Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 12/01/2025 19:38 (GMT +7)
Phòng chống tai nạn thương tích trẻ em
Thứ 5, 08/06/2023 | 09:06:35 [GMT +7] A A
Nhằm tăng cường việc bảo vệ và chăm sóc trẻ em, Tháng hành động vì trẻ em năm 2023 (từ ngày 1 đến 30/6) đã được phát động trên địa bàn tỉnh với chủ đề “Chung tay giảm thiểu tổn hại trẻ em” bao gồm nhiều chương trình hành động cụ thể. Nhiều hoạt động đang được triển khai sâu rộng tại các địa phương, tạo nền tảng vững chắc giúp trẻ em phát triển toàn diện hơn cả về thể chất lẫn tinh thần, trong một môi trường an toàn, lành mạnh và thân thiện.
Những năm qua, Quảng Ninh là tỉnh tiên phong cả nước trong quy hoạch, đầu tư, xây dựng các thiết chế văn hóa, thể thao quy mô lớn tầm cỡ khu vực để phục vụ người dân và trẻ em, như: Cung Văn hóa thanh thiếu nhi Quảng Ninh, Bảo tàng - Thư viện tỉnh... Hằng năm, các địa phương có trách nhiệm bổ sung quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, bố trí quỹ đất, đầu tư xây dựng điểm vui chơi, giải trí cho trẻ em. Hiện toàn tỉnh có gần 2.000 điểm sinh hoạt văn hóa, vui chơi cho trẻ em do Nhà nước quản lý.
Để giảm thiểu tác hại đối với trẻ em, các hoạt động vui chơi cho trẻ trên địa bàn tỉnh đã được tăng cường trong năm học và trong các dịp hè, với nhiều lớp kỹ năng sống, trong đó chú trọng lồng ghép các nội dung về kỹ năng phòng, chống bạo lực, xâm hại. Đồng thời, xây dựng các CLB, mô hình, chủ yếu là tuyên truyền, tập huấn nâng cao kiến thức, kỹ năng trong chăm sóc, giáo dục trẻ, thực hiện các quyền trẻ em, xử lý những tình huống liên quan đến quyền trẻ em, những trường hợp xâm hại trẻ em.
Quảng Ninh cũng là tỉnh đầu tiên trên cả nước được lựa chọn triển khai thí điểm dự án "Xây dựng mô hình hỗ trợ phòng, chống bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái" thông qua xây dựng mô hình Trung tâm Can thiệp phòng, chống bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái (còn gọi là Ngôi nhà Ánh Dương) được đưa vào hoạt động từ năm 2020. Tại đây, phụ nữ và trẻ em gái bị bạo lực giới sẽ được chăm sóc kịp thời, đầy đủ cả về tổn thương thể xác lẫn hỗ trợ tâm lý; được cung cấp kiến thức, kỹ năng để có thể phòng ngừa và bảo vệ mình; có cơ hội học nghề, tìm kiếm việc làm, bứt ra khỏi cuộc sống bế tắc cũ; tự tin làm chủ kinh tế, lao động sản xuất, làm giàu chính đáng... Đây thực sự là địa chỉ tin cậy cho phụ nữ và trẻ em bị bạo lực giới ở Quảng Ninh.
Ngoài cung cấp dịch vụ tạm lánh, chăm sóc tạm thời cho người bị bạo lực giới, đội ngũ cán bộ, nhân viên Trung tâm Công tác xã hội tỉnh luôn túc trực 24/24h. Tổng đài đường dây nóng miễn phí 18001769 được sử dụng để tiếp nhận thông tin, báo cáo các ca bạo lực giới để có biện pháp ứng phó kịp thời và tư vấn qua điện thoại trong các vấn đề về bạo lực trên cơ sở giới.
Hướng đến xây dựng môi trường sống an toàn cho trẻ, các cấp, ngành, địa phương trong tỉnh đã và đang đẩy mạnh xây dựng môi trường sống an toàn, thân thiện, lành mạnh để thực hiện đầy đủ các quyền trẻ em và bảo đảm trẻ em được phát triển toàn diện. Chú trọng việc phòng, chống xâm hại trẻ em; bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng; phòng chống tai nạn, thương tích trẻ em; nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân, đặc biệt là cơ quan, tổ chức có thẩm quyền trong giải quyết các vấn đề về trẻ em một cách quyết liệt.
Trong đó Sở LĐ-TB&XH, Tỉnh Đoàn đã triển khai và nhân rộng mô hình phòng chống tai nạn thương tích đến các xã trên địa bàn tỉnh. Thông qua các mô hình phòng chống tai nạn thương tích cho trẻ như: Mở lớp dạy bơi cho trẻ từ nguồn ngân sách hỗ trợ và nguồn xã hội hoá, mô hình “Ngôi nhà an toàn”, “Trường học an toàn”, “Cộng đồng an toàn”… đã góp phần ngăn chặn sự gia tăng số trẻ bị tai nạn thương tích; ý thức bảo vệ trẻ em đối với các gia đình, trường học và cộng đồng được nâng cao.
Thông qua đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, gắn với những hình thức tổ chức phù hợp, Quảng Ninh đã huy động được các cơ quan, đoàn thể, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp, người dân cùng vào cuộc để tạo điều kiện tốt nhất cho trẻ em vui chơi, học tập và phát triển toàn diện.
Hoài Minh
Liên kết website
Ý kiến ()