Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 12/01/2025 17:40 (GMT +7)
Phòng ngừa tội phạm và vi phạm pháp luật trong thanh thiếu niên
Thứ 5, 21/11/2024 | 10:02:07 [GMT +7] A A
Những năm gần đây, tình trạng thanh thiếu niên (TTN) vi phạm pháp luật trở thành mối quan tâm của toàn xã hội, đặt ra nhiều thách thức trong công tác quản lý.
Theo thống kê của cơ quan chức năng, giai đoạn 2020-2023 có 3.802 bị can là TTN, chiếm 38,4% tổng số bị can. Trong đó độ tuổi từ dưới 18 tuổi là 526 người (chiếm 5,3%); từ 18 đến 30 tuổi là 3.276 người (chiếm 33%); nam giới chiếm 92,4%; học sinh, sinh viên chiếm 5,7%; công nhân chiếm 5,4%; lao động tự do chiếm 84,2%; tỷ lệ nhỏ là cán bộ, nhân viên văn phòng, không nghề nghiệp.
Các tội danh bị khởi tố chủ yếu tội phạm về trật tự an toàn xã hội (1.884 đối tượng, chiếm 49,6% là TTN); các hành vi chủ yếu là cố ý gây thương tích, gây rối trật tự công cộng, trộm cắp tài sản; tội phạm xâm hại tình dục như hiếp dâm, hiếp dâm trẻ em, giao cấu với người dưới 16 tuổi, cướp tài sản, cướp giật tài sản, giết người…
Tình hình tội phạm, vi phạm pháp luật về ma túy trong TTN gia tăng, số người phạm tội về ma túy trong độ tuổi TTN vẫn còn nhiều, chủ yếu là các vụ phạm tội mua bán, tàng trữ, tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy; đáng chú ý phát hiện các đối tượng là học sinh THPT phạm tội, vi phạm pháp luật về ma túy. Tình hình người nghiện, người sử dụng trái phép chất ma túy trong TTN nói riêng, trên địa bàn nói chung, tiếp tục tiềm ẩn nguy cơ diễn biến phức tạp. Theo thống kê, tình hình TTN vi phạm pháp luật về ma túy trong 6 tháng đầu năm 2024 tăng 11,4% so với cùng kỳ năm 2023. Trong tổng số 2.051 người nghiện có hồ sơ quản lý thì tỷ lệ TTN chiếm 24,7%.
Thời gian qua các ngành, tổ chức chính trị - xã hội, địa phương trong tỉnh tiếp tục nâng cao trách nhiệm và phối hợp chặt chẽ phòng ngừa vi phạm pháp luật trong TTN; tăng cường quản lý, giáo dục đối tượng vi phạm pháp luật hoặc có nguy cơ vi phạm pháp luật tại gia đình và cộng đồng dân cư. Đồng thời tổ chức các hoạt động phòng ngừa, đảm bảo an sinh xã hội, khắc phục các nguyên nhân, điều kiện phát sinh tội phạm. Các cấp, ngành đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật, đạo đức, lối sống cho thanh thiếu niên; phương thức, thủ đoạn hoạt động của các loại tội phạm; tình hình vi phạm pháp luật trong thanh thiếu niên. Từ đó, nâng cao nhận thức, ý thức tránh xa các tệ nạn xã hội; xây dựng, phát huy hiệu quả mô hình phòng, chống vi phạm pháp luật và tội phạm trên địa bàn...
Trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ từng ngành, đơn vị, các lực lượng có sự triển khai, phối hợp đồng bộ, tạo chuyển biến tích cực. Trong đó, lực lượng công an tăng cường nắm, dự báo tình hình để chủ động mở các đợt cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm, loại bỏ dần các nguyên nhân, điều kiện dẫn đến vi phạm pháp luật, làm sạch địa bàn, tạo môi trường lành mạnh để TTN phát triển; phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, đơn vị triển khai hiệu quả công tác tuyên truyền, giáo dục phòng ngừa tội phạm và phòng, chống vi phạm pháp luật trong TTN.
Tỉnh Đoàn bám sát quan điểm chỉ đạo, sáng tạo trong hoạt động; đồng hành, dẫn dắt, phát huy lớp thanh niên tiên tiến, chủ động, tự tin hội nhập; đoàn kết, tập hợp, chăm lo cho các đối tượng thanh niên, nhất là thanh niên yếu thế; đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, giáo dục phòng chống tội phạm, vi phạm pháp luật, tệ nạn xã hội, phòng chống ma túy trong TTN. BTV Tỉnh Đoàn xây dựng kế hoạch “Đoàn thanh niên tham gia phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật; phòng, chống ma túy trong thanh niên, học sinh, sinh viên giai đoạn 2024-2030” với nội dung, giải pháp, mô hình cụ thể giáo dục đạo đức, lối sống, giáo dục pháp luật, phòng chống tội phạm, tệ nạn xã hội cho TTN.
Ngành GD&ĐT tỉnh thường xuyên quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo các cơ sở giáo dục tăng cường triển khai công tác phòng chống tội phạm, vi phạm pháp luật; tệ nạn xã hội trong học sinh; đẩy mạnh tuyên truyền qua các hoạt động ngoại khóa, lồng ghép giáo dục chính khóa; ký cam kết giữa nhà trường với gia đình, với học sinh không vi phạm pháp luật; đồng thời gắn trách nhiệm của người đứng đầu tập thể với việc chấp hành pháp luật của đội ngũ cán bộ, giáo viên và TTN trong nhà trường; phối hợp chặt chẽ với lực lượng công an, cơ quan chức năng tiếp nhận thông tin, thông báo và xử lý kịp thời những trường hợp vi phạm pháp luật; đẩy mạnh phối hợp giữa gia đình - nhà trường - xã hội trong quản lý và giáo dục học sinh. Trên cơ sở đó, thông tin kịp thời những trường hợp học sinh, học viên vi phạm để gia đình phối hợp có biện pháp quản lý, giáo dục, không để học sinh tái phạm, góp phần định hướng tư tưởng, tu dưỡng đạo đức, phẩm chất, nâng cao nhận thức và kỹ năng để phòng ngừa từ xa, từ sớm và tránh bị dụ dỗ, sa ngã vào các tệ nạn xã hội, hành vi vi phạm pháp luật.
Với sự vào cuộc quyết liệt của các cấp, ngành, triển khai đồng bộ các giải pháp, tạo chuyển biến trong nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật cho TTN, góp phần ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật, đảm bảo trật tự ATXH trên địa bàn.
Trần Thanh
Liên kết website
Ý kiến ()