Tất cả chuyên mục
Thứ Bảy, 02/11/2024 05:25 (GMT +7)
Phòng, chống bệnh khi thời tiết lạnh kéo dài
Thứ 5, 05/01/2023 | 09:11:38 [GMT +7] A A
Thời tiết lạnh, nhiệt độ xuống thấp đột ngột ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe con người, nhất là những người có bệnh lý nền, người già, trẻ em có sức đề kháng kém. Chủ động thực hiện các biện pháp phòng bệnh sẽ bảo vệ cơ thể trong thời tiết lạnh kéo dài.
Bệnh viện Sản Nhi Quảng Ninh hiện trung bình mỗi ngày đón tiếp khám, điều trị cho gần 500 bệnh nhi. Các bệnh nhi nhập viện điều trị chủ yếu mắc các bệnh: Viêm phổi nặng, suy hô hấp, viêm tiểu phế quản, viêm não, Adeno…
Chị Hoàng Thu Thảo (phường Ka Long, TP Móng Cái) có con 4 tuổi đang điều trị tại Bệnh viện Sản Nhi Quảng Ninh, cho biết: "Ở nhà, tôi thấy cháu bị ho, sốt, tưởng cảm cúm thông thường do thời tiết thay đổi nên ra quầy mua thuốc ho và hạ sốt cho cháu uống. Uống thuốc 2 ngày cháu vẫn không cắt sốt, nên tôi cho cháu đi truyền nước, đến hôm sau cháu sốt đến 39 độ. Tôi đưa cháu vào Bệnh viện Sản Nhi cấp cứu, bác sĩ chẩn đoán cháu bị mắc vi rút Adeno".
Thời tiết chuyển lạnh đột ngột trẻ dễ bị mắc bệnh, tuy nhiên hiện nay việc nhiều gia đình tự ý mua thuốc cho trẻ sử dụng đã khiến tình trạng bệnh của trẻ không được phát hiện điều trị kịp thời, mà diễn tiến nặng hơn do sử dụng sai thuốc.
Bác sĩ CKII Dương Văn Linh, Trưởng Khoa Khám bệnh, Bệnh viện Sản Nhi Quảng Ninh, cho biết: Việc phụ huynh tự ý mua thuốc cho trẻ uống khi thấy con có các biểu hiện ho, ốm, sốt… là rất nguy hiểm, vì mỗi loại bệnh, mức độ bệnh lại có thuốc tương ứng. Khi đi khám, bác sĩ sẽ khám lâm sàng, có thể chỉ định làm các xét nghiệm trong trường hợp cần thiết để chẩn đoán chính xác bệnh, từ đó chỉ định thuốc phù hợp. Tự ý cho trẻ sử dụng thuốc có thể dẫn đến sai liều lượng, đặc biệt hiện nay có tình trạng lạm dụng thuốc chống viêm, gây ảnh hưởng đến miễn dịch của trẻ sau này.
Tại Bệnh viện Lão khoa - Phục hồi chức năng (LK-PHCN) tỉnh, từ đầu mùa rét đến nay, số lượng bệnh nhân đến khám và điều trị có xu hướng gia tăng, nhất là người cao tuổi có bệnh lý nền, như hô hấp, tai mũi họng, tim mạch, cơ xương khớp. Ông Lương Sơn Hùng (phường Hồng Gai, TP Hạ Long) bị tai biến từ cuối năm 2021, đang điều trị tại Bệnh viện LK-PHCN tỉnh, cho biết: "Thời tiết càng rét, chân tay tôi càng cứng lại, co quắp đau nhức. Điều trị tại Bệnh viện được xoa bóp, tập vận động theo hướng dẫn của y, bác sĩ, sức khỏe của tôi được phục hồi dần dần".
Bệnh viện LK-PHCN tỉnh đang điều trị nội trú cho gần 400 bệnh nhân, trong đó người cao tuổi chiếm 80%. Bác sĩ CKI Lê Thị Hương Thu (Khoa Nội tổng hợp, Bệnh viện LK-PHCN tỉnh) cho biết: Những đợt thời tiết rét đậm, Bệnh viện tiếp nhận nhiều bệnh nhân tăng huyết áp rất cao, nghiêm trọng. Bên cạnh đó, nhiều trường hợp nhập viện mắc các bệnh lý về đột quỵ, tai biến mạch máu não, nhồi máu cơ tim, đau nhức cơ xương khớp, tiêu hóa...
Theo khuyến cáo của các bác sĩ, trời rét người dân cần giữ ấm cơ thể, lưu ý giữ ấm bàn chân, bàn tay, ngực, cổ, đầu, hạn chế ra ngoài khi nhiệt độ xuống quá thấp. Bên cạnh đó, cần ăn uống đủ chất, bảo đảm dinh dưỡng, ăn nhiều hoa quả để nâng cao sức đề kháng, nên uống nước ấm, tránh ăn, uống những thức ăn, nước uống lấy trực tiếp từ tủ lạnh. Người dân không nên tập trung nơi đông người, tránh tiếp xúc với người bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh; bảo đảm vệ sinh môi trường, vệ sinh gia đình, vệ sinh cá nhân, giữ ấm nhà cửa, thường xuyên rửa tay với nước sạch và xà phòng, vệ sinh mũi, họng hằng ngày bằng nước muối ấm. Khi có các dấu hiệu nghi bị bệnh, người dân cần đến ngay cơ sở y tế để được khám, xử lý kịp thời.
Hoài Minh
Liên kết website
Ý kiến ()