đã hơn 3 tháng trên địa bàn tỉnh không ghi nhận trường hợp mắc Covid-19 trong cộng đồng, kiên cường giữ vùng “xanh“, đảm bảo địa bàn “An toàn - Ổn định - Phát triển trong trạng thái bình thường mới”. Điều này cho phép Quảng Ninh khởi động, tăng tốc phát triển kinh tế - xã hội, trong đó có du lịch - một trong những ngành kinh tế trọng điểm của tỉnh.
Cùng với đó, từ thành công của các đợt tiêm chủng cho các lực lượng tuyến đầu, cư dân biên giới, công nhân lao động trong các khu công nghiệp..., đồng thời, tận dụng “thời điểm vàng” khi vừa là địa bàn an toàn, có được sự thống nhất, đồng thuận, ủng hộ cao của nhân dân, vừa có được nguồn vắc xin, tỉnh đã nhanh chóng tổ chức chiến dịch tiêm vắc xin phòng Covid-19 mũi 1 diện rộng ở tất cả các địa phương. Quảng Ninh là một trong những địa phương hoàn thành sớm nhất với tỷ lệ tiêm chủng cao nhất trong cả nước. “5K+vắc xin” sẽ là lá chắn quan trọng bảo vệ sức khỏe của nhân dân trước đại dịch.
Trong một thời gian dài dịch bệnh, nhiều điểm du lịch, vui chơi, giải trí buộc phải tạm dừng để đảm bảo công tác phòng, chống dịch. Đặc biệt, diễn biến phức tạp khiến cho một số tỉnh, thành phố phải áp dụng Chỉ thị 15, 16 của Thủ tướng Chính phủ. Điều này khiến cho nhu cầu du lịch của người dân sau những ngày thực hiện nghiêm ngặt các biện pháp phòng, chống dịch sẽ tăng cao. Thêm vào đó, dịch bệnh tại nhiều nước trên thế giới vẫn diễn biến phức tạp, một số nước chưa mở cửa trở lại đón khách du lịch quốc tế... sẽ là cơ hội quan trọng cho du lịch nội địa nắm bắt thời cơ để phát triển.
Bên cạnh những cơ hội để phục hồi, du lịch Quảng Ninh phải đối mặt với nhiều thách thức. Dịch bệnh kéo dài nên việc tái khởi động ngành Du lịch sau thời gian dài “ngủ yên” cần một động lực rất lớn mới có thể “thức giấc”. Minh chứng rõ nét nhất đó là tổng lượng khách du lịch 9 tháng năm 2021 đạt khoảng 2,5 triệu lượt, giảm 56,1% cùng kỳ, trong đó, khách tham quan Vịnh Hạ Long đạt 118.800 lượt, giảm tới 90,8% so với cùng kỳ. Thêm vào đó, những tháng cuối năm không phải là “thời điểm vàng” của du lịch Quảng Ninh, nhất là khi chưa mở cửa trở lại đón khách quốc tế.
Một thách thức khác đối với du lịch Quảng Ninh đó là sự thiếu hụt lao động. Theo thống kê của Sở Du lịch, trước khi có dịch Covid-19, ngành Du lịch Quảng Ninh có khoảng 63.000 lao động, song đến nay số lao động có việc làm thường xuyên trong hoạt động du lịch chỉ còn hơn 3.000 người.
Ông Trần Văn Hồng, Giám đốc Công Ty TNHH Dịch vụ du lịch Hồng Hải Tourist, cho biết: Chúng tôi có 2 tàu du lịch tham quan Vịnh Hạ Long. Thời điểm trước khi có dịch Covid-19, riêng 2 tàu du lịch, Công ty duy trì 10 lao động, song nay chỉ còn 4 người. Khi có dịch Covid-19, các tàu đều nằm im một chỗ, không có khách, không có doanh thu, trong khi đó, chúng tôi vẫn phải trang trải một loạt chi phí: Điện, nước, sơn, bảo dưỡng máy... Chúng tôi chỉ duy trì tối thiểu 2 lao động/tàu để trông nom. Lực lượng lao động đã cắt giảm nay nhiều người đã về quê, chuyển sang công việc khác, làm công nhân trong các nhà máy. Khi tái hoạt động, ngành Du lịch có thể sẽ thiếu hụt một lượng lao động rất lớn, nhất là lao động đã qua đào tạo, có trình độ, có kinh nghiệm ở không riêng các tàu du lịch, mà còn tại các khách sạn, khu nghỉ dưỡng, nhà hàng...
Nhằm tạo động lực cho ngành Du lịch lấy lại đà tăng trưởng, tỉnh Quảng Ninh đã có nhiều giải pháp cấp bách. Tại Kỳ họp thứ nhất HĐND tỉnh khóa XIV, HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết "Về việc sửa đổi, bổ sung một số nội dung tại Nghị quyết số 316/2020/NQ-HĐND ngày 9/12/2020 về một số giải pháp hỗ trợ kích cầu du lịch tỉnh Quảng Ninh năm 2021".
Theo Nghị quyết, du khách được miễn phí 100% vé tham quan Vịnh Hạ Long, Yên Tử và Bảo tàng Quảng Ninh từ nay đến hết năm 2021; tiếp tục hỗ trợ vé tuyến xe buýt từ sân bay Vân Đồn đến Dốc Đỏ (phường Phương Đông, TP Uông Bí) và ngược lại cho hành khách các chuyến bay đi và đến qua Cảng Hàng không quốc tế Vân Đồn. Đây là trợ lực quan trọng để ngành Du lịch Quảng Ninh tái khởi động trong trạng thái bình thường mới.
Đặc biệt, từ 0h ngày 21/9, các địa phương trong tỉnh đã đồng loạt cho mở lại một số hoạt động dịch vụ, trong đó, một số hoạt động du lịch nội tỉnh gắn với việc kiểm soát chặt chẽ bảo đảm an toàn dịch bệnh đã được khôi phục, đón khách. Đây là một dấu mốc quan trọng để du lịch Quảng Ninh tái khởi động.
Khởi động lại ngành Du lịch, tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành và địa phương xây dựng kế hoạch triển khai hoạt động phục hồi, thu hút du khách, thúc đẩy tăng trưởng ngành Du lịch với kịch bản cụ thể, chi tiết, hiệu quả theo hướng tận dụng lợi thế về du lịch biển, du lịch nghỉ đêm trên Vịnh, du lịch trải nghiệm, gắn liền với những biện pháp phòng, chống dịch. Qua đó, xây dựng Quảng Ninh trở thành điểm đến an toàn, hấp dẫn, thu hút. Dự kiến, trong quý IV sẽ tổ chức 8 chuỗi sự kiện quy mô cấp tỉnh như: Lễ Công bố Bảo vật Quốc gia và các hoạt động bên lề gắn với Chương trình “Yên Tử - Về miền đất Phật mùa thu năm 2021”, Giải Hạ Long Bay Heritage Marathon, Chương trình Carnaval mùa đông 2021...
Các địa phương trong tỉnh cũng tung ra các chương trình kích cầu du lịch, nhất là thu hút khách nội tỉnh. Điển hình như TP Móng Cái đã chủ động lên kế hoạch triển khai các giải pháp kích cầu du lịch vào những tháng cuối năm nay sau khi kiểm soát được dịch Covid-19. Nhiều hoạt động sẽ được tổ chức tại địa phương biên giới này như: Lễ công bố, trao giải cuộc thi “Sáng tác clip, ảnh đẹp du lịch Móng Cái” gắn với các hoạt động văn hóa, nghệ thuật và giới thiệu sản phẩm OCOP địa phương; cuộc thi “Nét đẹp phụ nữ với tà áo dài Việt Nam” 2021; khánh thành vườn sinh thái Hồng Vận; liên hoan tiếng hát khu dân cư; ngày hội văn hóa, thể thao, du lịch các dân tộc xã Hải Sơn; đại hội Thể dục thể thao TP Móng Cái và Lễ hội chào năm mới 2022. Trước mắt, Móng Cái tập trung thu hút khách du lịch nội tỉnh, đồng thời chuẩn bị phương án, điều kiện để đón khách du lịch liên tỉnh và khách du lịch quốc tế qua Cửa khẩu Móng Cái khi có chủ trương cho phép.
Các doanh nghiệp, đơn vị, cơ sở kinh doanh du lịch trên địa bàn tỉnh cũng đang nỗ lực phấn đấu thu hút khách du lịch đạt mức độ cao nhất trong điều kiện bình thường mới, mục tiêu trong quý IV/2021 đón được 1,9- 2,0 triệu lượt khách du lịch, tổng thu đạt 4.000 - 4.500 tỷ đồng.
Ông Lê Trọng Thanh, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Phát triển Tùng Lâm, cho biết: Với sự hỗ trợ của tỉnh, việc kiểm soát tốt dịch bệnh tại địa phương, tốc độ phủ sóng vắc xin Covid-19, chúng tôi đều thấy rõ đây là thời điểm phù hợp để ngành Du lịch tái khởi động. Do đó, chúng tôi sẽ triển khai nhiều chương trình khuyến mại, giảm giá, ưu đãi cho du khách trong điều kiện tuân thủ nghiêm túc các quy định về phòng, chống dịch. Đơn cử, trong tháng 9, khu vực Legacy Yên Tử đã áp dụng giá phòng từ 2,9 triệu đồng/người vào các ngày thứ 6, tặng trà chiều cổ tích, miễn phí một số dịch vụ...; khu vực Làng Nương Yên Tử áp dụng combo từ 2 khách trở lên với giá 499.000 đồng/người. Đặc biệt, Công ty sẽ tiếp tục triển khai nhiều sản phẩm du lịch hấp dẫn du khách đến Yên Tử cả 4 mùa trong năm như: Yoga đón sớm mai, thiền chuông, thiền buông thư, ngâm chú tiếng Phạn, yoga cho mắt, đêm hội Làng Nương, đạp xe...
Nhiều đơn vị du lịch đã sẵn sàng đảm bảo các điều kiện về cơ sở, nhân lực, phương án phòng dịch đảm bảo khôi phục hoạt động trong trạng thái bình thường mới. Ông Tô Hải Nam, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Tuần Châu, chia sẻ: Tranh thủ tạm dừng hoạt động do dịch bệnh, Tập đoàn đã đầu tư cải tạo, sửa chữa, nâng cấp một số hạng mục vừa đảm bảo cơ sở vật chất phục vụ du khách, vừa giải quyết việc làm cho gần 1.000 lao động. Trong đó, Tâp đoàn đã sắp xếp, mở rộng, phân khu lại chức năng giao thông nội bộ, nhà ga cảng; sửa chữa những bất cập hạ tầng; lắp đặt biển chỉ dẫn, hệ thống thông tin, sơn sửa hành lang, hàng rào, cảnh quan. Các khu vui chơi giải trí cũng đã thực hiện cải tạo lại khuôn viên, đường tham quan nội bộ, vườn hoa theo chủ đề. Đặc biệt, Tập đoàn đã bố trí việc làm phù hợp nhằm giữ chân lao động, thường xuyên bảo dưỡng máy móc, chăm sóc vườn hoa, cây cảnh, thú nuôi... nhằm đảm bảo đưa các khu vui chơi vào hoạt động ngay khi mở cửa trở lại.
Du lịch là ngành chịu ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 rõ ràng nhất nhưng cũng là một trong những ngành có khả năng phục hồi nhanh nhất. Tuy nhiên, để hoạt động du lịch được phục hồi thì một trong những yếu tố tiên quyết nhất chính là phải đảm bảo được môi trường du lịch an toàn.
Với kinh nghiệm từ những đợt tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19 mũi 1, cùng sự đồng lòng của cả hệ thống chính trị, quyết tâm giữ vững thành quả phòng chống dịch, Quảng Ninh đang tập trung triển khai thành công tiêm chủng vắc xin mũi 2 cho 100% người dân có chỉ định tiêm, phấn đấu cơ bản hoàn thành trong tháng 10/2021. Đây là một trong những yếu tố rất quan trọng để khôi phục ngành Du lịch.
Mới đây, Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn đã đón thành công 3 chuyến bay từ Nhật Bản, Mỹ, Pháp về Việt Nam theo chương trình thí điểm cách ly y tế 7 ngày của Bộ Y tế đối với các công dân đã tiêm đủ liều vắc xin phòng Covid-19. Đây là nền tảng quan trọng mở ra cơ hội mới nữa cho du lịch Quảng Ninh hồi phục mạnh mẽ.
Trên cơ sở đó, dự kiến trong tháng 11 và 12, Quảng Ninh sẽ kết hợp kích cầu du lịch nội tỉnh với thu hút khách du lịch ngoại tỉnh, trong đó tập trung ở các địa phương phía Bắc. Việc đón khách ngoại tỉnh sẽ được thực hiện với các quy định chặt chẽ, giải pháp cụ thể, bước đi thận trọng.
Nhằm thu hút du khách, tỉnh sẽ tổ chức nhiều chương trình liên kết, hợp tác, xúc tiến du lịch như: Làm việc, giới thiệu quảng bá kích cầu du lịch Quảng Ninh với một số tổ chức, tập đoàn kinh tế lớn đang hoạt động trên địa bàn tỉnh; tham gia Hội chợ Du lịch VITM Hà Nội 2021; tổ chức Ngày hội Văn hóa Du lịch Quảng Ninh 2021 tại Hà Nội... Đồng thời, tăng cường truyền thông du lịch, xây dựng ứng dụng “Bản đồ du lịch tương tác thông minh 3D/3600 tỉnh Quảng Ninh”...
Mới đây, UBND tỉnh Quảng Ninh và UBND TP Hải Phòng tổ chức họp bàn về hợp tác phát triển du lịch trong trạng thái bình thường mới. Dự kiến, tỉnh Quảng Ninh và TP Hải Phòng sẽ thực hiện ký kết bộ quy chế hoạt động du lịch giữa hai bên để khởi động lại du lịch trên cơ sở xác định các điểm đến cụ thể và đảm bảo nghiêm các biện pháp phòng chống dịch bệnh.
Trong bối cảnh dịch bệnh vẫn đang diễn biến phức tạp, bất kỳ kế hoạch khôi phục du lịch nào cũng cần bảo đảm yếu tố an toàn với những bước đi thận trọng. Do đó, Quảng Ninh sẽ xây dựng phương án kết nối du lịch giữa các tỉnh, thành phố an toàn với Covid-19, vùng xanh, không phát sinh ca bệnh trong cộng đồng. Đồng thời, tập trung khai thác khách tại các KCN ở các tỉnh phía Bắc đã kiểm soát được dịch bệnh. Đối với thị trường khách quốc tế, tỉnh cũng sẽ chuẩn bị các phương án để đón khách có “Hộ chiếu vắc xin” sau khi có chỉ đạo của Chính phủ. Tỉnh cũng khuyến khích khách du lịch đến với các điểm du lịch của hai tỉnh, thành phố đi theo các chương trình du lịch của các công ty lữ hành do hai tỉnh, thành phố tổ chức.
Tỉnh cũng xây dựng phương án với những yêu cầu cụ thể với du khách, quy trình kiểm soát, hành trình của du khách, xử lý tình huống phát sinh, nguyên tắc an toàn. Trong đó, du khách phải đảm bảo đã được tiêm đủ 2 mũi vắc xin và có xét nghiệm RT-PCR âm tính với SARS-CoV-2 trong 72 giờ kể từ giờ lấy mẫu; chỉ được đến các điểm du lịch, cơ sở dịch vụ đã được cơ quan có thẩm quyền công bố; thực hiện theo đúng các quy định về phòng, chống dịch.
Bên cạnh đó, tỉnh cũng sẽ thống nhất với các địa phương dự định hợp tác khai thác khách xây dựng nguyên tắc, tiêu chí, công bố các điểm đến an toàn, xúc tiến điểm đến của hai địa phương, đảm bảo an toàn tuyệt đối cho khách và cộng đồng trong tình hình dịch bệnh hiện nay; xây dựng các chương trình du lịch để trao đổi khách giữa hai địa phương; giới thiệu các doanh nghiệp lữ hành của các tỉnh, thành phố tham gia khai thác và tổ chức đưa, đón đối tượng khách này. Tỉnh cũng tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn doanh nghiệp du lịch, cơ sở dịch vụ, điểm tham quan, khách du lịch thực hiện công tác an toàn phòng, chống dịch Covid-19 và các công tác có liên quan.
Việc khởi động từng bước hoạt động du lịch tại “vùng xanh” như Quảng Ninh với những bước đi đúng đắn, hợp lý, phù hợp là cần thiết bởi không chỉ làm vực dậy ngành Du lịch trong thời gian dài lao đao vì dịch bệnh, mà còn góp phần quan trọng vào việc hoàn thành “mục tiêu kép” của tỉnh. Tuy nhiên, du lịch chỉ có thể hồi phục bền vững khi thiết lập được các tuyến đường du lịch xanh, điểm đến an toàn, người đi du lịch đều phải được tiêm phòng và được kiểm soát chặt chẽ.
Tỉnh Quảng Ninh (Việt Nam) và tỉnh Phuket (Thái Lan) có nhiều điểm tương đồng về những lợi thế phát triển du lịch, nhất là biển, đảo và vịnh. Từ kinh nghiệm triển khai chương trình tái khởi động du lịch trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 mang tên “Hộp cát Phuket”, chúng tôi đánh giá cao Quảng Ninh trong việc kiểm soát dịch bệnh. Bên cạnh đó, Quảng Ninh cũng đã sớm hoàn thành tiêm vắc xin mũi 1. Cũng giống như Phuket, đây sẽ là điều kiện quan trọng để Quảng Ninh tái khởi động ngành Du lịch gắn liền với việc kiểm soát chặt chẽ về dịch bệnh.
Trước khi có dịch Covid-19, gia đình tôi đều đi du lịch tại Quảng Ninh từ 2-3 lần mỗi năm. Khi thì đi đảo Quan Lạn, Minh Châu, Cô Tô... có khi lại tham quan Vịnh Hạ Long, Bảo tàng Quảng Ninh. Trong thời gian dài, Hà Nội phải thực hiện Chỉ thị 15, 16 của Chính phủ vì dịch bệnh. Do đó, gia đình tôi đang mong chờ từng ngày được đi du lịch tại Quảng Ninh khi dịch bệnh được kiểm soát.
Thực hiện: Hoàng Quý - Cao Quỳnh
Kỹ thuật đồ họa: Mạnh Hà