Tất cả chuyên mục

Mặc dù đã triển khai tích cực các giải pháp cấp bách phòng chống dịch tả lợn châu Phi, tuy nhiên, hiện nay trên địa bàn TX Quảng Yên tình hình dịch bệnh đang diễn biến rất phức tạp, có xu hướng lây lan nhanh. Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là ý thức phòng chống dịch bệnh của không ít hộ chăn nuôi lợn tại Quảng Yên vẫn còn khá chủ quan...
Do dịch bệnh lây lan, việc chăn nuôi lợn của hộ anh Nguyễn Văn Nghìn (thôn 3, xã Tiền Phong), đang đứng trước nguy cơ phải đóng chuồng dài ngày. |
Ngày 12/3/2019, TX Quảng Yên xác nhận trường hợp nhiễm dịch tả lợn châu Phi đầu tiên tại gia đình ông Vũ Ngọc Hoàn (thôn 11, xã Sông Khoai). Thời điểm đó, Quảng Yên là địa phương thứ 4 trên địa bàn Quảng Ninh có đàn lợn nhiễm bệnh (sau Đông Triều, Uông Bí và Hải Hà). Sau gần 2 tháng xuất hiện ổ dịch, dù địa phương đã triển khai nhiều biện pháp phòng tránh, nhưng tình hình dịch bệnh vẫn đang lây lan trên diện rộng.
Theo thống kê của UBND TX Quảng Yên, tính đến ngày 4/5, dịch đã lan ra 12/19 xã, phường, với hơn 200 hộ có lợn nhiễm bệnh. Tổng số lợn bị tiêu hủy là hơn 2.200 con, trọng lượng trên 114.000 tấn. Hiện nay, công tác dập dịch và tiêu hủy lợn nhiễm bệnh tại các xã, phường đang gặp rất nhiều khó khăn.
Chăn nuôi lợn gần 5 năm nay, gia đình anh Nguyễn Văn Nghìn (thôn 3, xã Tiền Phong), thường duy trì nuôi từ 30-40 con lợn trong chuồng. Thế nhưng từ lúc thấy tình hình dịch tả lợn châu Phi ngày càng diễn biến phức tạp, anh Nghìn đã hạn chế dần đàn nuôi. Hiện chuồng nuôi của gia đình chỉ dám cầm cự 1 con lợn nái và 3 con lợn thịt. Tuy nhiên, gia đình anh lại đang đứng trước nguy cơ bị đóng chuồng, bởi ngày 5/5 vừa qua, con lợn nái duy nhất để gây giống đã bị nhiễm bệnh, buộc phải tiêu hủy.
Anh Nghìn cho biết: Gia đình tôi thường xuyên sử dụng nguồn nước sông trước nhà để vệ sinh khu chuồng trại. Nhiều khả năng lợn nái bị lây bệnh từ nguồn nước, bởi con sông này lưu thông qua 2 xã Liên Hòa và Liên Vị đã có lợn nhiễm dịch trước đó. Trong xã, hầu hết các hộ chăn nuôi đều sử dụng chung nguồn nước sông, hồ để vệ sinh chuồng trại. Tuy trước đó đã được tuyên truyền, nhắc nhở về nguy cơ tiềm ẩn lây lan dịch bệnh từ nguồn nước, nhưng chúng tôi không có sự lựa chọn nào khác bởi nguồn nước sinh hoạt của các hộ dân cũng rất khan hiếm, chủ yếu sử dụng nguồn nước mưa.
Tại xã Hiệp Hòa, địa phương đang có số hộ chăn nuôi lợn bị nhiễm dịch tả lợn châu Phi nhiều nhất Quảng Yên, với hơn 70 hộ tại 13/16 thôn, công tác phòng chống dịch hiện đang gặp nhiều khó khăn. Bà Vũ Thị Dương (thôn 13, xã Hiệp Hòa), chia sẻ: Hiện nay, dịch tả lợn châu Phi đã lây lan sang nhiều hộ chăn nuôi trong thôn, khiến gia đình tôi rất lo lắng. Mặc dù chúng tôi đã thực hiện biện pháp “nội bất xuất, ngoại bất nhập”, thường xuyên phun khử trùng tất cả chuồng nuôi, nhưng không biết đàn lợn có khỏe mạnh đến lúc kịp xuất chuồng hay không? Trong phòng chống dịch bệnh, quan trọng nhất vẫn là ý thức chủ động của các hộ chăn nuôi, tuy nhiên, tôi thấy nhiều hộ trong xã vẫn khá thờ ơ với dịch bệnh. Đây cũng là nguyên nhân khiến dịch tại địa phương bùng phát lây lan nhanh và khó kiểm soát...
Mặc dù thường xuyên rắc vôi, phun khử trùng chuồng trại chăn nuôi lợn, nhưng bà Vũ Thị Dương (thôn 13, xã Hiệp Hòa) rất lo lắng, bởi tình hình dịch bệnh đang lây lan nhanh. |
Ông Đinh Tuấn Thụy, Phó Chủ tịch UBND xã Hiệp Hòa cho hay, mặc dù xã đã tuyên truyền, khuyến cáo, nhắc nhở bà con không sử dụng rau sống làm thức ăn cho đàn lợn, không vệ sinh chuồng trại bằng nước sông, ao, hồ, nhưng nhiều hộ vẫn bỏ qua cảnh báo này... Đặc biệt, khi xảy ra dịch bệnh, một số hộ còn thiếu sự hợp tác trong quá trình tiêu hủy đàn lợn. Trong khi đó, lực lượng cán bộ tham gia công tác chống dịch đang thiếu, công việc quá tải, cộng với địa bàn xã trải rộng có nhiều tuyến đường kết nối sang các xã lân cận, dù đã lập chốt và đội cơ động kiểm tra nhưng việc phát hiện xử lý các phương tiện chở lợn ra vào vùng dịch khó kiểm soát được hết. Tuy nhiên, sợ nhất vẫn là tâm lý chủ quan của các hộ chăn nuôi đang làm diễn biến dịch trong xã bị lây chéo nhau, rất khó kiểm soát.
Tính đến thời điểm hiện tại, tổng số đàn lợn trên địa bàn thị xã còn hơn 48.000 con. Đặc thù các hộ chủ yếu chăn nuôi nhỏ lẻ, nằm xen kẽ nhau, không có chuồng trại cách ly lợn bệnh với lợn khỏe; các chuồng trại chăn nuôi hầu hết đều chưa có hệ thống xử lý nước thải, vẫn xả trực tiếp ra ao, hồ, sông, vì vậy khó kiểm soát được sự lây lan của mầm bệnh. Thực tế, nhiều hộ chăn nuôi ở vùng trũng hoặc nằm xen kẽ trong khu dân cư, khi xảy ra dịch bệnh việc vận chuyển lợn đi tiêu hủy mất nhiều thời gian và chi phí, nhiều xã, phường cũng đang gặp khó ở khâu tìm địa điểm chôn, tiêu hủy đàn lợn tập trung.
Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Văn Bắc, Phó Chủ tịch UBND TX Quảng Yên, cho biết: Trước tình hình dịch tả lợn châu Phi đang có diễn biến lây lan nhanh, địa phương yêu cầu các xã, phường phải quyết liệt các giải pháp và không được chủ quan với dịch bệnh. Để phòng tránh dịch bệnh phát sinh và lây lan trên diện rộng, công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của người chăn nuôi, hộ kinh doanh, mua bán, các cơ sở giết mổ cần được đẩy mạnh hơn nữa. Trong đó, cần chú ý tuyên truyền, hướng dẫn các hộ dân tuyệt đối không dùng nguồn nước sông, ao, hồ để xử lý chuồng trại. Thời gian tới, Quảng Yên sẽ tiếp tục tập trung vệ sinh khử trùng, tiêu độc thường xuyên. Tại các chốt kiểm dịch đã lập lực lượng chức năng sẽ tăng cường kiểm soát xử lý triệt để các phương tiện vận chuyển lợn ra vào vùng có dịch.
Phạm Tăng
[links()]
Ý kiến ()