Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 01/11/2024 13:37 (GMT +7)
Phòng, chống tảo hôn ở vùng dân tộc thiểu số
Thứ 3, 08/06/2021 | 06:09:10 [GMT +7] A A
Tiếp tục nâng cao nhận thức của bà con vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) trong thực hiện các quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình, cuối tháng 2/2021, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch thực hiện Đề án "Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng dân tộc thiểu số tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2021- 2025”.
Thôn Thìn Thủ, xã Quảng An (Đầm Hà) có 147 hộ dân. Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Thìn Thủ Triệu Văn Sáng cho biết: “Trước kia, tình trạng tảo hôn ở khu vực đồng bào DTTS trong thôn vẫn diễn ra. Tuy nhiên, với nhiều giải pháp mà tỉnh, huyện, xã triển khai, đến nay, tình trạng tảo hôn đã không còn”.
Các giải pháp trưởng thôn Triệu Văn Sáng nhắc đến chính là tập trung tuyên truyền, giáo dục pháp luật cho bà con, nhất là pháp luật về hôn nhân và gia đình; đồng thời vận động các hộ phát triển kinh tế, tạo việc làm cho người lao động. Huyện, xã, thôn luôn chủ động liên hệ với các nhà máy, xí nghiệp, các doanh nghiệp trên địa bàn để giới thiệu việc làm cho bà con. Cùng với đó, thôn vận động bà con vay vốn phát triển kinh tế gia đình. Năm 2019 và 2020, trên địa bàn thôn có 55 hộ vay với tổng số hơn 2 tỷ đồng để trồng rừng, chăn nuôi gia súc, gia cầm. Hiện trên địa bàn thôn có nhiều mô hình phát triển kinh tế cho thu nhập cao. Thôn còn chú trọng vận động các gia đình cho con em đi học, không bỏ học giữa chừng. Nhờ đó 100% trẻ trong độ tuổi ở thôn đều theo học tiểu học, THCS... Chính trong môi trường học tập, lao động sản xuất, được tiếp xúc, giao lưu nhiều nên nhận thức của bà con vùng DTTS ở thôn cũng chuyển biến rõ nét. Nhiều năm liền, trong thôn không có tình trạng tảo hôn.
Hiện Quảng Ninh có 56 xã và 48 thôn vùng dân tộc thiểu số. Không chỉ ở thôn Thìn Thủ mà rất nhiều thôn, bản vùng DTTS, công tác phòng, chống tảo hôn luôn được quan tâm.
Trước hết, các xã đều tập trung đầu tư phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân vùng DTTS; tăng cường thực hiện phổ cập giáo dục Tiểu học, THCS, THPT và việc phân luồng giáo dục... từ đó giúp bà con, thanh thiếu niên có cơ hội học nghề, tạo việc làm.
Cùng với đó, các ngành, địa phương chú trọng công tác tuyên truyền về phòng, chống tảo hôn. Để tác động mạnh đến bà con, đội ngũ người có uy tín vùng đồng bào DTTS được huy động triệt để. Bởi đây chủ yếu là các già làng, trưởng thôn, trưởng bản, trưởng dòng họ, dòng tộc, người làm nghề chữa bệnh, người có điều kiện kinh tế khá, nhiệt tình giúp đỡ đồng bào và được đồng bào tin tưởng. Bằng uy tín, sự từng trải và nắm chắc thực tiễn địa phương, trên cơ sở cùng ngôn ngữ và phong tục tập quán với đồng bào DTTS, họ đã chủ động trong công tác tuyên truyền, giáo dục từ con cháu trong gia đình, dòng họ đến đồng bào ở thôn, bản, khu phố về việc hôn nhân đúng độ tuổi.
Cùng với đó, Ban Dân tộc tỉnh đã chủ động biên soạn, in ấn, cấp phát tờ gấp, sách tuyên truyền; tổ chức hội nghị tập huấn kỹ năng vận động, tuyên truyền về Luật Hôn nhân và gia đình đối với cán bộ xã, thôn, về hệ lụy của tảo hôn, vùng đồng bào DTTS. Từ năm 2016 đến nay, Ban đã phối hợp tổ chức 6 diễn đàn “Học sinh DTTS nói không với tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống” tại các trường Phổ thông DTNT trên địa bàn tỉnh với gần 1.000 học sinh và các thầy, cô giáo, người dân gần các trường cùng tham gia.
Về phía các địa phương, các sở, ngành cũng lồng ghép nội dung tuyên truyền về phòng, chống tảo hôn trong các cuộc họp của xã, của thôn, bản, khu phố; tuyên truyền trong các trường học trên địa bàn, hay lồng ghép trong các buổi tuyên truyền về sức khỏe sinh sản; hay tại các buổi tiêm chủng mở rộng ở trạm y tế xã; tổ chức các mô hình can thiệp, câu lạc bộ tiền hôn nhân...
Từ năm 2016 đến nay, các địa phương đã tổ chức gần 2.400 cuộc hoạt động truyền thông các loại cho gần 179.300 lượt người; thực hiện 4.434 cuộc tư vấn về tảo hôn và các nội dung liên quan cho 18.557 người; tổ chức 473 mô hình can thiệp... Chính bởi vậy, người dân vùng DTTS của tỉnh đã được nâng cao nhận thức về hệ lụy của tảo hôn. Giai đoạn trước năm 2015, vùng đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh có 11.331 người tảo hôn thì đến giai đoạn 2015-2020, chỉ còn 236 cặp tảo hôn.
Trong năm 2021 này, các địa phương của tỉnh tiếp tục chú trọng tuyên truyền nâng cao ý thức, trách nhiệm của người dân vùng đồng bào DTTS nhằm giảm thiểu dần tiến tới chấm dứt tình trạng tảo hôn. Việc tuyên truyền sẽ được thực hiện với nhiều hình thức, phù hợp với các vùng miền. Đối tượng tập trung vào thanh niên, vị thành niên là người dân tộc thiểu số chưa kết hôn; cha mẹ học sinh, nam nữ trong độ tuổi vị thành niên. Mong rằng, các địa phương, các ngành tiếp tục tăng cường các giải pháp thực hiện Đề án “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2021- 2025” mà Ủy ban Dân tộc, UBND tỉnh đặt ra, từ đó giảm bình quân 2%-3% /năm số cặp tảo hôn đối với các địa bàn DTTS trong tỉnh.
Thu Nguyệt
Liên kết website
Ý kiến ()