Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 12/01/2025 22:10 (GMT +7)
Phong phú các sản phẩm sáng tạo của học sinh
Thứ 2, 11/09/2023 | 16:14:54 [GMT +7] A A
Với mục đích giúp các em học sinh trau dồi kiến thức, rèn luyện kỹ năng sáng tạo, xây dựng ước mơ thành nhà sáng chế trong tương lai, Cuộc thi Sáng tạo thanh thiếu niên, nhi đồng tỉnh Quảng Ninh lần thứ VIII năm 2023 đã thu hút được nhiều mô hình sản phẩm chất lượng.
Được phát động từ tháng 2/2023, Cuộc thi Sáng tạo thanh thiếu niên, nhi đồng cấp địa phương đã có 9/13 huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh tổ chức thành công với 487 mô hình, sản phẩm tham dự. Trong đó, có 249 mô hình, sản phẩm đoạt giải, gồm: 13 giải nhất, 42 giải nhì, 68 giải ba và 126 giải khuyến khích. Các địa phương trong tỉnh đã tích cực gửi các mô hình, sản phẩm tham dự Cuộc thi Sáng tạo thanh thiếu niên, nhi đồng tỉnh Quảng Ninh lần thứ VIII năm 2023.
Ban Tổ chức Cuộc thi cấp tỉnh đã tiếp nhận 170 mô hình, sản phẩm dự thi từ các địa phương trong tỉnh. Qua vòng sơ khảo, có 168 mô hình sản phẩm đủ điều kiện vào vòng chung khảo ở 5 lĩnh vực bao gồm: Sản phẩm thân thiện với môi trường có 31 mô hình, sản phẩm; các giải pháp kỹ thuật nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường và phát triển kinh tế có 33 mô hình, sản phẩm; công nghệ thông tin và điện tử viễn thông có 41 mô hình, sản phẩm; đồ dùng dành cho học tập có 34 mô hình, sản phẩm; các dụng cụ sinh hoạt gia đình, đồ chơi trẻ em có 31 mô hình, sản phẩm.
Để có cơ sở chấm điểm cho các sản phẩm, mô hình dự thi, Ban Tổ chức đã tiến hành phỏng vấn, đánh giá trực tiếp 44 tác giả, nhóm tác giả để làm rõ những vấn đề liên quan đến tính mới, tính sáng tạo và khả năng áp dụng vào thực tiễn.
Theo đánh giá sơ bộ, cuộc thi năm nay nhận được nhiều mô hình, sản phẩm có sự đầu tư khá công phu và rất đa dạng, có hàm lượng nghiên cứu cao, sau khi hoàn thiện có thể ứng dụng vào thực tiễn đời sống cũng như phục vụ học tập, sinh hoạt.
Các đơn vị dự thi đã có sự chuẩn bị rất kỹ lưỡng cho sản phẩm của mình. Có nhiều mô hình sản phẩm của học sinh tại các địa bàn khó khăn, miền núi, hải đảo được đánh giá khá cao. Trong đó có đề tài “Bảng tuần hoàn các nguyên tố hóa học điện tử thông minh” của tác giả Nguyễn Như Ngọc, Trường THCS Dực Yên, huyện Đầm Hà, tỉnh Quảng Ninh.
Tác giả Nguyễn Như Ngọc cho biết: Sản phẩm được sáng tạo hoàn thiện với mục đích góp phần giúp học sinh dễ nhớ, dễ đọc tên các nguyên tố hoá học theo danh pháp quốc tế, vì hiện nay, hầu hết các bảng tuần hoàn hóa học là bảng tuần hoàn giấy, không hỗ trợ đọc tên, không đáp ứng được nhu cầu dạy học mới của Chương trình GDPT 2018 khi tên gọi các nguyên tử, nguyên tố, hợp chất, ô xít, axít, ba zơ, muối… sẽ được đọc bằng tiếng Anh theo danh pháp IUPAC (International Union of Pure and Applied Chemistry - Liên minh Quốc tế về hóa học thuần túy và hóa học ứng dụng). "Bảng tuần hoàn các nguyên tố hóa học điện tử thông minh" sẽ giúp giải quyết vấn đề này.
Hay sản phẩm “Sử dụng năng lượng gió để tạo ra dòng điện từ quả cầu thông gió trong gia đình” của nhóm tác giả trường THCS Trới (TP Hạ Long) cũng có tính thực tiễn rất cao. Mục đích của sản phẩm là tận dụng được quả cầu gió trong mỗi gia đình tạo ra dòng điện đưa vào sử dụng của các hộ dân, cơ quan, đảm bảo vệ sinh môi trường trong quá trình vận hành, có tính ứng dụng cao. Tùy thuộc vào nguồn gió, một hệ thống năng lượng gió quy mô nhỏ có thể làm giảm hóa đơn tiền điện từ 20% đến 30%, giúp giảm chi phí, không gặp khó khăn khi bị cúp điện và không gây ô nhiễm.
Ngoài ra còn rất nhiều sản phẩm được Ban Tổ chức đánh giá cao về tính tư duy sáng tạo và khả năng áp dụng vào thực tiễn. Dự kiến, Ban Tổ chức cuộc thi sẽ hoàn tất khâu chấm điểm và công bố danh sách mô hình, sản phẩm đoạt giải vào quý IV năm nay.
Hoài Minh
Liên kết website
Ý kiến ()