Tất cả chuyên mục
Thứ Tư, 06/11/2024 23:35 (GMT +7)
Phòng chống sinh vật gây hại trên cây trồng vụ mùa
Thứ 4, 07/07/2021 | 06:48:47 [GMT +7] A A
Kết thúc vụ Đông Xuân, ngành Nông nghiệp và các địa phương đang nhanh chóng chuẩn bị gieo cấy vụ mùa theo đúng tiến độ. Trong đó, tập trung các biện pháp phòng trừ sâu bệnh hại, đảm bảo năng suất và chất lượng cây trồng.
Dự kiến diện tích trồng cây vụ mùa năm 2021 trên địa bàn tỉnh là trên 31.000ha, trong đó diện tích lúa gần 23.000ha, ngô 1.630ha, khoai lang 1.110ha, rau xanh các loại 3.498ha. Ngoài ra, còn một số cây trồng khác như cây dược liệu, cây làm thức ăn gia súc... gần 1.150ha. Tổng sản lượng lương thực đạt 222.500 tấn.
Theo thông tin từ Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, dự báo thời gian tới, thời tiết tiếp tục xảy ra nắng nóng kèm mưa rào, mưa dông trên diện rộng, là điều kiện thuận lợi để các loài sinh vật hại phát triển. Chỉ tính riêng trong tuần vừa qua, tổng diện tích nhiễm sinh vật gây hại trên cây trồng gần 47ha. Trong đó, tại Bình Liêu xảy ra hiện tượng nhiễm bệnh đạo ôn cổ bông trên lúa với diện tích là 0,2ha, bệnh cháy lá là 1ha, bệnh thối thân cây dong riềng là 15ha.
Tại Ba Chẽ cũng xảy ra bệnh nhiễm châu chấu tre lưng vàng trên cây tre luồng với diện tích 13ha, bệnh chết héo trên cây keo là 13ha. Ngoài ra, một số đối tượng như ốc bươu vàng, chuột, sâu đục thân, bệnh đốm nâu hại lúa, sâu xanh bướm trắng, sâu khoang, bọ xít, nhện, rệp, sâu đục quả... gây hại ở mức độ thấp.
Ông Đào Văn Ngọc, Phó Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, cho biết: Ngành Nông nghiệp phấn đấu chỉ để tỷ lệ thiệt hại do các đối tượng sinh vật gây ra trên cây lúa nhỏ hơn 3%; trên cây rau, màu và các cây trồng khác nhỏ hơn 5%, không để các đối tượng sinh vật hại lây lan ra diện rộng, thành dịch. Vụ mùa năm nay, Chi cục sẽ chỉ đạo cán bộ kỹ thuật phối hợp với Trung tâm Dịch vụ Kỹ thuật nông nghiệp các huyện, thị xã, thành phố thực hiện tốt công tác điều tra định kỳ 7 ngày 1 lần, theo dõi, giám sát và phát hiện sớm các đối tượng sâu, bệnh hại trên đồng ruộng.
Đồng thời, dự tính, dự báo chính xác về thời gian phát sinh, diện phân bố và mức độ gây hại của các đối tượng dịch hại để kịp thời thông báo cho người dân phòng trừ hiệu quả. Chi cục cũng sẽ tổ chức các buổi tập huấn, hướng dẫn nông dân sử dụng các biện pháp phòng trừ dịch hại tổng hợp, dùng các loại thuốc bảo vệ thực vật sinh học, thảo mộc và thuốc ít độc hại đặc hiệu theo nguyên tắc “4 đúng” để phòng trừ dịch hại cây trồng, đảm bảo thời gian cách ly khi thu hoạch.
Đối với lúa vụ mùa, Chi cục khuyến cáo các địa phương, ngay sau khi thu hoạch lúa xuân cần khẩn trương tập trung lực lượng, phương tiện để làm đất, thực hiện cày bừa kỹ, làm tốt công tác vệ sinh đồng ruộng để hạn chế nguồn sâu bệnh, nhất là bệnh lùn sọc đen. Cùng với đó, thường xuyên giữ đủ nước trong ruộng để thúc đẩy nhanh quá trình phân huỷ xác thực vật; thực hiện tốt phương châm gieo cấy đúng khung thời vụ, áp dụng đồng bộ các biện pháp thâm canh. Đặc biệt, căn cứ điều kiện cụ thể của từng địa phương lựa chọn sử dụng 3-4 giống chủ lực, hạn chế tối đa đưa giống cũ, yếu, kháng bệnh thấp vào cơ cấu giống của địa phương.
Với các loại cây trồng khác như rau, cây ăn quả, Chi cục cũng khuyến cáo người trồng rau nên sử dụng các vật liệu chống nắng như phủ rơm, rạ, trấu trên mặt ruộng, làm giàn lưới che, tủ gốc…; tiến hành tưới ẩm các vườn cây ăn quả, cây công nghiệp lâu năm để giữ ẩm cho cây trong những ngày nắng nóng. Đồng thời, kiểm tra tình hình sinh vật hại trên các cây trồng để có biện pháp xử lý kịp thời, không ảnh hưởng đến cây trồng.
Các địa phương trên địa bàn tỉnh cũng đang nhanh chóng triển khai nhiều biện pháp phòng trừ sâu bệnh cho cây trồng vụ mùa. Như ở Hải Hà, dự kiến diện tích gieo trồng vụ mùa đạt 3.220ha, sản lượng lương thực đạt trên 13.300 tấn. Ông Bùi Văn Nam, Phó trưởng Phòng NN&PTNT huyện, cho biết: Do thời gian từ thu hoạch lúa vụ xuân đến gieo trồng lúa vụ mùa rất ngắn, trong khi bà con thường gặt ngang cây lúa nên lượng rơm rạ để lại trên đồng ruộng khá lớn, là nguồn cư trú sâu bệnh hại chuyển từ vụ xuân sang vụ mùa. Để ngăn chặn sinh vật gây hại chuyển từ vụ xuân sang vụ mùa năm 2021, bà con cần làm tốt công tác vệ sinh đồng ruộng ngay sau khi thu hoạch; xử lý cỏ dại nhằm hạn chế thấp nhất sự lưu truyền bệnh hại sang vụ mùa, khuyến khích bà con thực hiện xử lý hạt giống bằng thuốc hóa học trước khi gieo mạ để phòng chống bệnh lùn sọc đen.
Còn tại TX Quảng Yên, căn cứ tình hình thực tế, hiện thị xã đang hướng dẫn bà con lựa chọn cây trồng phù hợp, có thời gian sinh trưởng ngắn, chịu nóng, chịu mưa, chống chịu sâu bệnh tốt, có chất lượng, sản phẩm đáp ứng nhu cầu thị trường, phù hợp trình độ canh tác và điều kiện đất đai của địa phương. Đồng thời, chuyển đổi diện tích lúa kém hiệu quả sang các cây trồng giá trị cao, tiếp tục triển khai các mô hình trồng rau màu trong nhà kính, nhà lưới, màng che phủ để cây trồng phát triển tốt trong điều kiện thời tiết nắng nóng.
Hoàng Quỳnh
Liên kết website
Ý kiến ()