Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 12/01/2025 22:01 (GMT +7)
Phòng tránh đột quỵ
Thứ 5, 08/07/2021 | 12:17:08 [GMT +7] A A
Nước ta nằm trong khu vực nhiệt đới gió mùa, sự thay đổi thời tiết thường xuyên dễ ảnh hưởng xấu đến sức khỏe con người. Đặc biệt, khi thời tiết trở lạnh đột ngột hay nắng nóng gay gắt, nếu hệ thống mạch máu của cơ thể không khỏe mạnh, nguy cơ cao xảy ra tai biến, đột quỵ, nhất là đối với người cao tuổi.
Theo thống kê của Bộ Y tế, mỗi năm nước ta có khoảng 200.000 trường hợp đột quỵ, trong đó có tới 50% tử vong. Trong số 50% bệnh nhân tai biến mạch máu não còn sống, có tới 92% bệnh nhân mắc di chứng về vận động...
Tại Quảng Ninh, 6 tháng đầu năm nay, riêng Khoa Nội tim mạch (Bệnh viện Đa khoa tỉnh) đã tiếp nhận điều trị cho 252 bệnh nhân đột quỵ, phần lớn người bệnh nhập viện vào thời điểm tháng 1, 3, 6 (thời điểm thời tiết khắc nghiệt và có sự thay đổi lớn).
Theo các chuyên gia y tế, đột quỵ hay còn gọi là tai biến mạch máu não, có thể xảy ra bất cứ thời điểm nào; tuổi càng cao, nguy cơ bị đột quỵ càng cao. Đột quỵ là tình trạng não bộ bị tổn thương nghiêm trọng do mạch máu não bị tắc nghẽn, bị vỡ, gây gián đoạn việc vận chuyển máu để nuôi dưỡng não bộ. Khi người có những biểu hiện yếu nửa người, nói ngọng hoặc không nói được, tê bì hoặc liệt nửa mặt, nửa người, nhìn không rõ, đau đầu dữ dội, nôn mửa, thở dồn dập, có cơn ngừng thở ngắn hoặc hôn mê... thì rất có thể đó là dấu hiệu của cơn đột quỵ não, bệnh nhân cần được chẩn đoán, cấp cứu càng sớm càng tốt để bảo đảm “thời gian vàng”, nhằm giảm thiểu những nguy hiểm cận kề có thể xảy ra.
Thời gian qua, ngành Y tế Quảng Ninh đã tiếp nhận, chuyển giao nhiều kỹ thuật mới, chuyên sâu của tuyến trung ương để phục vụ nhu cầu của người dân ngay tại địa phương. Đội ngũ y, bác sĩ của tỉnh từng bước làm chủ kỹ thuật tiên tiến trong điện quang can thiệp mạch chuyên sâu, như can thiệp nút túi phình động mạch não, đặt stent đảo hướng dòng chảy trong điều trị túi phình động mạch não, lấy huyết khối mạch não cơ học trong điều trị nhồi máu não… Gần đây, Bệnh viện Đa khoa tỉnh đã tiếp nhận, phối hợp điều trị thành công nhiều trường hợp đột quỵ nặng, như tắc động mạch não, vỡ phình động mạch não. Nhiều ca được xử trí thành công, bệnh nhân phục hồi tốt, không bị di chứng nặng nề…
Để nâng cao nghiệp vụ, đội ngũ y, bác sĩ từ trung ương, tỉnh đến tuyến huyện thường xuyên trao đổi kinh nghiệm, kỹ năng nghiệp vụ, trong đó cos khâu chẩn đoán, xử lý nhanh đối với bệnh nhân đột quỵ. Bệnh viện Đa khoa tỉnh hiện duy trì hoạt động của 2 nhóm (Đột quỵ Quảng Ninh và Tim mạch Quảng Ninh) với trên 230 thành viên là y, bác sĩ từ tuyến huyện, tỉnh và trung ương. Các nhóm thường xuyên trao đổi thông tin, đặc biệt khi tại các đơn vị y tế tiếp nhận bệnh nhân đột quỵ, thành viên nhóm nhanh chóng sơ cứu, chẩn đoán và đưa thông tin, hình ảnh lên nhóm để cùng nhận định, thống nhất các bước xử trí nhanh chóng, đảm bảo “thời gian vàng” cho bệnh nhân đột quỵ. Theo đánh giá của các thành viên nhóm, thông qua việc trao đổi thông tin, chia sẻ kinh nghiệm thường xuyên, năng lực, trình độ của y, bác sĩ ngày càng được nâng cao, qua đó góp phần kịp thời can thiệp thành công nhiều bệnh nhân đột quỵ.
Chị Đinh Thị Nhan, người nhà bệnh nhân Lý Thị Tần (87 tuổi, xã Đông Xá, huyện Vân Đồn) - nhập, điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh từ ngày 4/7, cho biết: Khi mẹ tôi có biểu hiện khó thở, nói ngọng, gia đình đã nhanh chóng đưa bà đến Bệnh viện. Tại đây, bác sĩ đã khẩn trương chẩn đoán và thực hiện phác đồ điều trị đột quỵ. Nhờ can thiệp kịp thời, đến nay, sức khoẻ bà đã tiến triển tốt.
Theo bác sĩ Nguyễn Thị Thoa, Trưởng Khoa Nội tim mạch (Bệnh viện Đa khoa tỉnh): Để phòng tránh nguy cơ tai biến, đột quỵ, mỗi người dân cần trang bị kiến thức để phòng bệnh một cách chủ động. Trong đó, lưu ý lối sống lành mạnh; tập thể dục, vận động vừa sức, đều đặn, phù hợp với tình hình sức khỏe mỗi người; kiểm tra sức khỏe định kỳ, thường xuyên, điều trị các bệnh lý đi kèm như tăng huyết áp, đái tháo đường, rối loạn lipid máu, các bệnh lý tim mạch khác như rung nhĩ, bệnh van tim… Mọi người nên thực hiện chế độ ăn đủ chất, cân bằng chế độ dinh dưỡng, không ăn nhiều mỡ, đường, bột; ăn nhiều rau, củ, trái cây. Để phòng tránh nguy cơ đột quỵ, mỗi người cần xây dựng chế độ sinh hoạt khoa học, tránh sử dụng rượu bia, chất kích thích, nhất là người đã có tiền sử cao huyết áp, tiểu đường, béo phì, tim mạch… Đồng thời, cần kiểm tra sức khỏe định kỳ để sớm phát hiện các yếu tố gây đột quỵ và chủ động can thiệp nhằm phòng tránh hiệu quả.
Bên cạnh sự chủ động của mỗi người trong nâng cao sức khỏe, đột quỵ là bệnh cần tuân thủ nghiêm ngặt “thời gian vàng” cấp cứu trong 3 tiếng đồng hồ đầu sau tai biến mạch máu não. Vì vậy, khi xuất hiện các triệu chứng, người nhà bệnh nhân cần nhanh chóng gọi cấp cứu 115, đưa người bệnh đến bệnh viện có điều trị đột quỵ gần nhất.
Nguyễn Huế
Liên kết website
Ý kiến ()