Tất cả chuyên mục
Thứ Bảy, 02/11/2024 17:27 (GMT +7)
Phòng, chống tai nạn thương tích trẻ em
Thứ 6, 26/11/2021 | 14:13:32 [GMT +7] A A
Tai nạn thương tích (TNTT) ở trẻ em do giao thông là một trong những nguyên nhân thường gặp nhất, bởi đây là lứa tuổi hiếu động, thích khám phá, đùa nghịch mà chưa có kỹ năng đảm bảo an toàn cho mình. Vì vậy, các ngành, địa phương trong tỉnh luôn đặc biệt quan tâm triển khai các giải pháp phòng, tránh tai nạn, trang bị kiến thức về ATGT cho trẻ em.
Đầu tháng 11/2021, Trường Tiểu học Đào Phúc Lộc (phường Trần Phú, TP Móng Cái) tổ chức buổi sinh hoạt ngoại khóa, chủ đề “Chúng em với an toàn giao thông” với sự tham gia của toàn thể hơn 1.000 học sinh nhà trường, các thầy cô giáo và đại diện hội cha mẹ học sinh.
Những thông điệp, những kiến thức cơ bản về ATGT đã được lồng ghép khéo léo vào những màn tiểu phẩm ngắn do học sinh và thầy cô nhà trường cùng tham gia thể hiện. Các CBCS Đội Cảnh sát Giao thông - Trật tự (Công an TP Móng Cái) có mặt, phối hợp cùng với nhà trường tổ chức buổi ngoại khóa; đồng thời trực tiếp là những tuyên truyền viên trong phần giao lưu, tư vấn giải quyết tình huống giao thông mà học sinh rất hứng thú. Nhờ đó, những kiến thức, kỹ năng ATGT được truyền tải hiệu quả, sinh động tới các em.
Từ năm 2020 đến nay, “Chúng em với an toàn giao thông” là hoạt động ngoại khóa được duy trì thường xuyên nhờ sự phối hợp chặt chẽ của lực lượng công an, Ban ATGT và ngành GD&ĐT TP Móng Cái, nhằm hướng tới mục tiêu xây dựng văn hóa giao thông học đường. Qua đó, không chỉ học sinh, mà cả các thầy cô giáo, các bậc phụ huynh cũng có sự chuyển biến tích cực về ý thức giao thông an toàn. Đây là điều kiện quan trọng để tạo dựng môi trường an toàn từ cổng trường ra xã hội, hạn chế nguy cơ TNTT cho các em.
Những năm qua, chương trình phòng, chống TNTT trẻ em trên địa bàn toàn tỉnh luôn được chú trọng thực hiện với sự vào cuộc, cam kết trách nhiệm của chính quyền các cấp, ngành, đoàn thể. Nhiều giải pháp thiết thực, đồng bộ đã được triển khai để chuyển đổi hành vi của cộng đồng về việc thực hiện các biện pháp phòng, chống TNTT trẻ em nói chung, tai nạn giao thông nói riêng.
Cụ thể, đối với lực lượng công an, tập trung tăng cường công tác tuần tra kiểm soát, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trong lĩnh vực giao thông; thực hiện tốt công tác cứu nạn, cứu hộ liên quan đến trẻ em. Đặc biệt là chú trọng triển khai thường xuyên các hoạt động phối hợp tuyên truyền, ngoại khóa, tập huấn... để nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cơ sở giáo dục, các bậc phụ huynh, người chăm sóc trẻ và bản thân trẻ em về ATGT; xây dựng các mô hình “Cổng trường an toàn giao thông”, “Khu dân cư an toàn giao thông”...
Ngành LĐ-TB&XH tỉnh thường xuyên đẩy mạnh việc xây dựng xã, phường, thị trấn phù hợp với trẻ em; lồng ghép thực hiện các biện pháp phòng, chống TNTT, tai nạn giao thông ở trẻ em vào kế hoạch bảo vệ, chăm sóc trẻ em hằng năm. Đồng thời tăng cường công tác phối hợp trong truyền thông, tư vấn, hướng dẫn nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cộng đồng, trang bị cho các ông bố, bà mẹ có con nhỏ các kỹ năng cơ bản về quản lý, giám sát cho con em mình trước các nguy cơ mất ATGT...
Kế hoạch số 156/KH-UBND của UBND tỉnh “Về việc thực hiện Chương trình phòng, chống tai nạn thương tích trẻ em giai đoạn 2021-2030 trên địa bàn tỉnh” đề ra 4 mục tiêu cụ thể. Gồm: Giảm tỷ lệ TNTT và tử vong do TNTT của trẻ em; truyền thông về phòng, chống TNTT trẻ em cho các cấp chính quyền, cộng đồng, cha mẹ, người chăm sóc trẻ em và trẻ em; đào tạo, tập huấn về phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em cho cán bộ các cấp, các ngành, đoàn thể liên quan; thí điểm, nhân rộng mô hình, hoạt động về phòng chống tai nạn, thương tích cho trẻ em.
|
Để triển khai các nội dung chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Quyết định số 1248/QĐ-TTg, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 156/KH-UBND (ngày 23/8/2021) “Về việc thực hiện Chương trình phòng, chống tai nạn thương tích trẻ em giai đoạn 2021-2030 trên địa bàn tỉnh”. Trong đó có các chỉ tiêu về lĩnh vực ATGT cho trẻ: Phấn đấu hằng năm giảm 5% số trẻ em bị tử vong và bị thương do tai nạn giao thông đường bộ; 100% trẻ em từ 6 đến dưới 16 tuổi biết các quy định về ATGT đường bộ; 100% trẻ em sử dụng áo phao cứu sinh khi tham gia giao thông trên các phương tiện đường thủy nội địa có bắt buộc sử dụng phao cứu sinh năm 2025 và duy trì đến năm 2030...
Để đạt mục tiêu này, tỉnh đề ra nhóm giải pháp: Vận động cộng đồng, người dân sử dụng các trang thiết bị an toàn cho trẻ em khi tham gia giao thông đường bộ, như mũ bảo hiểm, dây đai an toàn, ghế ngồi an toàn.
Ngoài ra, cần tổ chức các hoạt động ngoại khóa, diễn đàn, cuộc thi... để cung cấp kiến thức, kỹ năng, các quy định ATGT cho cha mẹ, trẻ em. Đồng thời thí điểm và nhân rộng các mô hình ATGT đường bộ cho trẻ em, mô hình cổng trường an toàn, đi bộ an toàn, đảm bảo an toàn xe đưa, đón học sinh.
Văn Bá
Liên kết website
Ý kiến ()