Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 26/01/2025 12:16 (GMT +7)
Phong tục đón Tết của người Dao ở Tiên Yên
Thứ 2, 16/01/2023 | 16:15:40 [GMT +7] A A
Mùa xuân mới đang về trên khắp các thôn, bản của Quảng Ninh. Khi đất trời chuyển mình đón những cơn gió lạnh, cũng là lúc đồng bào dân tộc Dao Thanh Y huyện Tiên Yên chuẩn bị mọi thứ thật chu đáo để đón một năm mới với những nét riêng và vô cùng độc đáo.
Giống như người Kinh, người Dao Thanh Y quan niệm, Tết là sự khởi đầu, mừng cho một năm mới với nhiều may mắn và cũng là dịp để mọi người sum họp. Những ngày này, người Dao Thanh Y dù đi làm ăn ở xa đều trở về quê hương để đón Tết. Theo phong tục, người Dao Thanh Y ăn Tết từ ngày 20 tháng Chạp và vui Tết đến hết rằm tháng Giêng.
Chúng tôi đến thôn Nà Cà (xã Phong Dụ, huyện Tiên Yên) khi các gia đình người Dao Thanh Y đang chuẩn bị đón Tết. Đàn ông thì tân trang lại nhà cửa, phụ nữ thì may trang phục mới cho mình.
Chị Chíu Nhì Múi (thôn Nà Cà, xã Phong Dụ, huyện Tiên Yên) chia sẻ: Để tham gia các hoạt động của ngày tết cổ truyền, trước đó 2-3 tháng những người phụ nữ chúng tôi đã bắt đầu thêu cho mình bộ trang phục đẹp nhất, sặc sỡ nhất và những chiếc mũ, khăn trên đầu theo đúng phong tục của người Dao nơi đây.
Bộ quần áo của phụ nữ Dao Thanh Y là một công trình công phu, đòi hỏi tính kiên nhẫn và sự khéo tay. Đây là sự kết hợp của nhiều màu sắc đỏ, vàng, xanh, đen, trắng... với họa tiết hoa, lá, chim, sao… được thêu bằng chỉ len nhiều màu ở vạt áo, vai áo, đai thắt lưng. Những người phụ nữ đủ 18 tuổi trở lên mới được mặc bộ trang phục này. Mũ đội đầu, yếm ngực cũng được phụ nữ Dao Thanh Y trang trí nhiều họa tiết màu sắc sặc sỡ, thể hiện tình yêu quê hương, bản làng và mối giao hòa với thiên nhiên, trời đất.
Để đón Tết sung túc, các gia đình ở đây thường nuôi lợn trước đó tầm 7-8 tháng, cận Tết thì khoảng 3 gia đình cùng nhau đụng lợn, việc này đã hâm nóng không khí ngày Tết của người Dao.
Trong những ngày cận tết cổ truyền, người Dao Thanh Y sửa sang ban thờ, gói bánh chưng gù, bánh chưng dài, những thứ bánh đặc trưng của dân tộc mình. Khác với bánh chưng vuông ở miền xuôi, bánh chưng của người Dao Thanh Y tại vùng miền núi Tiên Yên có hình dài và tròn. Nguyên liệu làm bánh được chọn rất kỹ từ gạo, thịt, lá dong, lá cơm lông và lạt buộc. Gạo gói bánh chưng của người Dao Thanh Y ở Tiên Yên là loại gạo nếp trồng trên nương - giống lúa nếp đặc sản của người dân nơi đây. Để gạo được thơm dẻo, cận Tết bà con mới mang thóc đi xay xát. Đây là món ăn thể hiện lòng thành kính của con cháu đối với người già và cầu mong cho năm mới mùa màng bội thu, no ấm.
Tết của người Dao Thanh Y rất chú trọng đến mâm cỗ cúng tổ tiên, chính vì thế người phụ nữ Dao chuẩn bị rất chu đáo cho mâm cỗ, để người đàn ông trong gia đình dâng lên tổ tiên và các vị thần linh. Mâm cỗ là từ những nông phẩm gần gũi, thân thuộc, chủ yếu vẫn là những thứ mà trời đất đã ban cho hằng ngày, được đặt lên ban thờ, cúng tổ tiên để cầu lộc, cầu tài và trừ tà ác. Theo phong tục ngày Tết, người Dao Thanh Y chỉ cúng thịt và bánh, không cúng cơm như người Kinh.
Ngày xuân, ở bất cứ nơi nào trong bản làng của người Dao Thanh Y huyện Tiên Yên cũng sẽ được thưởng thức điệu giao duyên của những chàng trai, cô gái rủ nhau đi chơi xuân. Những tiếng hát trong trẻo, ngọt ngào cất lên giữa núi rừng khiến lòng người cũng trở nên rạo rực, vui tươi trong những ngày Tết.
Ngọc Trâm
Liên kết website
Ý kiến ()