Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 12/01/2025 17:52 (GMT +7)
Phòng ngừa cháy nổ từ sớm, từ xa
Thứ 2, 15/08/2022 | 10:23:10 [GMT +7] A A
Quảng Ninh có tốc độ đô thị hoá nhanh chóng, đặc biệt là ở các đô thị lớn như: Hạ Long, Móng Cái, Cẩm Phả, Uông Bí; có nhiều chung cư, cơ sở sản xuất, kinh doanh… Bên cạnh những thuận lợi cho phát triển KT-XH cũng tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ, nhất là thời điểm nắng nóng kéo dài.
Từ đầu năm 2022 đến nay, trên cả nước liên tiếp xảy ra các vụ cháy, tai nạn, sự cố gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản. Gần đây ngày 24/7, cháy tại căn nhà trên đường DJ Khu công nghiệp Mỹ Phước 3 (phường Thới Hoà, TX Bến Cái, tỉnh Bình Dương) làm 6 người thiệt mạng; ngày 1/8 vụ cháy tại số nhà 231 phố Quan Hoa (quận Cầu Giấy, TP Hà Nội) gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng làm 3 cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát PCCC&CNCH Công an TP Hà Nội hy sinh… Cũng theo thống kê của cơ quan chức năng, từ đầu năm 2022 đến nay, trên địa bàn Quảng Ninh xảy ra 19 vụ cháy làm 1 người chết, thiệt hại về tài sản ước tính trên 16 tỷ đồng.
Điều đáng nói là công tác PCCC vẫn còn nhiều “lỗ hổng”, còn tình trạng một số chủ đầu tư, cơ sở kinh doanh không chấp hành những quy định về PCCC; còn những công trình, cơ sở chưa đáp ứng, trang bị đầy đủ các yêu cầu về an toàn PCCC. Không ít công trình chỉ sau khi xảy ra sự cố cháy nổ mới phát hiện ra những bất cập, thiếu sót, vi phạm về PCCC...
Để chủ động PCCC, thời gian qua, tỉnh đã chỉ đạo các đơn vị, địa phương tăng cường hơn nữa các giải pháp với phương châm “từ xa, từ sớm và từ các cơ sở”. Các địa phương, đơn vị đã chủ động lồng ghép trong các hoạt động để tuyên truyền, vận động người dân, mỗi cơ sở sản xuất kinh doanh... nâng cao ý thức trong PCCC. Công an các địa phương cũng tăng cường kiểm tra, xử lý sai phạm và tham mưu ban chỉ đạo PCCC địa phương ban hành các văn bản chỉ đạo với những giải pháp cụ thể trong công tác PCCC&CNCH. Cùng với đó, các địa phương, đơn vị cũng thành lập nhiều mô hình về PCCC, như: Khu dân cư an toàn PCCC; Tổ liên gia an toàn PCCC; các câu lạc bộ PCCC… nhằm huy động sức mạnh toàn dân tham gia PCCC. Trong đó, tập trung ở những địa bàn có nhiều hộ kinh doanh, nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ và dự báo thiệt hại nặng nề nếu có cháy nổ xảy ra.
Thông qua các mô hình đã và đang góp phần nâng cao nhận thức và ý thức người đứng đầu cơ sở, các gia đình, chủ cơ sở sản xuất, kinh doanh và người dân về pháp luật và kiến thức, kỹ năng PCCC. Qua đó, cũng duy trì nền nếp việc thực hiện các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia và các điều kiện đảm bảo an toàn PCCC đối với nhà ở hộ gia đình, nhà để ở kết hợp sản xuất, kinh doanh; chủ động hơn trong công tác phòng ngừa, không để xảy ra cháy, nổ và sẵn sàng lực lượng, phương tiện, phương án để xử lý tình huống.
Cùng với công an các địa phương, 6 tháng năm 2022, Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH Công an tỉnh cũng tăng cường kiểm tra và đã xử phạt 61 trường hợp vi phạm về PCCC, phạt tiền trên 900 triệu đồng, đình chỉ 10 trường hợp không khắc phục sai phạm. Đồng thời, tham mưu các địa phương, đơn vị triển khai tốt công tác quản lý nhà nước đối với các cơ sở; phối hợp với Sở Xây dựng, Ban Quản lý các khu kinh tế, UBND các địa phương siết chặt công tác quản lý xây dựng...
Từ kết quả kiểm tra công tác PCCC của cơ quan chức năng, đầu năm 2022 đến nay, UBND tỉnh đã ban hành nhiều quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với các cơ sở, công trình có sai phạm về PCCC, như: Công trình chung cư kết hợp trung tâm thương mại, dịch vụ văn phòng (Ramada Hạ Long); công trình khách sạn SOL Hạ Long (phường Bãi Cháy, TP Hạ Long); công trình kho tơ thuộc Công ty TNHH Ngân Long (TP Móng Cái) và một số công trình ở chợ truyền thống thuộc quản lý của UBND một số địa phương.
Đồng thời, UBND tỉnh cũng thường xuyên chỉ đạo về tăng cường công tác PCCC&CNCH, trong đó, yêu cầu các đơn vị, địa phương thường xuyên chỉ đạo tổ chức kiểm tra, rà soát đối với các cơ sở có nguy cơ cháy nổ cao; tăng cường huấn luyện nâng cao kỹ năng, nghiệp vụ cho lực lượng chức năng về công tác chữa cháy, CNCH.
Chính quyền cơ sở, lực lượng chức năng, nhất là cảnh sát PCCC &CNCH đề cao hơn nữa vai trò, trách nhiệm, thực hiện nghiêm công tác quản lý nhà nước về PCCC; thực hiện tốt nhiệm vụ tuyên truyền, trong đó kiên trì truyền thông pháp luật, kiến thức về PCCC để chủ cơ sở, người lao động thấm nhuần ý thức về sự nguy hiểm của cháy nổ, từ đó tự giác thực hiện; hướng dẫn kiến thức, kỹ năng phòng ngừa, thoát nạn cho người dân khi có cháy xảy ra. Đi kèm với đó là tăng cường kiểm tra, thường xuyên rà soát về an toàn phòng cháy; nếu phát hiện vi phạm phải kiên quyết xử lý rút giấy phép kinh doanh, đình chỉ hoạt động đối với các cơ sở...
Có thể thấy, trong công tác PCCC, yêu cầu lớn nhất đó là thực hiện tốt phương châm “4 tại chỗ”. Nếu phương châm này được toàn dân chú trọng, thì công tác đảm bảo an toàn PCCC không còn là vấn đề khó. Thêm nữa, để phòng ngừa “bà hỏa” từ sớm, từ xa, mỗi người dân cần nâng cao ý thức, trách nhiệm trong đảm bảo an toàn PCCC và đặc biệt là coi trọng công tác phòng ngừa để bảo vệ tính mạng, tài sản của bản thân, gia đình và cộng đồng.
Nguyễn Huế
Liên kết website
Ý kiến ()