Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 12/01/2025 22:10 (GMT +7)
Phụ nữ Móng Cái: Nâng cao nhận thức, trách nhiệm trong cộng đồng
Thứ 4, 08/06/2022 | 13:35:11 [GMT +7] A A
Phong trào “Phụ nữ chung tay bảo vệ môi trường” được các cấp hội phụ nữ TP Móng Cái triển khai có hiệu quả, lan tỏa đến đông đảo cán bộ, hội viên, phụ nữ cùng tham gia, góp phần thực hiện nếp sống văn minh đô thị, vì một môi trường xanh - sạch - đẹp.
Từ năm 2019 đến nay, mô hình ủ rác hữu cơ thành phân vi sinh đã được Hội LHPN TP Móng Cái phát triển đến 13 hội LHPN xã, phường trên địa bàn. Đến nay, toàn thành phố đã có trên 1.000 hộ dân tham gia mô hình, ủ gần 60 tấn rác hữu cơ/tháng.
Bà Lê Thị Ngọc Nhung, Phó Chủ tịch Hội LHPN TP Móng Cái, chia sẻ: Những năm qua, các cấp hội phụ nữ thành phố thường xuyên tuyên truyền, hướng dẫn hội viên phân loại rác thải (hữu cơ, vô cơ, tái chế…). Tuy nhiên, rác thải hữu cơ, vô cơ sau khi phân loại tại hộ gia đình vẫn được thu gom chung đưa đi xử lý. Trước thực tế đó, chúng tôi đã quyết liệt triển khai mô hình ủ rác hữu cơ thành phân vi sinh, qua đó góp phần thực hiện hiệu quả việc phân loại rác thải; chung tay giảm thiểu rác thải ra môi trường.
Thực hiện mô hình ủ rác hữu cơ thành phân vi sinh, Hội LHPN TP Móng Cái đã tổ chức 215 buổi tập huấn, hướng dẫn trực tiếp cho trên 6.000 người dân ở 17/17 xã, phường; tuyên truyền bằng trực quan, tài liệu (phát 15.000 tờ rơi); mời chuyên gia về hướng dẫn, tập huấn trực tiếp trên thực địa. Qua đó, hội viên phụ nữ, người dân nâng cao nhận thức, hiểu đúng cách cách phân loại, thu gom, xử lý từng loại rác thải.
Để lan tỏa mô hình ủ rác hữu cơ thành phân vi sinh, bắt đầu từ tháng 6/2022, Hội LHPN và Hội CCB TP Móng Cái đã phối hợp triển khai mô hình này đến hội viên phụ nữ, CCB toàn thành phố. Mới đây, Hội LHPN và Hội CCB phường Hải Yên đã phối hợp thực hiện thí điểm mô hình ủ rác hữu cơ thành phân vi sinh tại trang trại của gia đình ông Nguyễn Du Lý (khu 2, phường Hải Yên).
Ông Lý chia sẻ: Sau khi được hướng dẫn quy trình xây dựng hố ủ phân hữu cơ vi sinh, gia đình tôi đã thực hiện theo các bước từ thu gom, phân loại đến xử lý rác hữu cơ bằng chế phẩm vi sinh EMUNIVF. Phân hữu cơ sau khi ủ được sử dụng làm phân bón cho cây trồng tại trang trại gia đình, giúp cây phát triển tốt, nâng cao năng suất, chất lượng, đảm bảo cho sản xuất nông nghiệp hữu cơ và giảm lượng rác thải sinh hoạt trong gia đình.
Phân loại rác thải cũng giúp các cấp hội phụ nữ TP Móng Cái triển khai hiệu quả mô hình “Biến rác thành tiền” từ năm 2019 đến nay. Mô hình triển khai ở 17/17 xã, phường, thu hút trên 3.000 hội viên tham gia. Với số tiền thu được từ việc thu gom phế liệu đem bán, các cấp hội phụ nữ thành phố có thêm kinh phí để hoạt động hội, tặng quà cho hội viên, trẻ em, người già có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn. Ngoài ra, các cấp hội cũng có những mô hình làm vườn hoa, làn đi chợ, đồ chơi... từ rác thải tái chế như lốp ô tô cũ, chai nhựa, hộp giấy...
Từ câu chuyện phân loại rác thải đã cho thấy “lợi ích kép”, vừa tái sử dụng rác thải có thể tái chế, bán phế liệu biến rác thành tiền tạo được nguồn kinh phí “nhiều nhỏ góp lại thành lớn” có giá trị nhân văn sâu sắc, vừa ủ rác bằng men vi sinh tạo thành phân bón hữu cơ giàu chất dinh dưỡng, thân thiện với môi trường và con người.
Song song với đó, các cấp hội phụ nữ thành phố đẩy mạnh công tác xây dựng gia đình văn hóa, gia đình “3 sạch”, hộ kiểu mẫu gắn với phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá”. Đồng thời phối hợp đưa các nội dung tiêu chí sạch nhà là điều kiện công nhận gia đình văn hóa, bổ sung nội hàm 8 tiêu chí xây dựng gia đình “5 không, 3 sạch” vào bộ tiêu chí đánh giá thôn, khu phố văn hóa.
Toàn thành phố đã thành lập 33 nhóm “Liên gia tự quản 3 sạch” tại 14/17 xã; 17 chi hội kiểu mẫu thực hiện “5 không, 3 sạch” gắn với thôn, khu dân cư kiểu mẫu; nâng cao chất lượng hoạt động 87 tổ thu gom rác tại 17/17 xã, phường với kinh phí duy trì hoạt động do nhân dân tự đóng góp.
Nhiều mô hình hay, sáng tạo, dù mới đi vào hoạt động một thời gian ngắn, nhưng đã trở thành hoạt động thiết thực, không chỉ góp phần xây dựng môi trường xanh - sạch - đẹp, mà còn nâng cao nhận thức cho người dân ở Móng Cái, từng bước đưa công tác bảo vệ môi trường trở thành trách nhiệm của cả cộng đồng.
Nguyễn Hoa
Liên kết website
Ý kiến ()