Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 12/01/2025 19:38 (GMT +7)
Phòng chống các bệnh không lây nhiễm
Thứ 3, 23/05/2023 | 07:37:08 [GMT +7] A A
Bệnh không lây nhiễm là các bệnh mãn tính, bao gồm những bệnh không có khả năng lây truyền, có thời gian bị bệnh dài và tiến triển chậm, như: Tăng huyết áp, đái tháo đường, tim mạch, các thể ung thư, bệnh hô hấp mạn tính... Các loại bệnh này gây tỷ lệ tàn phế và chết yểu cao. Điều đáng nói là số người mắc các bệnh không lây nhiễm trên địa bàn Quảng Ninh đang có chiều hướng gia tăng và trẻ hóa.
Bị mụn ở chân nhưng mãi không khỏi và ngày càng bị viêm loét rộng, ông N.V.P 42 tuổi (thôn Hà Lai, xã Tân Lập, huyện Đầm Hà) đi khám và làm các xét nghiệm máu mới biết mình bị đái tháo đường tuýp 2. Ông P bảo: Trước đó, tôi chỉ thấy người mệt mỏi chứ không có triệu chứng gì khác. Từ bé đến giờ tôi ít đi khám bệnh nên cũng không biết mình bị bệnh này. Giờ tôi được bác sĩ chỉ định uống thuốc suốt đời để không gây thêm các biến chứng khác.
Theo bác sĩ Đỗ Doãn Trọng, Trưởng Khoa Nội tiết, Bệnh viện Bãi Cháy (TP Hạ Long), phần lớn bệnh nhân chỉ biết mình bị bệnh đái tháo đường khi đi khám, chữa các bệnh khác. Do đó, họ thường phát hiện bệnh ở giai đoạn muộn, đã có biến chứng. Hiện Bệnh viện Bãi Cháy đang có khoảng 3.000 bệnh nhân đái tháo đường điều trị ngoại trú (khám, phát thuốc uống định kỳ).
Không chỉ Bệnh viện Bãi Cháy, hầu hết các bệnh viện đa khoa, trung tâm y tế có hoạt động khám, chữa bệnh trên địa bàn tỉnh hiện nay đều có bệnh nhân đái tháo đường điều trị ngoại trú với số lượng lớn. Ngoài bệnh đái tháo đường, bệnh nhân bị các bệnh không lây nhiễm khác như: Ung thư, cao huyết áp, tim mạch... trên địa bàn tỉnh những năm gần đây cũng tăng khá cao và độ tuổi cũng ngày càng trẻ hơn. Trước thực trạng đó, ngành y tế chỉ đạo các đơn vị đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân về các loại bệnh này để phòng, tránh mắc bệnh và phòng các biến chứng của bệnh.
CDC Quảng Ninh được Sở Y tế giao nhiệm vụ quản lý, tổ chức hoạt động phòng chống bệnh không lây nhiễm. Năm 2022 và 3 tháng đầu năm 2023, đơn vị đã tổ chức khám sàng lọc tăng huyết áp tại TX Đông Triều và huyện Đầm Hà cho tổng số 2.566 người; qua đó chẩn đoán 1.023 người bị tăng huyết áp (chiếm 39,87% số người được khám), 331 người tiền tăng huyết áp, 519 người có yếu tố nguy cơ về tim mạch.
Còn với 1.713 trường hợp tại 2 địa phương kể trên được CDC Quảng Ninh khám bệnh đái tháo đường, thì có 160 người nghi đái tháo đường được tư vấn và hướng dẫn tới trung tâm y tế, bệnh viện để được chẩn đoán xác định và theo dõi, điều trị; 592 người được theo dõi rối loạn đường huyết...
Bên cạnh đó, từ năm 2022 đến hết tháng 3/2023, CDC Quảng Ninh còn đẩy mạnh hoạt động giám sát muối trên địa bàn, nhằm phòng, chống các bệnh rối loạn do thiếu I-ot. Qua thu thập 1.000 mẫu muối, bột canh tại 13 huyện, thị xã, thành phố của tỉnh gửi về Bệnh viện Nội tiết Trung ương thực hiện xét nghiệm định lượng cho thấy, có 287/300 mẫu bột canh có I-ốt, trong đó 116 mẫu đủ tiêu chuẩn phòng bệnh; 686/700 mẫu muối có I-ốt, trong đó 288 mẫu đủ tiêu chuẩn phòng bệnh. Còn giám sát tại 965 hộ gia đình thì có 395 hộ có sử dụng muối chứa I-ot, tại 153 điểm bán lẻ có 104 điểm kinh doanh sản phẩm muối có chứa I-ot.
Trước tình hình bệnh ung thư, nhất là ung thư tuyến vú ngày càng gia tăng, CDC Quảng Ninh cũng đẩy mạnh hoạt động khám sàng lọc ung thư vú. Năm 2022, qua khám sàng lọc cho 1.203 người tại 6 điểm thuộc 6 xã của huyện Bình Liêu, phát hiện 5 trường hợp bị u xơ tuyến vú, 14 người bị nhân xơ tuyến vú, 113 người bị nang tuyến vú và 4 người có u tuyến vú. Đây là tỷ lệ khá cao.
Đáng nói là phần lớn người bệnh không biết mình bị mắc những bệnh này để đến các cơ sở y tế điều trị sớm; chỉ khi bệnh chuyển giai đoạn muộn mới phát hiện và đi điều trị. Điều này gây khó khăn cho công tác điều trị và bệnh nhân rất khó phục hồi. Ở Việt Nam, theo báo cáo của Bộ Y tế, các bệnh không lây nhiễm là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong, cứ 10 trường hợp tử vong thì có 7 người chết do các bệnh không lây nhiễm gây ra.
Theo chương trình giám sát của ngành y tế cho thấy, các bệnh không lây nhiễm phổ biến có chung 4 yếu tố nguy cơ, đó là: Ảnh hưởng từ khói thuốc lá (hoặc thuốc lào), thiếu vận động thể lực, lạm dụng rượu, bia và chế độ ăn không hợp lý. Bởi vậy, để phòng bệnh, người dân cần hạn chế những yếu tố nguy cơ nói trên; đồng thời, cần chủ động khám sức khỏe định kỳ để phát hiện các bệnh không lây nhiễm, từ đó điều trị sớm, hạn chế những biến chứng xảy ra.
Cầm Khuê
Liên kết website
Ý kiến ()