Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 01/11/2024 20:42 (GMT +7)
Phụ nữ phối hợp chặt chẽ để nâng cao hiệu quả công tác
Thứ 5, 12/09/2024 | 14:04:00 [GMT +7] A A
Để nâng cao hiệu quả công tác giám sát, phản biện xã hội, thời gian qua Hội LHPN tỉnh đã tập trung nguồn lực nâng cao năng lực cho cán bộ hội, đặc biệt là cán bộ tại các cơ sở.
Từ năm 2018, Tỉnh ủy đã có cơ chế, chính sách giám sát, phản biện thông qua việc ban hành Chương trình thanh tra, kiểm tra, giám sát chung của tỉnh, trong đó có nội dung chuyên đề giám sát cụ thể của các tổ chức chính trị - xã hội. Từ cơ chế này, Hội LHPN tỉnh đã chủ động, tích cực phối hợp chặt chẽ với các sở, ban, ngành, đoàn thể, địa phương, tổ chức các chương trình kiểm tra, giám sát khoa học, bài bản, có chiều sâu, cụ thể, không hình thức, qua đó chất lượng, hiệu quả hoạt động dần được nâng lên rõ rệt.
Các chủ đề giám sát luôn đảm bảo 2 yếu tố là tính đặc thù của tổ chức giới (gắn với quyền lợi của phụ nữ, trẻ em) và tính thời sự (các vấn đề về môi trường, VSATTP, pháp luật lao động nữ, vụ việc đơn thư kéo dài...). Trong quá trình tổ chức thực hiện, công tác nắm bắt tình hình phụ nữ và nhân dân, lấy thông tin phản ánh từ phía người dân thông qua “Diễn đàn lắng nghe ý kiến hội viên phụ nữ” được duy trì tại các địa phương, để làm căn cứ giám sát đột xuất, không báo trước… Những nội dung này được truyền tải tới 100% cán bộ hội cấp cơ sở một cách hiệu quả, dễ tiếp cận.
Để nâng cao năng lực cho cán bộ, Hội LHPN các cấp đã tiếp tục thực hiện Đề án 1893 về bồi dưỡng cán bộ, công chức Hội LHPN và chi hội trưởng giai đoạn 2019-2025. Các hoạt động được đổi mới, trọng tâm hướng về chi, tổ hội, nâng cao chất lượng hoạt động của đội ngũ cán bộ hội cơ sở, trong đó có kỹ năng giám sát và phản biện xã hội. Với nhiều cách làm hay, cụ thể, công tác giám sát, phản biện của cán bộ hội phụ nữ đã mang lại hiệu quả cao, phản ánh thực chất về thực trạng tại thời điểm giám sát, từ đó có phản ánh, kiến nghị và đề xuất đúng, trúng, kịp thời, hiệu quả, được các cấp, ngành và nhân dân ghi nhận.
Tận dụng những lợi thế của thời đại công nghệ số, Hội LHPN tỉnh đã định hướng cán bộ hội phát triển kỹ năng giám sát, phản biện theo hướng ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số. Qua những ứng dụng công nghệ số và hệ thống mạng xã hội Zalo, Facebook, Zoom... việc truyền tải các kiến thức nhằm nâng cao kỹ năng giám sát phản biện cho cán bộ hội cơ sở cũng trở nên thuận lợi hơn rất nhiều.
Trong tháng 8/2024, Hội LHPN tỉnh đã phối hợp với Trường Đào tạo cán bộ Nguyễn Văn Cừ tổ chức chương trình tập huấn, trong đó có nội dung “Kỹ năng giám sát, phản biện xã hội của cán bộ Hội LHPN cấp xã” cho 53 hội viên là Chủ tịch, Phó Chủ tịch Hội LHPN cấp xã trên địa bàn tỉnh.
Chương trình đã nêu rõ tầm quan trọng sự chủ động của tổ chức hội trong tham mưu nội dung giám sát, phản biện, gắn với nhiệm vụ đặc thù của hội; cách thức tổ chức thực hiện cần có sự đổi mới, sáng tạo, linh hoạt phù hợp yêu cầu thực tiễn; đội ngũ cán bộ tham mưu phải không ngừng học hỏi, rèn luyện chuyên môn, kỹ năng, bản lĩnh đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.
Ngoài ra, chương trình cũng chỉ ra vai trò của người đứng đầu là vô cùng quan trọng trong việc thực hiện công tác giám sát, phản biện xã hội. Người đứng đầu tổ chức hội cơ sở phải có đủ uy tín, niềm tin để tập hợp, bố trí lực lượng để thu thập thông tin, đánh giá thông tin đúng với bản chất từng vụ việc.
Sau giám sát, các cấp hội cần theo dõi chặt chẽ kết quả giải quyết kiến nghị, đề xuất sau giám sát và phân công cán bộ, ban chuyên môn theo dõi kết quả giải quyết các kiến nghị, đề xuất của các địa phương, đơn vị để có kiến nghị tiếp theo.
Có thể thấy, Hội LHPN tỉnh đã có những định hướng và yêu cầu rất rõ nét đối với cán bộ hội các cấp trong công tác giám sát, phản biện, đồng thời đã rất chú trọng nâng cao kỹ năng này cho cán bộ phụ nữ cơ sở, nhằm tham gia có hiệu quả vào công tác xây dựng Đảng, chính quyền tại địa phương.
Hoài Minh
Liên kết website
Ý kiến ()