Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 27/01/2025 14:41 (GMT +7)
Phụ nữ tham gia phòng chống tệ nạn xã hội
Thứ 4, 16/09/2020 | 08:04:43 [GMT +7] A A
Với phương châm chủ động, tích cực phòng ngừa, Hội phụ nữ các cấp của Quảng Ninh đã duy trì thường xuyên nhiều hoạt động phối hợp, nhằm đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục về phòng ngừa tội phạm, tệ nạn xã hội, xâm hại phụ nữ và trẻ em, phòng chống mua bán người… góp phần trong việc đảm bảo trật tự, an toàn xã hội.
Đại diện Hội LHPN Quảng Ninh (Việt Nam) trao tặng Hội LHPN Quảng Tây (Trung Quốc) sản phẩm truyền thông với khẩu hiệu "Tham gia phòng, chống ma túy là bảo vệ chính bạn, gia đình và xã hội" (tháng 6/2019). Ảnh: Hội LHPN tỉnh cung cấp |
Thực hiện Nghị quyết liên tịch 01/2002/NQLT giữa Bộ Công an và Trung ương Hội LHPN Việt Nam về quản lý, giáo dục con em trong gia đình không phạm tội và tệ nạn xã hội (TNXH), gắn với xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc, 100% cơ sở hội trong tỉnh đã đăng ký thi đua, nâng cao ý thức, trách nhiệm của mỗi cán bộ, hội viên phụ nữ và nhân dân nhằm thực hiện tốt công tác phòng, chống tội phạm và TNXH trên địa bàn mình sinh sống.
Giai đoạn 2017-2020, Hội LHPN tỉnh và lực lượng Công an đã có sự phối hợp đồng bộ, hiệu quả trong việc tổ chức thực hiện có hiệu quả công tác phòng, chống tội phạm, TNXH, nhất là công tác phòng ngừa, ngăn chặn nguy cơ phát sinh, tiềm ẩn các loại tội phạm từ gia đình.
Việc xây dựng mô hình phòng, chống tội phạm tại cơ sở, vận động hội viên phụ nữ tích cực đấu tranh tố giác tội phạm và nhận giúp đỡ, cảm hoá, giáo dục thanh thiếu niên hư, có nguy cơ làm trái pháp luật, phụ nữ hoàn lương... được triển khai tích cực. Qua đó, đã làm chuyển biến về nhận thức của cán bộ, hội viên phụ nữ trong công tác quản lý, giáo dục con em và người thân để không sa vào các TNXH và vi phạm pháp luật.
Hội LHPN tỉnh phối hợp với Công an tỉnh tổ chức Tọa đàm nâng cao hiệu quả phối hợp thực hiện Nghị quyết liên tịch 01 về quản lý, giáo dục người thân trong gia đình không phạm tội và TNXH giai đoạn 2017-2020 (tháng 7/2020). |
Thời gian qua trên địa bàn tỉnh lực lượng Công an, Bộ đội Biên phòng tỉnh đã tiếp nhận 738 người, trong đó có 221 nạn nhân bị mua bán trở về (92,7% là phụ nữ, 10,8% trẻ em, trong đó có cả trẻ sơ sinh, song các nạn nhân đều thuộc các tỉnh ngoài, không có nạn nhân là người trong tỉnh).
Trước thực trạng đó, nhiều năm qua, Hội LHPN tỉnh đã chỉ đạo các cấp Hội trong tỉnh phối hợp chặt chẽ với các ban, ngành, đoàn thể và chính quyền địa phương, thường xuyên trao đổi thông tin, đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân trong việc cảnh giác, phòng ngừa, phát hiện, tố giác tội phạm buôn bán người và phối hợp chặt chẽ với các ngành chức năng trong việc tiếp nhận, bảo vệ, hỗ trợ cho nạn nhân bị mua bán trở về.
Với mục đích nâng cao nhận thức về phòng chống mua bán người cho các nữ công nhân ngoại tỉnh làm việc tại các KCN trên địa bàn TP Móng Cái và huyện Hải Hà, năm 2019, Hội LHPN tỉnh đã thành lập và duy trì hoạt động 4 CLB “Nữ công nhân” với sự tham gia của 90 nữ công nhân; tổ chức 9 lớp tập huấn kiến thức phòng chống mua bán người cho 400 nữ công nhân lao động; tổ chức hội chợ truyền thông cộng đồng nhằm nâng cao nhận thức về quyền của người lao động, di cư an toàn, phòng chống mua bán người với sự tham gia của 1.500 người…
Hội LHPN tỉnh khảo sát về nhận thức, thái độ, hành vi của việc di cư an toàn khi lao động tại nước ngoài đối với phụ nữ trên địa bàn xã Lê Lợi (TP Hạ Long). |
Đặc biệt, thực hiện dự án Đấu tranh chống mua bán người và nô lệ thời hiện đại tiếp cận liên ngành nhằm thay đổi hành vi, tăng cường hỗ trợ tiếp cận pháp lý và tái hòa nhập cho nạn nhân do Tổ chức Di cư quốc tế - Cơ quan Di cư Liên Hiệp Quốc tại Việt Nam (IOM) tài trợ, trong tháng 7 năm nay, Hội LHPN tỉnh đã phối hợp với nhóm chuyên gia của Tổ chức IOM và Hội LHPN TP Hạ Long tiến hành 1 cuộc khảo sát đánh giá đầu vào của người dân tại 3 xã, phường là Lê Lợi, Giếng Đáy, Bãi Cháy.
Thông qua hoạt động này, Hội LHPN tỉnh đã nắm bắt được nhu cầu di cư lao động ở nước ngoài của người dân trên địa bàn thành phố; đánh giá được nhận thức, thái độ và hành vi của việc di cư an toàn khi đi lao động ở nước ngoài. Từ đó, có các giải pháp để bảo vệ cho người dân thoát khỏi nguy cơ trở thành nạn nhân bị mua bán trong quá trình đi lao động ở nước ngoài.
Từ những kết quả đã đạt được, Hội LHPN tỉnh tiếp tục chỉ đạo các cấp Hội phát huy, nhân rộng các hoạt động, mô hình về phòng chống TNXH; góp phần tích cực trong phòng chống các loại tội phạm, xây dựng xã hội ngày càng tiến bộ, văn minh.
Vân Anh
[links()]
Liên kết website
Ý kiến ()