Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 01/11/2024 16:37 (GMT +7)
Phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới
Thứ 4, 16/11/2022 | 14:38:53 [GMT +7] A A
Hưởng ứng Tháng hành động về bình đẳng giới (BĐG) và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới (CSG) năm 2022 (từ ngày 15/11-15/12), nhiều hoạt động đã được các sở, ngành, địa phương của tỉnh tổ chức nhằm đẩy mạnh tuyên truyền về BĐG, phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên CSG trong toàn dân.
Hưởng ứng Tháng hành động, Sở LĐ-TB&XH tổ chức Hội thi tìm hiểu kiến thức về BĐG và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên CSG cho nữ sinh các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh. Vũ Thị Lan, sinh viên Trường Cao đẳng Y tế tỉnh, cho biết: Bên cạnh tạo một sân chơi cho các bạn nữ thể hiện tài năng, hiểu biết, Hội thi còn là dịp để truyền tải các thông điệp và nâng cao hiểu biết, nhận thức cho học sinh về công tác BĐG, phòng chống bạo lực trên CSG. Qua đó, tiến tới xóa bỏ các định kiến, quan niệm không phù hợp về vai trò của nam và nữ trong đời sống xã hội; đẩy lùi, ngăn chặn các hành vi bạo lực học đường cũng như triển khai hiệu quả Luật Bình đẳng giới trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo.
Nhiều hoạt động đã được các sở, ngành, địa phương của tỉnh tổ chức nhằm đẩy mạnh tuyên truyền về BĐG, phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên CSG trong toàn dân. Tiêu biểu, TP Hạ Long tổ chức đồng loạt nhiều hoạt động: Phát động hưởng ứng Tháng hành động; các diễn đàn, đối thoại, tọa đàm, hội thảo, tập huấn nhằm nâng cao vai trò của phụ nữ trong phát triển kinh tế - xã hội; tuyên truyền các chính sách đảm bảo an sinh xã hội cho phụ nữ, trẻ em gái.
Hội LHPN tỉnh và UBND huyện Hải Hà phối hợp tổ chức Hội thi kỹ năng ứng phó với bạo lực trên CSG với sự tham gia của 4 đội thi đến từ các xã, thị trấn của huyện. Sở LĐ-TB&XH tổ chức phát động hưởng ứng Tháng hành động với chủ đề “Đảm bảo an sinh xã hội, tăng quyền năng và tạo cơ hội cho phụ nữ và trẻ em gái nhằm thực hiện bình đẳng giới và xóa bỏ bạo lực trên cơ sở giới” ở quy mô cấp tỉnh với nhiều hoạt động thiết thực, ý nghĩa.
Quảng Ninh hiện có trên 485.000 phụ nữ và trẻ em gái, chiếm gần 40% dân số toàn tỉnh. Nhiều phụ nữ và trẻ em gái vẫn phải chịu thiệt thòi so với nam giới do tư tưởng trọng nam, khinh nữ vẫn còn tồn tại trong một bộ phận người dân, nhất là ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào DTTS. Trên địa bàn tỉnh vẫn còn xảy ra nhiều vụ bạo lực gia đình nghiêm trọng mà nạn nhân chủ yếu là phụ nữ và trẻ em gái.
Để nâng cao hiệu quả công tác BĐG, phòng chống bạo lực trên CSG, từ nhiều năm nay, tỉnh đã ban hành các chương trình, kế hoạch về nội dung này. Các ngành, địa phương triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, xây dựng các mô hình điểm về phòng, chống bạo lực, thúc đẩy quyền bình đẳng của phụ nữ, trẻ em gái.
Trên địa bàn tỉnh đang duy trì 33 mô hình BĐG, 119 CLB hôn nhân gia đình và BĐG, cùng hàng trăm địa chỉ tin cậy, nhà tạm lánh, số điện thoại đường dây nóng về phòng, chống bạo lực gia đình ở cấp xã. Trong đó, Sở LĐ-TB&XH đang triển khai thí điểm và nhân rộng 11 mô hình về phòng, chống bạo lực trên CSG (giai đoạn 2021-2023) tại 10 huyện, thị xã, thành phố; Sở GD&ĐT có mô hình trường học an toàn, thân thiện, phòng chống bạo lực học đường tại 30 trường THCS; Sở Tư pháp tuyên truyền phổ biến pháp luật về BĐG, phòng chống bạo lực gia đình cho các đối tượng thuộc diện trợ giúp pháp lý; TP Hạ Long có mô hình thành phố an toàn, thân thiện, chống quấy rối, xâm hại tình dục phụ nữ và trẻ em nơi công cộng...
Với những giải pháp đồng bộ và sự vào cuộc của các cấp, ngành, tình trạng bạo lực gia đình nói chung, nhất là bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh sẽ được ngăn chặn và đẩy lùi, góp phần tạo dựng một xã hội ngày càng văn minh, tiến bộ, bình đẳng.
Nguyên Ngọc
Liên kết website
Ý kiến ()