Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 13/01/2025 01:52 (GMT +7)
Phòng chống bạo lực gia đình
Thứ 6, 24/03/2023 | 10:08:36 [GMT +7] A A
Để hạn chế tình trạng bạo lực gia đình, việc xây dựng và nhân rộng các mô hình, CLB về phòng, chống bạo lực gia đình được xem là giải pháp hiệu quả, góp phần nâng cao nhận thức của cá nhân, gia đình và toàn xã hội, làm cơ sở để xây dựng gia đình hạnh phúc, ấm no, tiến bộ.
Từ năm 2007, Luật Phòng chống bạo lực gia đình đã được Quốc hội khóa XII thông qua. Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2008. Đến nay sau gần 15 năm thực hiện, Luật đã tạo nhiều chuyển biến rõ nét về nhận thức, hành động trong phòng chống bạo lực gia đình, nâng cao bình đẳng giới trong mỗi gia đình. Song bên cạnh đó, bạo lực gia đình vẫn còn là một vấn đề nhức nhối, nhiều vụ việc bạo lực đã gây ra hậu quả nghiêm trọng, ảnh hưởng tiêu cực cho xã hội.
Nhằm phòng chống bạo lực gia đình, việc nâng cao nhận thức cho cấp ủy, chính quyền và nhân dân là giải pháp ưu tiên hàng đầu. Tỉnh đã ban hành nhiều văn bản, kế hoạch, chương trình về công tác phòng chống bạo lực gia đình. Trên cơ sở đó, các sở, ngành, địa phương trong tỉnh đã chủ động thực hiện các hoạt động cụ thể phù hợp với thực tiễn.
Tiêu biểu, Sở VH-TT đẩy mạnh tuyên truyền xây dựng gia đình hạnh phúc, giáo dục đạo đức lối sống trong gia đình, kỹ năng ứng xử giữa các thành viên trong gia đình… Đồng thời, phối hợp thăm hỏi, tặng quà, động viên các nạn nhân bạo lực gia đình; ra mắt CLB phòng, chống bạo lực gia đình tại các địa phương; phát động cuộc thi viết về phòng, chống bạo lực gia đình.
Bên cạnh đó, các hoạt động tuyên truyền bằng băng rôn, khẩu hiệu, tọa đàm, phát động tháng cao điểm, xây dựng mô hình phòng, chống bạo lực gia đình gắn với tuyên truyền bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình, cấp phát sách… được các đơn vị triển khai hiệu quả, chủ động.
Toàn tỉnh hiện duy trì 113 mô hình phòng, chống bạo lực gia đình theo tiêu chuẩn của Bộ VH-TT&DL; 176 cơ sở hỗ trợ nạn nhân bị bạo lực gia đình; 478 nhóm phòng, chống bạo lực gia đình; 250 đường dây nóng hỗ trợ, tư vấn, xử lý các vụ bạo lực gia đình. 100% trạm y tế tuyến xã có bố trí nơi tạm lánh, tư vấn, điều trị cho nạn nhân bạo lực gia đình.
100% xã, phường, thị trấn của tỉnh thành lập CLB phòng, chống bạo lực gia đình với khoảng 700 mô hình tổ, nhóm hòa giải cơ sở. Các mô hình này chủ yếu nằm ở khối đoàn thể, ở các khu dân cư; trong đó hội phụ nữ, hội cựu chiến binh, đoàn thanh niên là hạt nhân với các CLB: “Phòng, chống bạo lực gia đình”, “Xây dựng gia đình hạnh phúc”, “Nuôi con khỏe, dạy con ngoan”… Hoạt động của các mô hình đã góp phần giảm tình trạng bạo lực gia đình, từng bước giải quyết vấn đề bất bình đẳng giới từ trong gia đình và ngoài xã hội.
Đặc biệt, từ tháng 4/2020, Quỹ Dân số của Liên Hợp Quốc cùng Cơ quan hợp tác quốc tế Hàn Quốc (KOICA) đã hỗ trợ Trung tâm Công tác xã hội (Sở LĐ-TB&XH) thiết lập Trung tâm Hỗ trợ phụ nữ, trẻ em gái bị bạo lực (Ngôi nhà Ánh Dương), nhằm phát hiện, ngăn chặn, trợ giúp kịp thời cho nạn nhân là phụ nữ và trẻ em gái bị bạo lực, xâm hại tình dục.
Tại đây, các nạn nhân bị bạo lực trên cơ sở giới được cung cấp các dịch vụ thiết yếu hoàn toàn miễn phí 24/7; bao gồm hỗ trợ tư vấn, tham vấn qua đường dây nóng và tại văn phòng, xây dựng kế hoạch trợ giúp, cung cấp nơi tạm lánh an toàn trong trường hợp khẩn cấp, chăm sóc và hỗ trợ y tế, chuyển tuyến và kết nối hỗ trợ tư pháp, kết nối dạy nghề và tạo việc làm. Các dịch vụ được cung cấp dựa trên nguyên tắc lấy nạn nhân làm trung tâm, nạn nhân được đối xử tôn trọng, bình đẳng và đảm bảo các yếu tố bảo mật về thông tin...
Để nâng cao hiệu quả công tác phòng chống bạo lực gia đình, cần tăng cường trách nhiệm và tính chủ động của mỗi cá nhân, gia đình, cộng đồng xã hội nhằm trao quyền năng cho phụ nữ và trẻ em gái, để ngày càng nhân lên nhiều gia đình hạnh phúc.
Vân Anh
- Đại biểu Quốc hội nêu giải pháp để phòng chống bạo lực gia đình
- Hiệu quả các mô hình phòng, chống bạo lực gia đình
- Tôn trọng các quyền của công dân khi xử lý các hành vi vi phạm về bạo lực gia đình
- Khuyến khích xã hội hóa công tác phòng, chống bạo lực gia đình
- Phòng, chống bạo lực gia đình là trách nhiệm chung của toàn xã hội
Liên kết website
Ý kiến ()