Tất cả chuyên mục
Thứ Tư, 15/01/2025 16:46 (GMT +7)
Phong tục cưới truyền thống của người Tày ở Bình Liêu
Thứ 4, 20/07/2022 | 13:48:35 [GMT +7] A A
Theo số liệu thống kê dân tộc Tày ở tỉnh Quảng Ninh có số lượng lớn đứng sau dân tộc Kinh và dân tộc Dao, chiếm khoảng 2,88% dân số toàn tỉnh. Riêng huyện Bình Liêu cộng đồng người Tày tập trung đông nhất gần 14.000 người, chiếm 44% dân tộc Tày toàn tỉnh. Giống như nhiều dân tộc khác, người Tày ở Bình Liêu còn giữ được nhiều nét văn hoá truyền thống của mình. Một trong số đó là tục cưới hỏi.
Lễ cưới truyền thống người Tày ở Bình Liêu thông thường cần trải qua các bước như sau:
- Pây tham au lộc mềnh khao (Đi hỏi lấy căn duyên trắng): Nhà trai cử 2 phụ nữ có tuổi đến nhà gái ướm hỏi và đặt vấn đề đôi trẻ tiến tới hôn nhân. Nếu nhà gái đồng ý thì bên nhà trai sẽ tiến hành các bước thủ tục theo phong tục truyền thống. Bố mẹ gia đình nhà gái viết họ, tên, ngày tháng năm sinh của con gái vào tờ giấy trắng đưa cho nhà trai mang về cho thầy mo xem căn duyên có hợp mệnh hay không. Lễ này, nhà trai chưa phải mang lễ vật gì đến nhà gái.
- Tặt bàu au lộc mềnh đeng (Đặt trầu lấy căn duyên đỏ): Nhà trai cũng cử 2 phụ nữ có tuổi trong họ đến nhà gái để lấy ngày, tháng, năm sinh của cô dâu được nhà gái ghi vào tờ giấy hồng hoặc giấy đỏ đưa cho nhà trai mang về nhà xem lại lần nữa có hợp mệnh hay không và cũng là để tránh các xung khắc giữa gia đình bên nhà trai khi đón dâu những người nào không được gặp nên tránh mặt. Đồng thời cũng là để cho người khác không thể đến đặt trầu nữa.
- Pây tềnh (Dạm ngõ): Phải là nam giới 2 người có uy tín trong họ đại diện đến nhà gái để thưa chuyện. Dạm ngõ bắt buộc phải có au háp (lấy gánh) gồm có: 1 đôi gà sống thiến, 3-5kg thịt lợn, 10kg gạo nếp, 10kg gạo tẻ, 3-5 lít rượu trắng, 2-3kg xôi, trầu, cau, bánh kẹo, hoa quả đặt lên bàn thờ nhà gái để báo tổ tiên. Khấn rằng hôm nay nhà trai đã xem được căn duyên của cô dâu hợp với căn duyên chú rể xin phép nhà gái để chọn ngày lành, tháng tốt để tiến tới hôn lễ.
- Pây poóng lảu (Định ngày cưới): Còn gọi là thách cưới: Nhà trai cử 2 người đàn ông có uy tín đại diện dòng họ đến gặp đặt vấn đề xin cưới. Nhà gái cũng cử người đại diện có uy tín đứng ra để tiếp lời. Nhà gái thách cưới thường gồm khoảng 30-40 triệu đồng để mua sắm lễ vật cho con gái về nhà chồng và tổ chức tiệc cưới. Nếu không có tiền mặt thì quy ra lấy 8 gánh. Nếu em gái lấy chồng trước chị gái thì lấy thêm một gánh. Lễ vật gồm: 80kg thịt lợn, trong đó, phải có đầy đủ các bộ phận của con lợn như lòng, phèo, tim, gan, tiết, chân trước, chân sau, đầu, đuôi mỗi thứ một ít. Một đôi gà sống thiến, gạo nếp, gạo tẻ 80kg, rượu 80 lít và một tấm vải tơ tằm đủ để may một bộ quần áo cho cô dâu được gói gém cẩn thận bên trong tấm vải có một đôi vòng tay bằng bạc và tiền mặt tùy tâm. Khi mở gói phải có sự chứng kiến của hai bên gia đình nội ngoại. Lễ vật còn có 12 cái bánh giầy to, 50 cái bánh giầy nhỏ, 1 đôi cốc lồ mới, 1 đôi chum nhỏ đựng rượu. ngoài ra còn có các lễ vật khác như hoa quả, bánh kẹo, trầu, cau, thuốc lá, chè... Nhà trai sẽ tuyển chọn 8 thanh niên trẻ khỏe chưa lập gia đình để gánh lễ vật sang nhà gái vào ngày cưới.
- Slống lù (Tiễn dâu): Nhà gái cũng cử một ông đại diện trong dòng họ làm trưởng đoàn gọi là pò ta (ông ngoại) để đứng ra đón tiếp và đưa cháu gái về làm dâu nhà chồng. Mọi công việc của đoàn đều do pò ta điều hành. Chọn một nữ trẻ đi theo đoàn gọi là mè tai (bà ngoại) để giao lưu đối đáp với đoàn nhà trai. Cô dâu chọn mời một bạn nữ thân nhất chưa lập gia đình để phù dâu. Người phù dâu có nhiệm vụ luôn ở bên cạnh cô dâu từ khi tổ chức lễ cưới bên nhà gái cũng như bên nhà chồng. Mọi công việc giao lưu, trang phục, lễ vật của cô dâu đều do phù dâu đảm nhiệm.
- Khai lộc slao (Gả con gái): Lễ vật bên nhà gái cho con làm của hồi môn về nhà chồng gồm: 1 bộ trang phục Tày truyền thống bằng tơ tằm hoặc màu chàm để mặc trong ngày cưới, 1 bộ chăn, màn tơ tằm, 1 đôi vòng cổ, 1 đôi vòng tay, 1 đôi hoa tai, tất cả đều bằng bạc trắng, 1 bộ xô, chậu và tiền mặt. Trước khi con gái theo nhà trai về làm dâu, bên nhà gái dặn dò con hãy thẳng bước về phía trước và quay đầu lại khi mẹ gọi là để trả công ơn cha mẹ sinh thành và dưỡng dục.
- Tẳng lù (Đón dâu): Đi đón dâu, nhà trai cử một nam là người trong họ có uy tín, ăn nói lưu loát, chuẩn mực trong cuộc sống hàng ngày và có gia đình đầm ấm hạnh phúc làm trưởng đoàn gọi là pò pú (ông nội). Lại chọn một nữ thanh niên trẻ đẹp sắc xảo chưa lập gia đình gọi là mè già (bà nội) để giao lưu và nhận xách đồ vật của cô dâu mang về nhà chồng. Chú rể chọn một bạn thân trẻ khỏe chưa lập gia đình hợp mệnh để đi cùng gọi là kem khưi (phù rể). Người này có nhiệm vụ luôn ở bên chú rể để đối ngoại, lì xì cho các cháu nhỏ, người già và những người trẻ chưa lập gia đình bên nhà cô dâu để lấy may mắn.
- Dào nả (Rửa mặt): Lễ này chỉ có ở nhà trai. Sau khi ăn xong tiệc cưới, cô dâu chuẩn bị khoảng 300-400 chiếc khăn mặt tùy theo dòng họ đông người thì chuẩn bị nhiều, ít người thì chuẩn bị ít. Mỗi một người đến rửa mặt đều phải lấy đủ một đôi khăn mặt đã xếp sẵn để trong chậu, đặt lên bàn ngồi cùng bố mẹ chồng ở cạnh cửa chính. Họ hàng bên nhà chồng đến rửa mặt, mẹ chồng giới thiệu cho con dâu để nhận mặt ông, bà, cô, chú, bác, anh, em họ hàng thân thiết bằng hình thức, lấy một đôi khăn mặt lên hơ lên mặt chậu hai ba lần rồi đưa lên mặt lau qua và đặt tiền tùy tâm vào chậu nói lời chúc phúc cho đôi trẻ.
Lễ lại mặt theo phong tục ngày xưa, sau khi cưới xong cô dâu ở luôn bên nhà chồng trong khoảng thời gian 3 ngày là cô dâu thứ nhất; đón cô dâu thứ hai 5 ngày, đón cô dâu thứ ba 7 ngày, cô dâu thứ tư 9 ngày. Nếu nhà còn nhiều con trai nữa cũng không được quá thời gian trong vòng là 10 ngày.
Cô dâu về lại mặt gia đình chọn ngày lành mới được về và báo trước cho nhà ngoại, khi đi chỉ có chồng và 2-3 người thân trong gia đình. Lễ lại mặt đơn giản chỉ mang theo thịt lợn, chè, hoa quả, bánh kẹo, quây quần ăn bữa cơm thân mật xong thì chồng và mọi người về, con dâu ở lại nhà ngoại khoảng 2-3 ngày thì bố mẹ đưa con gái quay lại nhà chồng. Khi đi, gia đình sắm cho con 1 cái liềm gặt lúa, 1 cái cuốc, 1 con dao, 1 cái nón, khăn vấn đầu, cạp quấn chân để con có dụng cụ để đi làm và xây dựng cuộc sống mới bên nhà chồng.
Hà Ngọc
Liên kết website
Ý kiến ()