Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 01/11/2024 13:28 (GMT +7)
Phòng chống tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống
Thứ 5, 25/08/2022 | 08:26:24 [GMT +7] A A
Trước đây, tảo hôn không phải là vấn đề xa lạ đối với bà con vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) trên địa bàn tỉnh. Hệ lụy của nó là gánh nặng kinh tế cho gia đình, sức khỏe sinh sản (SKSS) của chính những người mẹ trẻ; trẻ sinh ra cũng không được hưởng trọn vẹn quyền lợi của mình. Bởi vậy, Quảng Ninh đã tập trung nhiều giải pháp nhằm ngăn chặn tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống (HNCHT) trên địa bàn.
Toàn tỉnh hiện có 56 xã, thị trấn vùng DTTS với 163.000 người, cư trú rải rác ở trên 85% diện tích của tỉnh. Để thực hiện hiệu quả công tác phòng chống tảo hôn và HNCHT, đầu năm 2021, UBND tỉnh ban hành kế hoạch thực Đề án "Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và HNCHT trong vùng đồng bào DTTS giai đoạn 2021-2025” (giai đoạn II) trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh.
Trên cơ sở đó, các ngành, đơn vị, địa phương đã nỗ lực nhiều giải pháp thực hiện. Công tác tập huấn nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ tham gia thực hiện đề án được đẩy mạnh. Riêng 8 tháng đầu năm 2022, Ban Dân tộc tỉnh đã tổ chức 8 hội nghị tập huấn kỹ năng tuyên truyền, vận động thực hiện đề án với hơn 700 đại biểu là cán bộ xã, thôn, bản tham dự; tổ chức 6 hội nghị tuyên truyền, vận động thực hiện giảm thiểu tảo hôn và HNCHT với khoảng 500 đại biểu là bí thư, trưởng ban công tác mặt trận, trưởng các thôn, bản.
Cùng với đó, Ban Dân tộc tỉnh và các địa phương còn tích cực vận động, tuyên truyền nhằm ngăn ngừa tảo hôn và HNCHT diễn ra trên địa bàn, như: Tổ chức hội nghị tuyên truyền, vận động nâng cao nhận thức, ý thức tự giác chấp hành pháp luật về tảo hôn và HNCHT tại TP Hạ Long, huyện Vân Đồn, Ba Chẽ với 231 đại biểu; tổ chức 4 hội nghị trợ giúp pháp lý cho 240 đại biểu là người DTTS về hôn nhân gia đình trên địa bàn các xã Đồng Tâm, Đồng Văn (Bình Liêu) và xã Đồn Đạc, Nam Sơn (Ba Chẽ)...
Ban Dân tộc tỉnh còn cấp phát 1.530 cuốn sách, tài liệu; 240 sổ tay và hơn 10 tờ gấp có nội dung liên quan đến tảo hôn, HNCHT và các quy định của pháp luật về Luật Hôn nhân và gia đình cho các địa phương. Ngoài ra, việc tuyên truyền phòng chống tảo hôn và HNCHT còn được thực hiện trên hệ thống thông tin cơ sở, các cơ quan báo chí Trung ương và địa phương...
Cùng với đó, kiểm tra, giám sát triển khai thực hiện đề án cũng được đẩy mạnh. Qua kiểm tra cho thấy, các địa phương đã tích cực tuyên truyền cho công tác này, như tổ chức lồng ghép tuyên truyền 178 nhóm nhỏ tại các thôn, khu; 74 buổi tọa đàm các nội dung về nguyên nhân, hậu quả của HNCHT, Luật Hôn nhân và gia đình; chăm sóc SKSS, tìm hiểu pháp luật về hôn nhân và gia đình,... đưa các quy định Luật Hôn nhân và gia đình, nội dung chăm sóc SKSS, sức khỏe bà mẹ, trẻ em vào hương ước, quy ước của thôn, ấp, bản làng, tiêu chuẩn gia đình văn hóa...
Riêng Sở Y tế đã triển khai mô hình điểm về phòng ngừa tảo hôn và HNCHT tại các xã vùng DTTS và miền núi. Cán bộ tư pháp phối hợp cán bộ dân số trạm y tế tư vấn và giới thiệu các cặp đôi kết hôn trong năm các nội dung về tư vấn và khám sức khỏe tiền hôn nhân. Nhờ vậy tại các xã đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh không có hôn nhân cận huyết.
Tuy nhiên tại 56 xã vùng DTTS trên địa bàn vẫn còn tình trạng tảo hôn và sinh con trước độ tuổi. Cụ thể từ năm 2021, tại các xã này có 145 trường hợp phụ nữ sinh con trước độ tuổi kết hôn theo quy định chưa xác định cha đứa trẻ và 60 trường hợp tảo hôn.
Bởi vậy, để công tác phòng, chống tảo hôn và HNCHT đạt hiệu quả, thời gian tới cần sự phối hợp chặt chẽ hơn nữa của chính quyền địa phương, trong đó có phát huy tối đa trách nhiệm của cán bộ xã, vai trò các tổ chức đoàn thể ở thôn, bản và người uy tín trong việc truyên truyền, ngăn chặn nguy cơ tảo hôn; tăng cường kiểm tra cơ sở, kiến nghị việc xử lý nghiêm, đúng pháp luật những trường hợp cố tình vi phạm pháp luật, để xảy ra tình trạng tảo hôn và HNCHT.
Thu Nguyệt
Liên kết website
Ý kiến ()