Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 13/01/2025 01:37 (GMT +7)
Phụ nữ chung tay bảo vệ môi trường
Thứ 2, 23/11/2020 | 07:52:26 [GMT +7] A A
Bảo vệ môi trường hiện là vấn đề đang được cả xã hội quan tâm và cũng là một trong những nhiệm vụ trọng tâm được các đơn vị ưu tiên thực hiện thời gian qua. Ý thức được trách nhiệm của mình trong việc bảo vệ môi trường, các cấp Hội phụ nữ trong tỉnh đã tích cực triển khai nhiều hoạt động, góp phần cải thiện môi trường sống, vì cuộc sống xanh.
Hội LHPN tỉnh trao thùng rác tái chế cho các thành viên mô hình "Hội ve chai" trên địa bàn phường Tuần Châu (TP Hạ Long). |
Thực hiện phong trào phụ nữ chung tay bảo vệ môi trường, các cấp hội cũng tổ chức hàng trăm buổi tập huấn, truyền thông, tọa đàm gồm nhiều nội dung thiết thực liên quan đến bảo vệ môi trường như: Phổ biến kiến thức, phương pháp tổ chức “Ngày thứ 7, Ngày chủ nhật xanh” tại các khu dân cư; các kiến thức liên quan đến ứng phó với biến đổi khí hậu, tuyên truyền về cách dùng túi sinh học tự phân hủy trong sinh hoạt hàng ngày...
Cán bộ, hội viên phụ nữ các địa phương đã tích cực vận động các hộ gia đình thực hiện phân loại rác thải tại gia đình nhằm giảm thiểu rác mang đi xử lý tại các điểm tập kết rác. Qua đó, các phong trào vệ sinh môi trường đã có sức lan tỏa mạnh mẽ trong cộng đồng dân cư.
Một trong những đơn vị điển hình về bảo vệ môi trường, có thể kể đến Hội LHPN TP Hạ Long. Dự án giảm thiểu rác thải nhựa và hành động 3Rs (giảm thiểu - tái sử dụng - tái chế) do Hội phối hợp với Trung tâm hỗ trợ phát triển xanh (Green Hub) đã cho thấy hiệu quả trong việc thu gom, phân loại và tái sử dụng rác thải nhựa.
Triển khai dự án, các hộ gia đình đã tự động phân loại rác ngay tại nhà; phần phế liệu còn tái sử dụng được, như: Vỏ lon bia, sắt vụn, vỏ chai nhựa, bìa cứng, các đồ dùng cũ không sử dụng đến... được tập hợp riêng vào từng bao, sau đó mang đến một điểm tập kết để bán. Số tiền thu được từ bán phế liệu, các chi hội phụ nữ trao tặng cho những hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn.
Thực hiện dự án, 20/20 cơ sở hội đã làm được trên 15.000 viên gạch sinh thái từ chai nhựa và túi nilon qua sử dụng; 100 chiếc bàn, ghế, bồn hoa, vườn hoa; trên 180 sản phẩm từ rác thải nhựa, như làn, giỏ hoa, lẵng hoa, đồ chơi mầm non...; thu gom trên 700 hộp nhựa dùng trồng hoa treo tường, 100 lốp ô tô để triển khai tuyến đường hoa; duy trì 131 mô hình dùng làn đi chợ với 5.300 thành viên tham gia.
Bên cạnh đó, thực hiện theo thỏa thuận hợp tác giữa Hội Nông dân tỉnh và Hội LHPN tỉnh về việc tham gia dự án “Xây dựng mô hình cộng đồng quản lý, phân loại, thu gom và xử lý rác thải nhựa vùng ven biển Vịnh Hạ Long”, Hội LHPN tỉnh cũng đã ra mắt và tập huấn 3 mô hình “Hội ve chai” tại 3 phường Tuần Châu, Hồng Hải, Hồng Hà (TP Hạ Long). Đồng thời, tiến hành hướng dẫn, tập huấn phân loại rác 3Rs và trao hỗ trợ thùng rác tái chế cho 80 hộ dân tham gia mô hình thu gom, phân loại rác thải tại 2 phường Tuần Châu và Hồng Hải.
Gian hàng sản phẩm tái chế, tái sử dụng từ rác thải nhựa của Hội LHPN TP Hạ Long tại Hội chợ OCOP Quảng Ninh - Hè 2020. |
Bà Nguyễn Thị Kim Nhàn, Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh, cho biết: Mô hình “Hội ve chai” được thành lập tại 3 phường với sự tham gia của 12 thành viên/mô hình. Đây là mô hình mới, giúp nâng cao nhận thức của hội viên phụ nữ, người dân về ý nghĩa, lợi ích của việc phân loại, thu gom và xử lý rác thải nhựa đối với đời sống, sức khỏe của người dân. Thông qua việc triển khai mô hình mỗi cán bộ, hội viên phụ nữ, người thân, gia đình và cộng đồng dân cư làm tốt công tác phân loại rác thải tại nguồn, tái chế sử dụng các sản phẩm hữu ích phục vụ đời sống.
Thúc đẩy các hoạt động bảo vệ môi trường, các cấp hội cũng duy trì hoạt động của “Tổ phụ nữ thu gom rác thải”, “Đoạn đường xanh - sạch - đẹp” do phụ nữ quản lý, “Ngày thứ 7, chủ nhật xanh”. Phong trào “Phân loại rác thải tại gia đình và nói không với rác thải nhựa” gắn với mô hình "Biến rác thành tiền” được triển khai, nhân rộng tại 13/13 địa phương. Mô hình sử dụng men vi sinh để xử lý rác hữu cơ làm phân bón hữu cơ được tiến hành thí điểm tại 6 địa phương, trong đó tại Hạ Long và Móng Cái đã có thành phẩm khoảng trên 103,5 tấn phân vi sinh với số tiền hơn 130 triệu đồng, tương đương với số rác thải hữu cơ khoảng gần 300 tấn từ rác thải sinh hoạt gia đình...
Vân Anh
Liên kết website
Ý kiến ()