Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 26/01/2025 13:09 (GMT +7)
Phủ sóng y tế chất lượng cao
Chủ nhật, 23/05/2021 | 05:13:44 [GMT +7] A A
Phẫu thuật tim mạch, hồi sức cấp cứu, thụ tinh ống nghiệm, điều trị ung thư, phẫu thuật thần kinh sọ não, chấn thương... là những dịch vụ y tế kỹ thuật cao, chuyên sâu đang được áp dụng rộng rãi tại nhiều bệnh viện tuyến tỉnh, thậm chí tuyến huyện ở vùng sâu, vùng xa của Quảng Ninh. Đây là kết quả của sự quan tâm đầu tư rất lớn cho lĩnh vực y tế trong gần 10 năm qua của tỉnh, với phương châm “Trung ương làm được kỹ thuật nào thì Quảng Ninh cũng cơ bản làm được kỹ thuật đó”.
Đầu tư cho y tế là đầu tư cho phát triển
Quảng Ninh có địa hình đặc thù, gồm cả biển, đảo, biên giới, đồng bằng, trung du, đồi núi. Bởi vậy, khoảng cách đến các bệnh viện tuyến trung ương để tiếp cận dịch vụ y tế chất lượng cao của người dân ở nhiều vùng, miền trong tỉnh không dễ dàng. Trong câu chuyện từng chia sẻ với chúng tôi, bác sĩ Nguyễn Trọng Diện, Giám đốc Sở Y tế, nhớ lại rằng, khi cầu Bãi Cháy chưa được xây dựng, người dân phải chờ phà để đi lại rất bất tiện, chưa kể phương tiện đi lại rất ít, nhưng hễ khi có bệnh đều tìm đến Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí (tuyến trung ương) hay đến các bệnh viện tuyến trung ương ở Hà Nội để khám chữa bệnh (KCB). Chỉ cách đây chục năm, dù hệ thống giao thông trong tỉnh đã thuận tiện hơn, nhưng tình trạng vượt tuyến vẫn cao, bởi nhiều kỹ thuật cao, chuyên sâu để cấp cứu, điều trị hầu như chưa có ở Quảng Ninh. Dù khoảng cách xa xôi, hay phương tiện di chuyển không thuận tiện, mất nhiều chi phí, nhưng người bệnh đều mong muốn tìm đến những địa chỉ KCB chất lượng để chẩn đoán, điều trị. Dù ở thời điểm nào, người dân cũng có nhu cầu được chăm sóc sức khỏe với điều kiện tốt nhất. Đó cũng là điều trăn trở của nhiều thế hệ lãnh đạo tỉnh, ngành Y tế Quảng Ninh.
Quan điểm của tỉnh là đầu tư cho y tế là đầu tư cho phát triển. Bởi vậy trong các nghị quyết, chương trình, kế hoạch phát triển của tỉnh luôn quan tâm ưu tiên dành nguồn lực cho phát triển lĩnh vực y tế, nhằm đảm bảo an sinh xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống, bảo vệ sức khoẻ và tính mạng của nhân dân. Trong Nghị quyết Đảng bộ tỉnh lần thứ XIII, nhiệm kỳ 2010-2015, đã xác định nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe nhân dân là một trong những giải pháp chủ yếu để thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh đến năm 2015. Tỉnh đã dành sự quan tâm đầu tư lớn về nguồn lực tài chính, nhân lực, trang thiết bị... cho lĩnh vực y tế. Giai đoạn 2011-2016, toàn tỉnh đã triển khai 16 dự án đầu tư xây dựng cơ bản trong lĩnh vực y tế, với tổng mức đầu tư trên 1.380 tỷ đồng, trong đó ngân sách tỉnh là 1.340 tỷ đồng.
Nghị quyết Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2015-2020, tiếp tục đặt ra nhiều chỉ tiêu quan trọng cho phát triển y tế, như nâng cao tỷ lệ bao phủ BHYT toàn dân, tăng số lượng bác sĩ, giường bệnh… Quảng Ninh đã đẩy mạnh đầu tư cho lĩnh vực y tế, trong 5 năm (2016-2020) đã dành hơn 7.600 tỷ đồng để cải tạo, nâng cấp, hoàn thiện các cơ sở y tế. Đặc biệt, với chính sách nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của tỉnh, ngành Y tế tỉnh đã có nguồn lực cho việc đào tạo, thu hút nhân lực chất lượng cao. Từ năm 2016-2018, ngành đã thu hút được 513 bác sĩ hệ đào tạo chính quy về làm việc. Đến nay, toàn ngành có trên 6.000 CB,CC,VC-LĐ; trong đó có 34 tiến sĩ và bác sĩ CKII, 441 thạc sĩ và bác sĩ CKI, 1.051 bác sĩ... Nhiều bệnh viện đã tiếp nhận chuyển giao các dịch vụ y tế kỹ thuật cao của tuyến trên cho tuyến dưới qua Đề án “Bệnh viện vệ tinh” của Bộ Y tế. Được chuyên gia tuyến trên cầm tay chỉ việc, trình độ tay nghề của các y, bác sĩ tuyến dưới nâng lên rõ rệt.
Để có một bộ máy ngành Y tế vận hành hoạt động hiệu lực, hiệu quả, tạo sự yên tâm, tin tưởng của đội ngũ y, bác sĩ và người dân, tỉnh rất quyết liệt trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tinh giản bộ máy, biên chế. Năm 2018, tỉnh thành lập Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh (CDC) trên cơ sở sáp nhập 5 đơn vị hệ dự phòng tuyến tỉnh, gồm: Trung tâm Y tế (TTYT) dự phòng, Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS, Trung tâm Truyền thông - Giáo dục sức khỏe, Trung tâm Chăm sóc sức khỏe sinh sản, Trung tâm Phòng chống bệnh xã hội. Đối với hệ thống y tế tuyến huyện, hợp nhất thành TTYT đa chức năng, gồm hệ điều trị, dự phòng, kế hoạch hóa gia đình. Sau khi hợp nhất, năng lực phòng chống dịch bệnh và KCB của các đơn vị được duy trì, tăng cường cả về nguồn lực, chất lượng chuyên môn. Hệ thống y tế tuyến xã được kiện toàn theo 3 mô hình phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của từng địa phương. Từ năm 2015, Quảng Ninh đã hoàn thành mục tiêu 100% xã, phường, thị trấn đạt Bộ tiêu chí quốc gia về y tế xã (sớm hơn 5 năm so với cả nước).
Quảng Ninh là tỉnh du lịch, dịch vụ với số lượng du khách đến hằng năm rất lớn, trong đó có nhu cầu du lịch chữa bệnh. Do đó, cùng với chăm sóc tốt sức khỏe cho nhân dân, đón đầu những cơ hội phát triển đa dạng trong lĩnh vực dịch vụ, tỉnh đã dành sự quan tâm đầu tư rất lớn cho lĩnh vực y tế trong những năm qua.
Sau 10 năm dành nguồn lực đầu tư phát triển lĩnh vực y tế, đến nay đã có những mô hình y tế tuyến tỉnh chuyên sâu, chất lượng cao hiện chỉ có Quảng Ninh, như: Trung tâm Tim mạch (Bệnh viện Đa khoa tỉnh), Trung tâm Ung bướu (Bệnh viện Bãi Cháy), Trung tâm Hỗ trợ sinh sản (Bệnh viện Sản Nhi), Bệnh viện Lão khoa… Năm 2014, Quảng Ninh đã xây dựng và đưa vào hoạt động Bệnh viện Sản Nhi, chuyên khoa về sản phụ khoa và nhi. Bệnh viện Lão khoa sắp hoàn thành, là địa phương đầu tiên trong nước xây dựng bệnh viện điều trị chuyên sâu cho bệnh nhân cao tuổi, đánh dấu bước phát triển mạnh mẽ vượt bậc về hạ tầng y tế của tỉnh, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân Quảng Ninh.
Các thiết bị y tế được đầu tư đồng bộ, hiện đại, như: Hệ thống chụp mạch xóa nền 2 bình diện, hệ thống chụp cắt lớp vi tính 512 lát cắt, hệ thống gia tốc tuyến tính xạ trị ung thư, hệ thống thiết bị thụ tinh nhân tạo (IVF)... đều phát huy hiệu quả, tạo sự đột phá về phát triển chuyên môn kỹ thuật, góp phần nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe nói chung, KCB nói riêng. Các bệnh viện tuyến tỉnh đã thực hiện được 50% danh mục kỹ thuật tuyến trung ương; nhiều kỹ thuật khó trước đây chỉ thực hiện ở tuyến trung ương, nay đã được thực hiện ở các bệnh viện tuyến tỉnh. Toàn ngành Y tế tỉnh đã thực hiện được trên 2.100 kỹ thuật cao, chuyên sâu của tuyến trung ương, tỷ lệ chuyển tuyến của Quảng Ninh giảm còn khoảng 1%. Các chỉ tiêu y tế đều vượt mức đề ra và cao hơn so với bình quân cả nước: 14,8 bác sĩ/vạn dân (cả nước là 9 bác sĩ); 54,6 giường bệnh/vạn dân (cả nước là 29,5); tỷ lệ bao phủ BHYT toàn dân đạt 95% (cả nước là 90,7%); 100% người nghèo, đối tượng chính sách được KCB bằng BHYT; trên 97% dân số được khởi tạo hồ sơ sức khỏe, trong đó trên 82% hồ sơ được cập nhật thông tin. Tuổi thọ bình quân của người dân Quảng Ninh đến nay là 75 (cả nước là 73,7 tuổi).
Người dân được thụ hưởng kỹ thuật cao ngay tại địa phương
Với sự đầu tư nguồn lực rất lớn về cơ sở hạ tầng, trang thiết bị và nhân lực, đến nay dịch vụ KCB chất lượng cao đang từng bước “phủ sóng” toàn tỉnh. Người dân mỗi khi đau ốm được KCB chất lượng cao ngay tại địa phương, giảm chi phí, hạn chế việc đi lại, nhiều bệnh nhân đã được cứu sống.
Chị Nguyễn Thị Thanh Thúy (phường Cửa Ông, TP Cẩm Phả) tưởng không qua khỏi khi bị vỡ tim sau một tai nạn giao thông nghiêm trọng. Đưa vào cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh, chị đã được các bác sĩ nhanh chóng mổ tim để xử lý vị trí vỡ tim một cách chính xác. Sau 4 giờ phẫu thuật xuyên đêm, ca mổ thành công, trái tim bệnh nhân đập đều trở lại. Chị Thúy chia sẻ: “Sau mổ tim 2 ngày là tôi có thể đứng lên đi lại với sự giúp đỡ của người nhà. Từ khi xuất viện đến nay, sức khỏe của tôi gần như trở lại bình thường. Tôi vô cùng biết ơn những người dân, các y, bác sĩ của Trung tâm Cấp cứu 115 đã kịp thời đưa tôi đến viện, đặc biệt là sự tận tâm, tận lực của các cán bộ, y, bác sĩ Bệnh viện Đa khoa tỉnh. Cuộc đời tôi như được hồi sinh lần thứ 2”.
Trước kia với trường hợp của chị Thúy và hầu hết bệnh nhân ở Quảng Ninh mắc bệnh tim cần phẫu thuật hoặc can thiệp, phải chuyển lên tuyến trên, trong đó có nhiều ca đã tử vong trên đường di chuyển. Bác sĩ Trịnh Văn Mạnh, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh, chia sẻ: Năm 2014, Bệnh viện được Thủ tướng Chính phủ ký quyết định phê duyệt danh mục Dự án đầu tư nâng cấp và hiện đại hóa trang thiết bị từ nguồn vốn ODA của Áo, với kinh phí hơn 300 tỷ đồng. Từ Dự án này, chúng tôi đã xây dựng Trung tâm Phẫu thuật và Can thiệp tim mạch tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh. Đồng thời cử các kíp bác sĩ, kỹ thuật viên tiếp nhận chuyển giao các gói kỹ thuật về can thiệp, phẫu thuật tim mạch tại Viện Tim mạch Quốc gia, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức.
Sau 2 năm chuẩn bị tích cực, đến tháng 5/2016, với sự hỗ trợ của chuyên gia, các y, bác sĩ Bệnh viện Đa khoa tỉnh đã lần đầu tiên thực hiện kỹ thuật mổ tim hở, trở thành cơ sở y tế đầu tiên trong tỉnh mổ tim hở, đến nay đã duy trì và tổ chức phẫu thuật thành công cho gần 100 trường hợp. Bệnh viện hiện đã làm chủ các kỹ thuật can thiệp tim mạch. Các bệnh nhân mắc bệnh lý về tim mạch tại tỉnh không còn phải chuyển lên tuyến trên; đặc biệt có trường hợp tim ngừng đập nguy kịch được cấp cứu kịp thời, cứu sống người bệnh.
Từ năm 2014, Quảng Ninh bắt đầu đưa vào hoạt động Trung tâm Ung bướu tại Bệnh viện Bãi Cháy. Trung tâm được đầu tư xây dựng khối nhà điều trị nội trú 12 tầng, 200 giường bệnh đạt tiêu chuẩn; khối nhà khám và kỹ thuật nghiệp vụ 4 tầng; các hạng mục phụ trợ, tổng mức đầu tư 181,246 tỷ đồng từ ngân sách của tỉnh. Các y, bác sĩ ở đây từng bước làm chủ các phương pháp điều trị ung thư hiện đại như phẫu thuật, hóa trị, xạ trị, nút mạch, đốt u bằng công nghệ vi sóng, điều trị giảm nhẹ, điều trị đích... Đến nay Trung tâm trở thành địa chỉ KCB tin cậy cho người dân Quảng Ninh và vùng lân cận.
Trung tâm Hỗ trợ sinh sản (Bệnh viện Sản Nhi) đã giúp hàng trăm cặp vợ chồng bị vô sinh, hiếm muộn được làm cha, làm mẹ; trong đó, kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm (IVF) có tỷ lệ thành công tới 40%. Ngành Y tế tỉnh tiếp tục đầu tư xây dựng các chuyên khoa sâu trong các đơn vị y tế về phẫu thuật thần kinh, thận nhân tạo, lão khoa, phục hồi chức năng..., tiến tới thực hiện kỹ thuật ghép tạng.
Ở tuyến huyện, các y, bác sĩ ở TTYT đa chức năng cũng từng bước triển khai được những kỹ thuật mới về với người dân. Bác sĩ Hoàng Đình Thành, nguyên Trưởng Khoa Ung bướu, Bệnh viện Đa khoa tỉnh, với hơn 20 năm kinh nghiệm trong nghề, đã làm chủ nhiều kỹ thuật về ngoại khoa ung bướu. Năm 2019, bác sĩ Thành được bổ nhiệm giữ chức vụ Phó Giám đốc phụ trách TTYT huyện Đầm Hà. Bác sĩ Thành chia sẻ: “Về với vùng khó, tôi xác định sẽ gặp nhiều khó khăn, bởi y tế cơ sở còn có nhiều hạn chế cả về kỹ thuật lẫn trang thiết bị. Tôi luôn gắng hết mình để giúp người dân vùng khó tiếp cận thuận lợi với y tế”.
Bác sĩ Thành đã mang những kỹ thuật tiên tiến, hiện đại về với người dân huyện Đầm Hà. Nếu như trước đây, các kỹ thuật tán sỏi bằng laser, cắt tiền liệt tuyến… phải chuyển viện lên tuyến tỉnh, thì giờ đây có thể thực hiện ngay tại TTYT huyện. Điển hình như trường hợp của chị Tằng Xí Múi (dân tộc Dao, xã Quảng An, huyện Đầm Hà) vừa mới được mổ u nang tuyến giáp theo phương pháp nội soi. Chị Múi chia sẻ: “Nếu như trước đây, tôi sẽ phải chuyển tuyến tỉnh điều trị nội trú, phải có người nhà đi theo chăm sóc. Bây giờ tôi có thể mổ ngay tại huyện, mổ xong 2 ngày là có thể đi lại và ăn uống bình thường”.
Bác sĩ CKI Bùi Văn Thế, Phó Giám đốc TTYT huyện Hải Hà (nguyên Phó trưởng Khoa Phụ, Bệnh viện Sản Nhi), đã đào tạo tại chỗ cho các y, bác sĩ của huyện những kỹ thuật: Phẫu thuật nội soi cắt tử cung hoàn toàn, cắt tử cung bán phần bằng dao siêu âm, phẫu thuật sa sinh dục, phẫu thuật nội soi cắt và bóc khối u buồng trứng, khối chửa ngoài tử cung, khoét chóp cổ tử cung cho bệnh nhân tiền ung thư cổ tử cung... Đây đều là những kỹ thuật cao của tuyến tỉnh, lần đầu tiên được triển khai tại TTYT huyện Hải Hà. Các bác sĩ tại đây đã dần làm chủ, độc lập thực hiện được nhiều kỹ thuật khó kể trên.
Nhờ mạng lưới y tế được đầu tư rộng khắp, Quảng Ninh đã và đang nỗ lực bảo vệ sức khỏe nhân dân trước đại dịch Covid-19. Đợt dịch Covid-19 lần 3 (cuối tháng 1/2021), Quảng Ninh đã ngăn chặn được đà lây lan nhanh, cơ bản kiểm soát được dịch chỉ trong vòng 1 tuần cao điểm thần tốc. Có được kết quả đó, cùng với sự chỉ đạo đúng hướng, quyết liệt của tỉnh, sự đồng lòng của người dân, ngành Y tế tỉnh luôn vững vàng ở vị trí đi đầu, phát huy vai trò nòng cốt trong việc kiểm soát dịch. Hầu hết các trường hợp mắc Covid-19 đã được các y, bác sĩ của tỉnh khám, điều trị khỏi.
Với sự đầu tư thỏa đáng của tỉnh cho y tế đã góp phần nâng cao năng lực cung cấp dịch vụ KCB, củng cố lòng tin của người dân đối với y tế tỉnh nhà, tăng tỷ lệ người bệnh tới khám, điều trị, giảm tỷ lệ chuyển tuyến trung ương..., thực hiện thắng lợi nhiệm vụ bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân do Đảng và Nhà nước giao cho ngành Y tế Quảng Ninh.
Nguyễn Hoa
Liên kết website
Ý kiến ()