Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 12/01/2025 18:04 (GMT +7)
Phòng chống sốt xuất huyết
Thứ 3, 22/03/2022 | 08:34:00 [GMT +7] A A
Thời tiết ấm nóng cũng là lúc các loài muỗi sinh sôi, nảy nở, trong đó có loại muỗi vằn Aedes Aegypti lây truyền virus Dengue (virus gây bệnh sốt xuất huyết). Năm nào Quảng Ninh cũng xuất hiện các ổ dịch sốt xuất huyết. Bởi vậy, bên cạnh việc phòng, chống dịch bệnh Covid-19, người dân cũng cần thực hiện các biện pháp phòng, chống bệnh sốt xuất huyết và một số bệnh dễ lây lan thành dịch khác.
Theo các bác sĩ, bệnh dễ gặp trong thời điểm hiện nay là sốt xuất huyết. Người mắc bệnh thường sốt cao đột ngột 39-40 độ, cơ thể mệt mỏi, lừ đừ và nhức đầu, đau hốc mắt, đau cơ, đau họng, buồn nôn, viêm đường hô hấp trên, tiêu chảy... Giai đoạn nguy hiểm nhất là sau khi bệnh nhân hết sốt. Lúc này, do virus đã làm hệ miễn dịch suy yếu, số lượng bạch cầu và tiểu cầu giảm đáng kể, người bệnh có thể bị tràn dịch màng phổi, màng bụng; huyết áp tăng, giảm đột ngột; có thể bị xuất huyết nội tạng, sốc, suy tạng nặng... Nếu không được phát hiện, cấp cứu kịp thời sẽ dẫn đến tử vong.
Thống kê của CDC Quảng Ninh, năm 2021, trên địa bàn tỉnh ghi nhận 446 ca mắc sốt xuất huyết, tập trung chủ yếu tại phường Hồng Hải (TP Hạ Long) và phường Quảng Yên (TX Quảng Yên). CDC Quảng Ninh đã chỉ đạo các đơn vị dự phòng tăng cường triển khai việc giám sát, phát hiện ca bệnh và khoanh vùng xử lý ổ dịch, nhằm ngăn chặn dịch lây lan; chỉ đạo các địa phương thực hiện giám sát véc tơ, vệ sinh môi trường, diệt bọ gậy để phòng chống sốt xuất huyết. CDC Quảng Ninh cũng tổ chức các lớp tập huấn điều tra, giám sát và phòng, chống sốt xuất huyết cho cán bộ chuyên trách tuyến huyện và xã, phường, thị trấn trọng điểm; mở lớp tập huấn công tác giám sát và phòng chống bệnh ký sinh trùng cho cán bộ y tế tuyến huyện.
Bản thân cán bộ làm công tác y tế dự phòng trong quá trình giám sát tại cơ sở luôn đôn đốc, hướng dẫn tuyến huyện, tuyến xã trong phòng, chống dịch bệnh, đặc biệt, ở những địa phương xuất hiện liên tiếp các ca bệnh sốt xuất huyết như: Hạ Long, Quảng Yên...
Sở Y tế tích cực phối hợp với các sở, ngành và ban chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh các địa phương, triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, tăng cường tuyên truyền nâng cao ý thức người dân trong việc phòng, chống dịch bệnh. Chỉ đạo các đơn vị y tế triển khai giám sát phát hiện ca bệnh và khoanh vùng xử lý ổ dịch, nhằm ngăn chặn dịch lây lan; thực hiện diệt muỗi, bọ gậy...
Về phía chính quyền địa phương, các tổ chức, đoàn thể đều tích cực vận động người dân giữ gìn vệ sinh môi trường, tổ chức khơi thông cống rãnh, phát quang bụi rậm... Tất cả các xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh đều thực hiện tốt phong trào ”Ngày Chủ nhật xanh”.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy người dân vẫn chủ quan trong phòng bệnh sốt xuất huyết, chưa nắm chắc các biện pháp diệt muỗi, bọ gậy. Qua 43 lượt điều tra, giám sát véc tơ sốt xuất huyết tại các xã, phường điểm, xã, phường có nguy cơ cao và xã, phường có ca bệnh từ đầu năm 2021 đến nay cho thấy, 30 điểm giám sát có chỉ số bọ gậy vượt ngưỡng gây dịch, 4 điểm có chỉ số mật độ muỗi vằn Aedes Aegypti vượt ngưỡng gây dịch.
Ngoài dịch bệnh sốt xuất huyết, bắt đầu vào mùa hè còn là thời gian dễ phát sinh một số dịch bệnh khác như: Tay chân miệng, bệnh liên quan đến đường tiêu hoá, cúm, rubella, đau mắt đỏ, thủy đậu, viêm não do vi rút, bệnh dại... Riêng năm 2021, trên địa bàn tỉnh có 7 trường hợp viêm não do vi rút, 343 trường hợp bị thủy đậu, gần 2.000 trường hợp mắc cúm mùa. Cũng trong năm 2021, trên địa bàn tỉnh có 2 trường hợp tử vong do bệnh dại.
Để phát huy tốt nhất công tác phòng chống các dịch bệnh truyền nhiễm thường gặp trong mùa hè, nhất là bệnh sốt xuất huyết, các gia đình cho con em tiêm phòng đầy đủ các loại vắc xin theo quy định; thực hiện chế độ ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng...
Muỗi là vật trung gian lây truyền nhiều bệnh, do đó phòng, chống muỗi đốt, tiêu diệt muỗi, bọ gậy bằng cách dọn dẹp đồ đạc, úp các chum, vại, đồ vật chứa nước để muỗi không có nơi đẻ trứng. Bồn hoa, cây cảnh chứa nước cần thường xuyên thay nước, hoặc nuôi cá cảnh để tiêu diệt bọ gậy. Hằng năm, nên phun thuốc trừ muỗi định kỳ trong nhà. Khi ngủ cần mắc màn... Theo CDC tỉnh, phòng chống dịch bệnh có hiệu quả hay không, phụ thuộc rất nhiều vào ý thức, hành động của mỗi người dân.
Thu Nguyệt
- Sốt xuất huyết bao lâu thì khỏi? Những sai lầm khiến bệnh chuyển nặng
- Sốt xuất huyết vào mùa: Cảnh báo việc dùng sai thuốc điều trị
- Sốt xuất huyết khi nào cần vào viện
- Sốt xuất huyết tăng mạnh trong mùa dịch Covid-19: Cảnh báo nguy cơ "dịch chồng dịch"
- Trẻ mắc sốt xuất huyết: Những lưu ý trong điều trị, chăm sóc
Liên kết website
Ý kiến ()