Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 12/01/2025 21:06 (GMT +7)
Phòng tránh trẻ thừa cân, béo phì trong mùa Covid-19
Thứ 2, 19/07/2021 | 08:51:07 [GMT +7] A A
Do dịch Covid-19 kéo dài, nhiều phụ huynh ngộ nhận rằng, cứ cho con ăn nhiều sẽ khỏe mạnh, tăng sức đề kháng và ít bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Tuy nhiên, chế độ ăn quá đà, mất cân đối khiến trẻ thừa cân, thiếu chất, đe dọa đến sức khỏe nhiều hơn. Chính vì vậy, các bậc phụ huynh cần áp dụng cho trẻ một chế độ sinh hoạt, dinh dưỡng lành mạnh để có thể thực hiện được mục tiêu vừa phòng dịch Covid-19, vừa phòng tránh thừa cân, béo phì.
Những sai lầm gây hại…
Theo kết quả của Tổng điều tra dinh dưỡng toàn quốc (2019-2020), tỷ lệ thừa cân, béo phì ở trẻ em tuổi học đường (5-19 tuổi) tăng từ 8,5% năm 2010 lên 19% vào năm 2020 (gấp hơn 2 lần), trong đó tỷ lệ thừa cân, béo phì khu vực thành thị là 26,8% và ở nông thôn là 18,3%. Cuộc tổng điều tra dinh dưỡng năm 2019-2020 được tiến hành với sự tham gia của 22.400 hộ gia đình tại 25 tỉnh, thành phố đại diện cho 6 vùng sinh thái.
GS.TS Lê Danh Tuyên, Viện trưởng Viện Dinh dưỡng quốc gia cho biết, có những sai lầm nhiều phụ huynh dễ mắc phải về dinh dưỡng, vận động ở trẻ. Đầu tiên phải kể đến, đó là nhiều ông bố, bà mẹ quan niệm, cứ ăn nhiều thịt, trứng, sữa là bổ và khỏe. Tuy nhiên, họ lại không ước lượng được khẩu phần ăn thế nào là đủ nên thường cho con ăn quá mức. Điều này không chỉ gây thừa cân, béo phì, mà còn gây rối loạn chuyển hóa, nhất là rối loạn chuyển hóa lipit máu. Những rối loạn sớm như vậy sẽ tăng nguy cơ bệnh tim mạch, cao huyết áp, gan nhiễm mỡ ở tuổi trưởng thành.
“Hai sai lầm khác nữa, đó là khi trẻ nghỉ ở nhà có thể ăn bất cứ lúc nào và ngủ nghỉ thoải mái. Mặt khác, khi phụ huynh thấy con tăng cân quá mức lại cắt giảm bữa ăn đột ngột, hay bắt con nhịn ăn cũng tác động xấu đến thể trạng của trẻ. Rối loạn nhịp độ sinh hoạt có thể ảnh hưởng đến sức khỏe và sự phát triển của trẻ, gây nguy cơ thừa cân, béo phì và kém phát triển về chiều cao”, GS.TS Lê Danh Tuyên lưu ý.
Thêm một quan niệm sai lầm của các bậc phụ huynh được PGS.TS Bùi Thị Nhung, Trưởng khoa Dinh dưỡng học đường và ngành nghề (Viện Dinh dưỡng quốc gia) chỉ ra, đó là nhiều người cho rằng, trẻ mập một chút rồi sau này sẽ gầy đi, nhưng thực tế không phải vậy. Có những trẻ ở giai đoạn mầm non chỉ thừa khoảng 3-5kg, nhưng đến giai đoạn tiểu học đã thừa từ 8 đến 10kg và đến giai đoạn trung học cơ sở thừa tới 15-20kg.
Bác sĩ Lưu Thị Mỹ Thục, Trưởng khoa Dinh dưỡng - Lâm sàng, Tiết chế (Bệnh viện Nhi trung ương) cho rằng, hậu quả của thừa cân, béo phì thường khó nhận biết ngay, nhưng không thể xem nhẹ. Khi trẻ béo phì chẳng may mắc những bệnh lý như tiêu chảy, viêm phổi..., bệnh thường có xu hướng tiến triển nặng hơn, thời gian điều trị kéo dài.
Tại Bệnh viện Hữu nghị Việt - Đức đã từng phẫu thuật đặt vòng thắt dạ dày qua nội soi, giảm béo cho nữ bệnh nhân H.P.L. (16 tuổi ở Hà Nội) cao 1m58, nhưng nặng tới 90kg. Do thay đổi lối sống, ăn nhiều đồ ăn nhanh, nên 4 năm trở lại đây, L. bị béo phì. Bác sĩ Bùi Thanh Phúc, Trung tâm Phẫu thuật nội soi (Bệnh viện Hữu nghị Việt - Đức) cho biết, béo phì là mối đe dọa làm giảm tuổi thọ và kéo theo một loạt hệ lụy về các bệnh khác, như: Cao huyết áp, nhồi máu cơ tim, ung thư…
Trong khi đó, chị Vũ Thanh Hằng (phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân) cho hay, từng cho con gái 11 tuổi ăn nhiều thịt để tăng đề kháng trong thời gian con phải ở nhà để phòng dịch. Tuy vậy, đến gần đây, gia đình đã nhận ra mối nguy hại của việc ăn quá nhiều thịt nên đã điều chỉnh.
Cách hạn chế béo phì
Trẻ cần chế độ sinh hoạt, dinh dưỡng tốt để thực hiện mục tiêu vừa phòng dịch Covid-19, vừa phòng thừa cân, béo phì. Trong ảnh: Bác sĩ Bệnh viện Đa khoa Thu Cúc kiểm tra chiều cao, cân nặng cho trẻ.
Theo những nghiên cứu và phân tích tại 10 quốc gia ở châu Á, châu Âu, Bắc Mỹ và Nam Mỹ, béo phì có thể làm gia tăng nguy cơ mắc và tiên lượng nặng khi mắc Covid-19. Chính vì vậy, trong thời gian trẻ nghỉ ở nhà phòng dịch, phụ huynh càng cần lưu ý và quan tâm sát sao chế độ ăn uống, vận động của con, tránh nạp năng lượng quá mức.
GS.TS Lê Danh Tuyên, Viện trưởng Viện Dinh dưỡng quốc gia khuyến cáo, bữa ăn cho trẻ cần đầy đủ vi chất, chất khoáng để phát triển toàn diện, tránh thừa cân, béo phì. Với những trẻ béo nên ăn thịt nạc luộc, hấp, nướng thay cho chiên, quay, xào, thay sữa béo bằng sữa ít béo hoặc các sữa ít năng lượng, hạn chế ăn lục phủ ngũ tạng động vật. Ngoài ra, giảm bớt số lượng tinh bột trong ngày, hạn chế đồ ngọt…
Còn theo PGS.TS Bùi Thị Nhung, Trưởng khoa Dinh dưỡng học đường và ngành nghề (Viện Dinh dưỡng quốc gia), nhóm rau quả cung cấp vitamin, khoáng chất, chất xơ giúp cơ thể trẻ phát triển, nâng cao sức đề kháng chống lại bệnh tật. Do đó, cần tập cho trẻ ăn rau quả ngay từ khi còn nhỏ, với cách chế biến phù hợp. Riêng những trẻ thừa cân, béo phì nên hạn chế các loại quả ngọt và nhiều năng lượng, như: Chuối, xoài, mít, vải… Đặc biệt, thời gian nghỉ ở nhà phòng dịch, phụ huynh nên hướng dẫn trẻ làm các công việc nhà để tăng cường vận động, như: Lau dọn nhà cửa, bưng bê đồ đạc nhẹ nhàng..., hạn chế ngồi một chỗ trong thời gian dài.
Theo hanoimoi.com.vn
Liên kết website
Ý kiến ()