Tất cả chuyên mục
Thứ Ba, 05/11/2024 19:30 (GMT +7)
Phú quý từ rừng
Thứ 5, 26/01/2023 | 09:06:21 [GMT +7] A A
Quảng Ninh có trên 433.000ha đất rừng, bằng 70% diện tích đất tự nhiên toàn tỉnh. Trong đó gần 388.000ha có cây rừng đã ngày càng cho thấy "vai trò kép" của rừng trong sự phát triển của tỉnh, đó là phòng hộ và thúc đẩy kinh tế. "Rừng ơi, rừng vẫn bên tôi đi lên phía trước, rừng vẫn bên tôi dựng xây đất nước" - những ca từ trong ca khúc “Tình ca về rừng” của nhạc sĩ Tố Hải sáng tác từ hàng chục năm trước vẫn luôn đúng, đặc biệt với những người trồng rừng Quảng Ninh.
Rừng xanh cho Tết ấm
Trong những ngày cuối cùng của năm 2022, gia đình chị Hoàng Thị Liên, xã Đồn Đạc (huyện Ba Chẽ), khẩn trương khai thác, xuất bán 4ha keo. Số diện tích rừng trồng này hứa hẹn mang về cho chị Liên đến 400 triệu đồng, ngoài phục vụ chi tiêu, sắm sanh một Tết đủ đầy, gia đình chị còn có khoản tiền lớn để tích lũy hoặc tái đầu tư.
Chị Liên vui lắm: "Gắn bó với nghề trồng rừng nhiều năm, hiếm khi nào thấy rừng lại được giá, dễ mua, dễ bán, giá trị cao như hiện nay. Chúng tôi càng tin rừng mang lại ấm no, giàu có cho gia đình!".
Cùng với gia đình chị Liên, tại xã Đồn Đạc, hàng trăm hộ dân khác cũng tranh thủ tập trung nhân lực cho vụ khai thác rừng cuối cùng trong năm. Những chuyến xe thu mua, vận chuyển gỗ xuôi ngược lăn bánh, những xưởng chế biến gỗ hoạt động ngày đêm, những khoản tiền đáng kể thu được từ rừng đến tay người dân…Tất cả như khiến cho xã nông thôn mới Đồn Đạc thêm sôi động, đời sống người dân sung túc, kỳ vọng về Tết Quý Mão thêm vui tươi, phấn khởi, tràn đầy khí thế đón mùa xuân mới.
Huyện Ba Chẽ được xem là trung tâm kinh tế rừng của toàn tỉnh. Năm 2022, huyện có gần 3.000ha rừng trồng được người dân khai thác, sản lượng gỗ khai thác là trên 153.000m3, tương ứng với khoản thu trên dưới 300 tỷ đồng.
Rất đáng mừng là chuyển động kinh tế rừng của Ba Chẽ cũng là chuyển động chung của kinh tế rừng toàn tỉnh. Tính đến cuối tháng 11/2022, toàn tỉnh khai thác gần 9.200ha gỗ, sản lượng khai thác gần 620.000m3, tăng 32% so với cùng kỳ. Cùng với đó, toàn tỉnh khai thác 3.100 tấn nhựa thông, trên 6.000 tấn vỏ quế, hoa hồi và hạt sở. Giá trị gỗ và lâm sản ngoài gỗ rừng trồng mang lại cho người dân cao hơn mọi năm 30-50% và ngày càng có xu hướng cao hơn do giá dăm gỗ, gỗ thịt năm 2022 đều tăng so với trước.
“Thay máu” để làm giàu rừng
Theo ông Vũ Duy Văn, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT: Quảng Ninh đang có cơ hội “thay máu” rừng. Chỉ nói riêng kết quả trồng cây rừng bản địa, rồi trồng lim, giổi, lát mà Quảng Ninh đã và đang triển khai, đó đã chính là việc biến "từ không thành có".
Trong khi rừng sản xuất trong toàn quốc nói chung, rừng sản xuất Quảng Ninh nói riêng lâu nay quen mặt với cơ cấu cây rừng lấy cây ngắn ngày, gỗ nhỏ làm chủ đạo, thì việc trồng cây bản địa, lim, giổi, lát của Quảng Ninh đã hướng người trồng rừng đến cây gỗ lớn, cây dài ngày. Đây là điều kiện tiên quyết để người trồng rừng Quảng Ninh có cơ hội làm giàu, nâng cao chất lượng, đáp ứng nhu cầu cây nguyên liệu phục vụ chế biến lâm sản chuyên sâu, vốn là điều kiện để Quảng Ninh có những cánh rừng giá trị cao.
Đáng mừng hơn cả hiện nay trồng rừng gỗ lớn đã đi vào nhận thức, hành động của người làm nghề rừng. Tư duy, nhận thức này ngày càng được nâng lên, chuyên sâu hơn, dưới tác động của các chính sách bảo vệ và phát triển rừng trúng, đúng, kịp thời mà Quảng Ninh đã và đang triển khai.
Theo ông Nguyễn Văn Bông, Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh, trước tiên phải kể đến Nghị quyết số 19-NQ/TU của BTV Tỉnh ủy ban hành ngày 28/11/2019 về phát triển lâm nghiệp bền vững tỉnh Quảng Ninh đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030. Đây là một trong ít nghị quyết chuyên đề lâm nghiệp đầu tiên trong toàn quốc. Từ nghị quyết, Quảng Ninh đã hoạch định chiến lược phát triển lâm nghiệp toàn diện, cho thấy tầm nhìn và quyết tâm cao của tỉnh Quảng Ninh đối với hoạt động kinh tế rừng. Cùng với đó, các nghị quyết, chính sách được ban hành sau này như Nghị quyết 337/2021/NQ-HĐND về việc quy định một số chính sách đặc thù để khuyến khích phát triển lâm nghiệp bền vững trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh hay cơ chế hỗ trợ trồng rừng lim, giổi, lát… đã cho phép triển khai các phần việc, mục tiêu khó của rừng.
Qua rà soát của Sở NN&PTNT, trong khoảng 3 năm gần đây, ngân sách tỉnh dành cho bảo vệ và phát triển rừng là gần 314 tỷ đồng, vượt mức quy định là dành 3% chi thường xuyên mỗi năm cho rừng. Chỉ tính riêng Nghị quyết 337 của HĐND tỉnh kể từ khi có hiệu lực năm 2021 đến nay, gần 900 chủ rừng đã được hưởng trên 38 tỷ đồng chính sách hỗ trợ về giống cây trồng, về vốn vay ưu đãi, trong đó hỗ trợ giống là 21 tỷ đồng, hỗ trợ lãi suất vốn vay là 17 tỷ đồng.
Đối với hoạt động trồng lim, giổi, lát, năm 2022, 100% diện tích đã trồng (tính đến hết tháng 10/2022 là trên 2.100ha) đều được hỗ trợ về giống, trong đó ngân sách tỉnh hỗ trợ là 900ha, 1.300ha còn lại do các đơn vị, doanh nghiệp, người dân hỗ trợ.
Cũng trong 3 năm gần đây, doanh số tín dụng cho vay lâm nghiệp tại Quảng Ninh đã đạt mức gần 2.500 tỷ đồng, trong đó các ngân hàng thương mại cho vay gần 1.900 tỷ đồng, Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh cho vay trên 500 tỷ đồng. Tổng số khách hàng lâm nghiệp được vay là gần 15.200 hộ. Điều này cho thấy chính người trồng rừng cũng đang đầu tư lớn cho rừng.
Những nỗ lực thu hút doanh nghiệp đầu tư vào hoạt động chế biến lâm sản chuyên sâu cũng đã có những tín hiệu vui. Điều này thể hiện qua số cơ sở chế biến lâm sản nhỏ lẻ trong 3 năm qua giảm trên 150 cơ sở, toàn tỉnh còn lại gần 300 cơ sở và xu hướng sẽ tiếp tục giảm trong thời gian tới. Gần đây nhất là thiện chí đầu tư của một đơn vị doanh nghiệp lâm nghiệp mạnh toàn quốc đối với Quảng Ninh với ý tưởng xây dựng cụm công nghiệp lâm nghiệp hiện đại tại Ba Chẽ.
Hoạt động phát triển giống cây lâm nghiệp được chuyên môn hóa với việc hình thành thêm hàng chục vườn ươm cố định, vườn ươm tạm thời và cơ sở nuôi cấy mô, nâng số cơ sở giống cây lâm nghiệp chuẩn của Quảng Ninh là trên 260 đơn vị.
Ông Nguyễn Minh Sơn, Giám đốc Sở NN&PTNT khẳng định: Kinh tế rừng Quảng Ninh năm 2022 có những chuyển động mạnh mẽ và tích cực. Sự chuyển động này bắt nguồn từ nhận thức đến hành động và đến từ nhiều phía: Chính quyền, người dân, doanh nghiệp. Như vậy, Quảng Ninh đang thực hiện tốt xu thế xã hội hóa nghề rừng, xuất phát từ nhu cầu phát triển kinh tế rừng của chính người dân. Đây là cơ sở để Quảng Ninh tiến tới nền kinh tế rừng phát triển và hiệu quả, tác động đáng kể đến đời sống người dân cũng như hoạt động kinh tế - xã hội trên địa bàn.
Việt Hoa
Liên kết website
Ý kiến ()