Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 01/11/2024 12:40 (GMT +7)
Phòng chống cháy nổ trong các đơn vị ngành Than
Thứ 6, 04/10/2024 | 13:50:33 [GMT +7] A A
Để đảm bảo công tác an toàn lao động, Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) đã nỗ lực cải thiện điều kiện làm việc, đầu tư những hệ thống hiện đại để cảnh báo nguy cơ cháy, nổ khí mê tan, nổ bụi than trong sản xuất hầm lò và phòng ngừa tình trạng than tự cháy ở các mỏ. Đặc biệt, với mô hình công nghệ nổ mìn, bóc xúc đất đá để lấy than, các mỏ của TKV phải sử dụng khối lượng lớn vật liệu nổ công nghiệp. Đây là lĩnh vực được Tập đoàn đặc biệt chú trọng, chỉ đạo các đơn vị siết chặt mọi quy trình an toàn phòng chống cháy nổ từ khâu sản xuất, tàng trữ, bảo quản đến sử dụng vật liệu nổ công nghiệp.
Khoảng 5 năm trở lại đây, nhu cầu than cho nền kinh tế tăng cao, kéo theo yêu cầu về sản lượng khai thác than nguyên khai tại các mỏ ngày một lớn. Để đáp ứng chỉ tiêu sản lượng, các mỏ khai thác than lộ thiên và hầm lò cần sử dụng lượng lớn vật liệu nổ công nghiệp, dùng trong công đoạn phá vỡ, làm tơi đất đá.
Theo anh Tạ Văn Toản, Phó trưởng Phòng Kỹ thuật Công ty CP Than Cao Sơn - TKV, trung bình mỗi ngày, Than Cao Sơn tổ chức khoảng 6 bãi nổ mìn trên cả hai khai trường với khối lượng từ 30-50 tấn thuốc nổ/bãi nổ. Khối lượng đất đá được bắn tơi sau mỗi ngày thực hiện nổ mìn đạt khoảng 200-300m3. Vào đợt cao điểm sản xuất, Than Cao Sơn đã từng thực hiện bãi nổ quy mô lớn đến 118 tấn thuốc nổ.
Những năm gần đây, khi sản lượng than bình quân hàng năm của Tập đoàn tăng lên từ 40-42 triệu tấn, nhu cầu vật liệu nổ công nghiệp của các đơn vị cũng tăng từ 55-60 nghìn tấn thuốc nổ các loại mỗi năm. Nhu cầu sử dụng gia tăng cũng tạo thêm nhiều “đơn hàng” cho các dây chuyền sản xuất của Tổng Công ty Hóa chất mỏ - TKV và các đơn vị trực thuộc.
Năm 2024, trước yêu cầu tăng sản lượng than khai thác của Tập đoàn tương ứng với nhu cầu lớn về vật liệu nổ công nghiệp của các đơn vị ngành than, Công ty CP Hóa chất mỏ Việt Bắc - MICCO đã tập trung triển khai các biện pháp kỹ thuật và công nghệ, đảm bảo hoàn thành nhiệm vụ sản xuất trên 70.000 tấn thuốc nổ các loại từ nay đến cuối năm. Để đảm bảo an toàn, thuốc nổ sau khi sản xuất tại Công ty CP Hóa chất mỏ Việt Bắc sẽ được vận chuyển, lưu kho tại Công ty CP Hóa chất mỏ Quảng Ninh. Đây là đơn vị thứ 2 trong dây chuyền sản xuất - cung ứng - thi công nổ mìn của Tổng Công ty Hóa chất Mỏ - TKV.
Công ty CP Hóa chất mỏ Quảng Ninh duy trì quy trình bảo quản và vận chuyển thuốc nổ hết sức chặt chẽ, nghiêm ngặt. Thuốc nổ và vật liệu nổ công nghiệp sau khi được vận chuyển từ nơi sản xuất về sẽ được tàng trữ tại 16 kho chứa của Công ty ở cả 3 vùng là Hòn Gai, Đông Triều và Cẩm Phả. Tổng trữ lượng tại các kho chứa này là 800 tấn thuốc nổ và 3 triệu kíp nổ. Trong vai trò đơn vị cung ứng thuốc nổ và vật liệu nổ công nghiệp, Công ty đã thực hiện đầy đủ các quy định về an toàn phương tiện cũng như quy trình vận chuyển; sử dụng 45 xe vận chuyển vật liệu nổ công nghiệp, tải trọng từ 2-18 tấn để vận chuyển vật liệu nổ.
Khi các đơn vị khai thác than lộ thiên có nhu cầu nổ mìn, thuốc nổ sẽ được vận chuyển bằng các xe chuyên dụng từ các kho tàng trữ đến thẳng khai trường thi công. Tại đây, Công ty CN Hóa chất mỏ Cẩm Phả sẽ thực hiện dịch vụ nổ mìn bằng các phương tiện cơ giới hóa.
Ông Trần Quốc Tuấn, Phó Giám đốc Công ty CN Hóa chất mỏ Cẩm Phả cho biết: Trước đây, để thi công một bãi nạp nổ mìn, công nhân hóa chất mỏ Cẩm Phả phải trực tiếp vận chuyển khối lượng lớn thuốc nổ đến tận khai trường. Công đoạn nhồi thuốc nổ xuống từng lỗ khoan cũng do họ trực tiếp thực hiện, rất vất vả, nặng nhọc độc hại và không đảm bảo an toàn tuyệt đối. Giờ đây, cơ giới hóa đã thay thế đến 70% quy trình này. Toàn bộ những công đoạn kể trên được thay thế bằng xe chuyên dụng, có đầy đủ thiết bị trộn, nạp mìn vào từng lỗ khoan, đảm bảo chính xác và an toàn.
Ngoài vật liệu nổ công nghiệp, các đơn vị cũng cơ bản làm tốt công tác phòng cháy chữa cháy tại các kho vật tư có nhiều chất liệu dễ cháy và tại các khu vực sửa chữa cơ khí, sàng tuyển, nơi tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ cao do các tia lửa điện phát sinh trong quá trình hàn cắt, sửa chữa.
Đặc biệt, để đảm bảo an toàn trong quá trình sản xuất kinh doanh, các đơn vị ngành than đã thực hiện nghiêm túc công tác PCCC theo quy định, từ việc kiện toàn lực lượng chữa cháy cơ sở, tuyên truyền kiến thức, huấn luyện kỹ năng xử lý khi có tình huống phát sinh; tổ chức thực tập phương án chữa cháy; tự kiểm tra và khẩn trương khắc phục các tồn tại, thiếu sót về PCCC; đặc biệt, đảm bảo kinh phí cho các hoạt động PCCC tại cơ sở.
Sản xuất than là ngành công nghiệp đặc thù, nặng nhọc, độc hại, tiềm ẩn nhiều nguy cơ rủi ro. Mục đích của công tác an toàn - vệ sinh lao động nói chung và công tác phòng chống cháy nổ trong ngành than nói riêng chính là bảo vệ sức khỏe, tính mạng của người lao động và tài sản của Nhà nước, đảm bảo ổn định hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
Hoàng Yến
Liên kết website
Ý kiến ()