Sở Văn hoá và Thể thao Hà Nội, Sở Văn hoá và Thể thao TP.Hồ Chí Minh vừa công bố danh sách các nghệ sĩ có hồ sơ đủ điều kiện đề nghị xét tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân (NSND), Nghệ sĩ Ưu tú (NSƯT). Theo đó, Hội đồng xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT lần thứ 10 của Sở Văn hóa và Thể thao TP.Hồ Chí Minh vừa thông qua hồ sơ đề nghị xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT cho 87 cá nhân.
Sở Văn hóa và Thể thao cũng đã đăng công khai danh sách cá nhân đủ điều kiện và chưa đủ điều kiện, tiếp nhận ý kiến phản hồi gửi về Sở trước ngày 14.7. Đối với danh hiệu NSND, có 29 cá nhân, trong đó 22 cá nhân đủ điều kiện đề xuất lên Hội đồng cấp thành phố, gồm các nghệ sĩ. Đối với danh hiệu NSƯT, có 58 cá nhân gửi hồ sơ xét tặng, có 32 trường hợp đủ điều kiện
Tại Hà Nội, Sở Văn hoá và Thể thao Hà Nội cũng đã công bố kết quả xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT cấp cơ sở lần thứ 10 năm 2021. Trong đó, 10 nghệ sĩ đủ điều kiện để Hội đồng cấp cơ sở gửi hồ sơ đề nghị xét tặng danh hiệu NSƯT. Có 8 nghệ sĩ đạt 100% số phiếu đồng ý, đủ điều kiện để gửi hồ sơ đề nghị xét tặng danh hiệu NSND lên cấp bộ.
Theo ông Trần Thế Cương, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội, trước đây, việc xét hồ sơ đề nghị xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT theo Nghị định 89/NĐ-CP yêu cầu số phiếu phải đạt tới 90% tổng số thành viên đồng ý mới được hoàn thiện và chuyển tiếp. Tiêu chí này từng gây ra nhiều tranh cãi khi không ít nghệ sĩ kỳ cựu, có nhiều cống hiến cho nghệ thuật, được khán giả yêu mến cũng bị trượt danh hiệu.
Theo Nghị định sửa đổi, các hồ sơ đề nghị xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT tú đạt từ 80% phiếu đồng ý của tổng số thành viên hội đồng có mặt tại cuộc họp lấy ý kiến là có thể được hoàn thiện và chuyển lên hội đồng cấp cao hơn. Đây chính là điểm mới nổi bật trong nghị định này.
Xét duyệt đúng đối tượng
Trao đổi với Báo Lao Động, ông Phùng Huy Cẩn, Vụ trưởng Vụ Thi đua khen thưởng (Bộ VHTTDL) cho biết, việc sửa đổi và bổ sung Nghị định 40/2021/NĐ-CP quy định về xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT có hiệu lực bắt đầu từ ngày 15.5.2021 được căn cứ dựa theo những ý kiến góp ý trước đó để có thể đảm bảo tính chính xác, khách quan trong công tác xét tặng, tôn vinh đúng và chuẩn tài năng, sự cống hiến của các nghệ sĩ đối với lĩnh vực nghệ thuật nước nhà.
“Trách nhiệm của người làm quản lý là đánh giá, cân nhắc ý kiến của số đông, lắng nghe tâm tư của nghệ sĩ để có những điều chỉnh sao cho phù hợp ở mỗi thời điểm xét tặng giải thưởng. Khi cuộc sống ngày một phát triển, Nghị định tự theo dòng chảy mà “lão hoá” và dần bộc lộ những điểm không còn thích hợp thì việc sửa đổi, bổ sung là điều tất yếu.
Với Nghị định 40/2021/NĐ-CP cũng sẽ khác đôi chút khi số phiếu bầu thông qua sẽ giảm tỉ lệ phần trăm phiếu đồng ý của hội đồng từ 90% xuống 80%. Cũng theo điều 8 khoản 4c của Nghị định 40/2021 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 89/2014 quy định về xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT cho phép xét duyệt đối với những trường hợp đặc biệt, ví dụ nghệ sĩ có quá trình cống hiến lâu năm và có tài năng nghệ thuật xuất sắc nhưng thiếu giải thưởng vẫn có thể xét phong tặng.
Cũng đồng xét tặng đối với các nghệ sĩ cao tuổi theo quy định tại điều 2 luật Người cao tuổi, có nhiều đóng góp trong lĩnh vực nghệ thuật... Bên cạnh đó, việc xét tặng danh hiệu lần này sẽ không có “quota” (không tính số lượng) nhằm khuyến khích và ghi nhận những đóng góp của các nghệ sĩ một cách xứng đáng”.
NSƯT Thanh Loan, Nhà hát Chèo Hà Nội bày tỏ ý kiến, những người làm hồ sơ ngay từ những bước đầu tiên là những người hiểu và đánh giá khách quan nhất hồ sơ của những nghệ sĩ được xét duyệt. NSƯT Thanh Loan cho biết, tại Nhà hát Chèo Hà Nội, lần này, phòng nghệ thuật xét duyệt rất khắt khe và chuẩn chỉ để đánh giá đúng thực lực, danh hiệu dành cho các nghệ sĩ.
Giám đốc Sở Văn hoá và Thể thao Hà Nội Trần Thế Cương cho biết thêm, việc xét chọn nhằm tôn vinh những cá nhân hoạt động nghệ thuật tại các đơn vị nghệ thuật cấp cơ sở, cá nhân hoạt động nghệ thuật tự do, có đủ phẩm chất đạo đức, có tài năng nghề nghiệp xuất sắc, tiêu biểu cho sự nghiệp bảo vệ và phát huy giá trị văn hóa nghệ thuật trên địa bàn thành phố, ở các lĩnh vực.
Dự kiến, Hội đồng cấp Nhà nước sẽ triển khai công tác xét tặng vào cuối tháng 11 và hoàn thiện hồ sơ trình Chủ tịch nước tặng danh hiệu NSND, NSƯT lần thứ 10 vào cuối tháng 12 năm nay.
Danh sách đề nghị phong tặng NSƯT, NSND tại TPHCM và Hà Nội
l Hội đồng xét tặng danh hiệu “Nghệ sĩ Nhân dân” (NSND), “Nghệ sĩ Ưu tú” (NSƯT) lần thứ 10 của Sở VHTT TPHCM thông qua hồ sơ đề nghị xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT cho 87 cá nhân.Theo đó, đối với danh hiệu NSND, có 29 cá nhân, trong đó 22 cá nhân đủ điều kiện đề xuất lên Hội đồng cấp Thành phố, gồm các nghệ sĩ: NSƯT Trịnh Kim Chi (diễn viên kịch, Hội Sân khấu TP), NSƯT Nguyễn Kim Dung (diễn viên Hát Bội, hoạt động nghệ thuật tự do), NSƯT Nguyễn Thanh Điền (diễn viên cải lương, hoạt động nghệ thuật tự do), NSƯT Bùi Xuân Hanh (diễn viên, biên đạo múa, hoạt động nghệ thuật tự do), NSƯT Lại Thế Hiển (nhạc sĩ, diễn viên hát, hoạt động nghệ thuật tự do), NSƯT Bùi Thị Huệ (Thanh Kim Huệ, diễn viên cải lương, hoạt động nghệ thuật tự do), NSƯT Nguyễn Thị Ngọc Khanh (diễn viên Hát Bội, Hội Sân khấu TP), NSƯT Nguyễn Hữu Quốc (tác giả, đạo diễn, diễn viên, hoạt động nghệ thuật tự do), NSƯT Nguyễn Thị Thanh Thúy (diễn viên hát, đạo diễn, Phó Giám đốc Sở VHTT TPHCM), NSƯT Nguyễn Ngọc Quế Trân (diễn viên cải lương, hoạt động nghệ thuật tự do), NSƯT Đặng Thụy Mỹ Uyên (diễn viên kịch, Nhà hát Kịch Sân khấu Nhỏ),…
Trong số 58 cá nhân gửi hồ sơ xét tặng danh hiệu NSƯT, có 32 trường hợp đủ điều kiện, có các nghệ sĩ như: Lê Ngọc Bình (Quý Bình, diễn viên, Nhà hát Kịch Sân khấu Nhỏ), Nguyễn Vi Cường (Huy Cường, diễn viên kịch - điện ảnh, hoạt động nghệ thuật tự do), Phạm Huỳnh Đông (diễn viên, đạo diễn, hoạt động nghệ thuật tự do), Trương Hùng Minh (Minh Nhí, diễn viên, Sân khấu Kịch Hồng Vân), Bùi Đại Nghĩa (diễn viên kịch nói, Công ty TNHH Sân khấu Nghệ thuật Thái Dương - IDECAF),…
l Sở VHTT Hà Nội cũng mới công bố danh sách 10 cá nhân đề nghị phong tặng NSƯT, NSND. Theo đó, Hà Nội có 8 nghệ sĩ được đề nghị tặng danh hiệu NSND lên cấp Bộ, gồm: NSƯT Bùi Xuân Hanh, NSƯT Trần Thị Mai Hương - diễn viên Nhà hát Chèo Hà Nội (nghỉ hưu); NSƯT Đỗ Văn Hiền - biên đạo múa, nghệ sĩ tự do; NSƯT Nguyễn Tất Ngọc - họa sĩ, nghệ sĩ tự do; NSƯT Nguyễn Đạt Tăng - hoạ sĩ thiết kế (tự do); NSƯT Nguyễn Huỳnh Tú - đạo diễn, chỉ đạo nghệ thuật Nhà hát Ca múa nhạc Thăng Long (nghỉ hưu), NSƯT Nguyễn Thanh Tùng - diễn viên Nhà hát Cải lương Hà Nội (nghỉ hưu) và Nguyễn Lê Văn - đạo diễn (nghỉ hưu).
10 nghệ sĩ được đề nghị xét tặng danh hiệu NSƯT, bao gồm: Nguyễn Lê Việt Anh - diễn viên, cộng tác viên Trung tâm Sản xuất phim truyền hình - Đài Truyền hình Việt Nam; Đỗ Thị Cử, Nguyễn Thị Minh Nguyệt, Nguyễn Kim Khánh - diễn viên Nhà hát Chèo Hà Nội (nghỉ hưu); Lê Thị Dung - diễn viên sân khấu điện ảnh (tự do); Phạm Anh Dũng - diễn viên Nhà hát Cải lương Hà Nội (nghỉ hưu); Lê Anh Dũng - nhạc sĩ, Hội Điện ảnh chi hội Đài Truyền hình; Nguyễn Văn Hải - diễn viên, chỉ đạo nghệ thuật kiêm Giám đốc sản xuất sân khấu Lệ Ngọc; Quách Thị Lan Phương - diễn viên (tự do) và Nguyễn Đình Tư - diễn viên Đoàn Cải lương Hoa Mai (Hà Tây cũ).
Ý kiến ()