Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 12/01/2025 16:26 (GMT +7)
Phòng chống cơn bão số 2 “3 trước, 4 tại chỗ”
Thứ 3, 23/07/2024 | 05:19:00 [GMT +7] A A
Phòng, chống, ứng phó cơn bão số 2 có khả năng diễn biến phức tạp, tỉnh đã chủ động triển khai các giải pháp, tuyệt đối không lơ là chủ quan, mất cảnh giác trước diễn biến của cơn bão, bảo đảm tuyệt đối an toàn tính mạng, tài sản của nhân dân và Nhà nước, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại có thể xảy ra.
Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, dự kiến cơn bão số 2 đi vào khu vực Vịnh Bắc Bộ và ảnh hưởng đến thời tiết của tỉnh Quảng Ninh... Nhằm đảm bảo an toàn cho người dân, Thường trực Tỉnh ủy đã ban hành Công văn số 2162-CV/TU về việc tăng cường chỉ đạo phòng, chống, ứng phó với cơn bão số 2 và những tác động của cơn bão số 2. Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Tỉnh ủy, UBND tỉnh ban hành các văn bản chỉ đạo về việc ứng phó bão số 2. Ngay trong ngày 22/7, lãnh đạo UBND tỉnh đã trực tiếp đi kiểm tra công tác phòng, chống, ứng phó với cơn bão số 2 tại các địa phương.
Để đảm bảo an toàn cho tàu thuyền, từ 12h ngày 22/7, Sở GT-VT, Cảng vụ Hàng hải Quảng Ninh, Cảng vụ Đường thủy nội địa, UBND các địa phương ven biển đã tạm ngừng cấp phép cho các phương tiện thủy ra khơi (có thể cho phép các tàu được chạy từ các tuyến đảo về đất liền tránh trú và kết thúc việc này trước 16h ngày 22/7/2024); tạm ngừng cấp phép cho các phương tiện du lịch biển, lưu trú qua đêm tại các điểm du lịch trên biển. Các địa phương đều sớm ban hành văn bản chỉ đạo về việc theo dõi, triển khai các giải pháp, chủ động phòng, chống bão số 2 và những diễn biến phức tạp của thời tiết.
Sở NN&PT phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, đơn vị theo dõi diễn biến của bão, thông tin đến các địa phương, đơn vị để chủ động triển khai các biện pháp ứng phó; chỉ đạo Chi cục Thủy sản phối hợp với UBND các địa phương ven biển nắm tình hình tàu thuyền, nhất là tàu xa bờ, để thông báo cho chủ các phương tiện, chủ động về nơi tránh trú, không đi vào vùng nguy hiểm; chỉ đạo các đơn vị quản lý hồ chứa chủ động theo dõi mực nước hồ để triển khai các phương án đảm bảo an toàn hồ chứa trong tình huống mưa lớn sau bão. Đồng thời tổng hợp, báo cáo kết quả triển khai ứng phó bão về UBND tỉnh kịp thời để có chỉ đạo sâu sát.
Tại TP Cẩm Phả, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) thành phố và các đơn vị liên quan triển khai các biện pháp ứng phó với bão số 2 theo chỉ đạo của trung ương, tỉnh và địa phương; thông tin kịp thời đến nhân dân và người lao động; chuẩn bị sẵn sàng các phương tiện, lực lượng hỗ trợ sơ tán, di dời nhân dân ra khỏi khu vực nguy hiểm. Lực lượng công an thành phố bố trí lực lượng thường xuyên kiểm tra các tuyến đường có nguy cơ ngập lụt để kịp thời phân luồng giao thông. Các đơn vị ngành Than khẩn trương rà soát các bãi thải mỏ, khu vực khai thác hầm lò có nguy cơ mất an toàn, chủ động phương án xử lý kịp thời. Các phường, xã sẵn sàng triển khai nhiệm vụ, xây dựng phương án PCTT&TKCN, bố trí lực lượng thường xuyên rà soát khu vực nguy cơ sạt lở, lũ quét, vùng trũng thấp đảm bảo an toàn về người và tài sản, chủ động di dời người dân về nơi an toàn… Hiện 395 tàu, thuyền hoạt động trên vùng biển của thành phố đã về nơi tránh trú an toàn.
Huyện Cô Tô tạm dừng tất cả các hoạt động dịch vụ - du lịch, tắm biển, vui chơi, giải trí tại các bãi tắm từ 10h ngày 22/7. Đồng thời chỉ đạo các lực lượng thu dọn cơ sở vật chất, như phao, neo, cờ chỉ giới...; bố trí lực lượng đảm bảo người dân và du khách không tắm biển hoặc đến những nơi nguy hiểm tại bãi tắm trong thời gian xảy ra bão; kiểm tra các cơ sở lưu trí, nhất là cơ sở lưu trú nhà gỗ trên địa bàn, đảm bảo an toàn cho du khách. Huyện thường xuyên cập nhật thông tin về tình hình mưa bão đến du khách, đồng thời yêu cầu các cơ quan thông báo khuyến nghị tới toàn bộ du khách đang lưu trú tại cơ sở; chuẩn bị đầy đủ điều kiện đảm bảo tốt nhất cho nhân dân và du khách sinh hoạt trong trường hợp mưa bão kéo dài nhiều ngày liên tục.
Đến 16h ngày 22/7, huyện Vân Đồn có 1.526 phương tiện thuỷ, tàu cá được di dời về các nơi tránh trú an toàn trên địa bàn huyện, như: Bến Quan Lạn, Vụng Sâu (xã Quan Lạn); khu Ổ Lợn, Cống Đình (xã Minh Châu); bến Thắng Lợi, khu Áng Giã, vụng Tùng Con, lạch Cống Đông (xã Thắng Lợi)....; 618 nhà bè đã được gia cố, chằng chống an toàn, toàn bộ 700 người đã được di dời từ nhà bè lên bờ. Các tàu khách phục vụ tuyến đảo đã chủ động tránh trú tại Bến Cảng cao cấp Ao Tiên, Khu tránh trú bão Cảng Cái Rồng, Quan Lạn, Minh Châu, Thắng Lợi, Ngọc Vừng, Bản Sen an toàn. Huyện bố trí đảm bảo sinh hoạt cho 2.294 khách du lịch còn ở trên các xã đảo trong những ngày mưa bão.
Với đặc thù là địa bàn miền núi với nhiều khu vực có nguy cơ ngập lụt, sạt lở cao, nhất là vào thời điểm mùa mưa bão, các đơn vị trên địa bàn huyện Ba Chẽ đã khẩn trương triển khai các biện pháp phòng, chống bão theo phương châm “3 trước, 4 tại chỗ”, sẵn sàng di dời những hộ dân ra khỏi vùng nguy hiểm; tổ chức kiểm soát, cử người trực, canh gác trực thường xuyên và có biển cảnh báo, gác chắn tại ngầm, tràn, đường giao thông bị ngập, sạt lở để đảm bảo an toàn. Huyện yêu cầu nhà thầu, đơn vị thi công khẩn trương thu dọn máy móc, thiết bị, nhân lực trên công trường để đảm bảo an toàn cho người và tài sản.
Do ảnh hưởng của cơn bão số 2, từ đêm nay và trong những ngày tới, Quảng Ninh có mưa vừa, mưa to đến rất to kèm theo dông. Mưa dông kéo dài nhiều ngày kết hợp triều cường có thể gây ra sạt lở, ngập, lụt. Do đó các cơ quan, đơn vị, địa phương cần tiếp tục chủ động phương án phòng, chống, ứng phó với thiên tai, đảm bảo tuyệt đối an toàn cho người và tài sản.
Cao Quỳnh
Liên kết website
Ý kiến ()