Theo sách Lịch sử Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh (1945-1955), cùng với việc tạo dựng bộ máy ngụy quyền, giặc Pháp điều động quân đóng chốt ở các nơi quan trọng như: Trới, Yên Lập, Đồng Đăng, tạo thành vành đai ngăn chặn quân ta từ Hoành Bồ tiến vào Khu mỏ.
Tại tỉnh Hải Ninh, sau khi chọc thủng phòng tuyến của ta ở đường số 4, 13 (ngày 20 tháng 3 năm 1947) và chiếm được thị xã Móng Cái, giặc Pháp đã dùng 2 trung đoàn đóng 40 vị trí trên toàn tỉnh. Để tiếp tục đẩy mạnh công cuộc kháng chiến, ngày 5 và 6 tháng 4 năm 1947, Liên tỉnh ủy Quảng Hồng đã họp phiên đầu tiên tại căn cứ kháng chiến (Bến Tắm, huyện Chí Linh).
Hội nghị đã biểu dương những thành tích và chỉ ra thiếu sót của cán bộ, đảng viên và nhân dân Liên tỉnh, trong những ngày đầu kháng chiến: Mặc dù lực lượng vũ trang còn nhỏ bé, và thiếu kinh nghiệm, quân dân Liên tỉnh vẫn anh dũng chiến đấu, chặn giặc, từng bước gây cho chúng nhiều thiệt hại. Tuy vậy, trong khi rút lui để bảo toàn lực lượng nhiều nơi không bố trí cán bộ ở lại bám dân, bám đất xây dựng cơ sở. Hội nghị phân tích, đánh giá tình hình quần chúng và cơ sở kháng chiến vùng địch tạm chiếm ở vùng Quảng Yên, Uông Bí, Hòn Gai, nhân dân và công nhân vẫn hướng về Chính phủ, một số nơi cơ sở vẫn được giữ vững, đồng bào dân tộc tích cực giúp đỡ nhân dân tản cư.
Hội nghị đề ra những nhiệm vụ cụ thể trong đó lấy bám dân, bám đất, gây dựng phong trào là nhiệm vụ trọng tâm. Hội nghị đầu tiên của Liên tỉnh ủy Quảng Hồng đánh dấu một mốc quan trọng thúc đẩy công tác vùng sau lưng địch, khôi phục phong trào quần chúng, đưa cuộc kháng chiến của nhân dân Liên tỉnh vượt qua khó khăn vững bước tiến lên. Để công tác chỉ đạo đạt nhiều kết quả, ngay sau khi hội nghị. Liên tỉnh ủy đã thành lập Ban cán sự Khu mỏ và lập nhiều đoàn cán bộ tiến về vùng địch tạm chiếm.
Tháng 7 năm 1947, Liên tỉnh ủy tiếp tục cử thêm cán bộ về Khu mỏ, trong đó có công an, tình báo làm nhiệm vụ điều tra tình hình địch và trừ gian. Liên tỉnh ủy còn giao cho Ban cán sự Khu mỏ xây dựng tổ chức công đoàn và du kích bí mật.
Trong dịp này, Liên tỉnh ủy đã chỉ thị cho huyện ủy Hoành Bồ, Hòn Gai và Cẩm Phả đưa cán bộ về hoạt động bám đất bám dân, xây dựng cơ sở, lãnh đạo nhân dân đấu tranh ở các xã hành lang Khu mỏ. Sau một thời gian, các tổ chức kháng chiến ở Khu mỏ nhanh chóng được phục hồi và phát triển. Ở các tầng lò, nhà máy của địch đều có tổ chức công đoàn với số lượng đoàn viên khá đông, tổ chức Đảng phát triển. Một số nhà máy, bến cảng, tầng lò, đều có tổ đảng, lực lượng du kích được xây dựng ở nhiều khu phố công nhân.
Các thị xã Hòn Gai, Cẩm Phả tuy địch kiểm soát rất gắt gao, nhưng ta đã tổ chức được 4 chi bộ và một tổ chức công đoàn gồm 40 người. Tháng 10 năm 1947, Đại hội đại biểu Đảng bộ Liên tỉnh Quảng Hồng lần thứ nhất đã họp ở đồn điền Bắc Nội (huyện Chí Linh).
Ở vùng mỏ Hòn Gai, giặc pháp tăng cường kiểm soát, càn quét, phong trào bị đứt liên lạc với cơ quan lãnh đạo nên gặp nhiều khó khăn. Liên tỉnh ủy đã kịp thời chỉ đạo cử nhiều cán bộ có năng lực trở về Vùng mỏ gây cơ sở bí mật phục hồi được phong trào.
Sau khi củng cố chính quyền cấp tỉnh, từ tháng 9 năm 1947, Ủy ban kháng chiến hành chính các huyện Đình Lập, Hải Chi, Bình Liêu, Móng Cái, Tiên Yên cũng được lập lại, tạo điều kiện cho tỉnh Hải Ninh mở rộng việc xây dựng cơ sở kháng chiến trong vùng địch tạm chiếm, nhất là khu vực miền Đông của tỉnh.
Cuối năm 1947, mặt trận Việt Minh Quảng Hồng đã tổ chức tháng “Mùa đông binh sĩ”, kêu gọi mọi người đóng góp tiền của và chăn màn quần áo cho kháng chiến, tặng các chiến sĩ đang ở chiến trường, nhân dân nhiệt liệt hưởng ứng, đã góp được 10 vạn đồng. Cùng với việc phục hồi tổ chức Đảng, chính quyền và các tổ chức quần chúng, cơ quan chỉ huy quân sự địa phương được thành lập, lực lượng vũ trang được phát triển mạnh.
Ở Liên tỉnh Quảng Hồng, từ tháng 5 năm 1947, chế độ ủy viên quân sự trong Ủy ban kháng chiến hành chính các cấp được chuyển thành hệ thống cơ quan quân sự địa phương, do các đồng chí trong cấp ủy phụ trách. Ngày 1 tháng 5 năm 1947, tỉnh đội dân quân Quảng Hồng ra đời và sau đó các huyện đội lần lượt được thành lập. Tính đến tháng 10 năm 1947, toàn Liên tỉnh đã có 2.598 du kích.
Ở tỉnh Hải Ninh, tháng 10 năm 1947, Tỉnh đội dân quân được thành lập và sau đó các huyện đội dân quân cũng ra đời. Cuối năm 1947, tỉnh Hải Ninh đã xây dựng được tiểu đoàn bộ đội địa phương 439 để vũ trang tuyên truyền, phối hợp chặt chẽ với hoạt động chính trị, xây dựng cơ sở ở miền Đông của tỉnh.
Qua 9 tháng đưa cán bộ về vùng địch tạm chiếm gây dựng lại cơ sở và phong trào kháng chiến ở Liên tỉnh Quảng Hồng và tỉnh Hải Ninh, đến cuối tháng 12 năm 1947, ta đã tổ chức lại các lực lượng kháng chiến và lãnh đạo kháng chiến từ tỉnh đến huyện và một số xã củng cố được lòng tin của nhân dân với Đảng và Chính phủ kháng chiến.
Trong năm 1947, nhân dân và du kích các huyện Thủy Nguyên, Yên Hưng, Uông Bí, Đông Triều, Lục Sơn Hải đã cùng bộ đội đánh địch 73 trận, bảo vệ được tính mệnh, tài sản của nhân dân, bảo vệ cơ quan đầu não của Liên tỉnh và căn cứ kháng chiến. Mặc dù trong tình thế hết sức khó khăn, phong trào ở Liên tỉnh Quảng Hồng vẫn duy trì và phát triển tốt.
Cuối năm 1947, quân dân tỉnh Hải Ninh đã đẩy mạnh hoạt động quân sự, phối hợp với chiến trường Việt Bắc, theo chỉ thị của Ban Thường vụ Trung ương Đảng “Phải phá tan cuộc tấn công mùa đông của giặc Pháp”.
Phối hợp chặt chẽ cùng đơn vị chủ lực Khu 12, quân dân tỉnh Hải Ninh liên tục tấn công địch. Ngày 11 tháng 10 năm 1947, quân ta tập kích đồn Côn Quan. Ngày 13 tháng 1, đánh đồn Pò Loỏng (huyện Đình Lập) làm cho địch thiệt hại nặng. Ngày 15 tháng 10, ta tiếp tục tấn công đồn Nà U trên đường số 4, tiêu diệt hoàn toàn 1 trung đội địch. Sau đó còn đánh hàng chục trận khác, gây cho chúng nhiều thiệt hại.
Ý kiến ()