Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 13/01/2025 05:02 (GMT +7)
Phòng bệnh nghề nghiệp cho người lao động
Thứ 5, 27/05/2021 | 06:48:40 [GMT +7] A A
Quảng Ninh hiện có khoảng 90.000 lao động làm việc trong ngành than, 28.000 lao động làm việc trong các khu công nghiệp trên địa bàn. Bởi vậy, các cơ quan chức năng luôn quan tâm triển khai các hoạt động phòng, chống bệnh nghề nghiệp cho người lao động.
Có thể nhận thấy, công tác quản lý nhà nước về vệ sinh lao động (VSLĐ) ở Quảng Ninh từng bước được thực hiện nề nếp, có sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ của các cơ quan chức năng trong thực hiện quản lý, kiểm tra, kiểm soát. Để nâng cao nhận thức cho các đơn vị, doanh nghiệp về sức khỏe nghề nghiệp của người lao động, VSLĐ, các ngành thường xuyên phối hợp tổ chức tập huấn về an toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ). Từ đầu năm 2020 đến nay, đã có 332 cơ sở được tập huấn về công tác này với hơn 26.000 người tham gia.
Tỉnh cũng chú trọng đầu tư trang thiết bị cho các đơn vị thực hiện chức năng quản lý sức khỏe nghề nghiệp. Cụ thể, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh đã được đầu tư nhiều trang thiết bị y tế hiện đại phục vụ khám, xét nghiệm các bệnh nghề nghiệp, quan trắc môi trường. Điều này giúp CDC tỉnh thực hiện được nhiều các xét nghiệm quan trắc, như: Đo bụi trong môi trường (bụi phóng xạ, bụi hạt, bụi hô hấp, bụi sợi Amiăng, bụi bông...), đo nhiệt độ, ẩm độ, vận tốc gió, bức xạ nhiệt, đo thông gió, bức xạ cực tím, độ ồn, phóng xạ, điện từ trường, các hơi khí độc, vi khuẩn không khí... Hay thực hiện các xét nghiệm về bệnh nghề nghiệp.
Từ đầu năm 2020 đến nay, CDC Quảng Ninh đã tiến hành giám sát môi trường lao động cho 110 đơn vị doanh nghiệp. Qua đó, đã thực hiện 26.178 mẫu vi khí hậu, mẫu đo ánh sáng, mẫu đo tiếng ồn, mẫu rung độ, mẫu đo bụi toàn phần, bụi hô hấp...
Để đáp ứng nhu cầu khám bệnh nghề nghiệp, khám sức khỏe cho người lao động, Sở Y tế đã cấp phép cho Phòng khám nghề nghiệp thuộc phòng khám bệnh đa khoa - Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Quảng Ninh được khám, điều trị bệnh nghề nghiệp; 18 đơn vị y tế công lập, 4 cơ sở y tế tư nhân đủ điều kiện khám sức khỏe cho người dân, người lao động... Qua đó, từ đầu năm 2020 đến nay, CDC tỉnh đã tiến hành khám bệnh nghề nghiệp cho 25.100 lao động của 32 đơn vị doanh nghiệp trên địa bàn; qua đó có 285 người được chẩn đoán mắc bệnh nghề nghiệp.
Về phía các doanh nghiệp cũng tuân thủ khá tốt công tác VSLĐ, từng bước quan tâm đầu tư cải thiện điều kiện, môi trường làm việc, thực hiện chế độ, chính sách pháp luật về VSLĐ, chăm sóc sức khỏe cho người lao động. Với các đơn vị khai thác than có hoạt động trên địa bàn thuộc Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) và Tổng công ty Đông Bắc đã triển khai Đề án đảm bảo môi trường ngành than với tổng kinh phí hàng nghìn tỷ đồng.
Ngành Than còn tích cực đổi mới công nghệ khai thác, triển khai các giải pháp bảo vệ môi trường như: Trồng cây cải tạo phục hồi môi trường, công trình giảm thiểu bụi, ồn trong quá trình vận chuyển, sàng tuyển... để bảo vệ sức khỏe cho công nhân và người dân. Ngành cũng đã hoàn thành 57 trạm quan trắc môi trường tự động giúp các cơ quan quản lý nhà nước giám sát môi trường trong các đơn vị sản xuất, khai thác than một cách dễ dàng hơn.
100% các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh đã đi vào hoạt động được xử lý nước thải đảm bảo quy chuẩn môi trường; ưu tiên lựa chọn các dự án áp dụng công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường. Chất thải rắn sinh hoạt, công nghiệp và chất thải nguy hại, khí thải trong các KCN được thu gom, xử lý cơ bản đúng quy định. Hiện cả 5 khu công nghiệp đang hoạt động trên địa bàn đều có trạm quan trắc tự động nước thải công nghiệp; kết nối, truyền dữ liệu trực tiếp, liên tục về Sở Tài nguyên và Môi trường.
Còn các nhà máy xi măng, nhiệt điện cũng đã đầu tư lắp đặt, vận hành 43 trạm quan trắc tự động liên tục khí thải. Trên cơ sở dữ liệu truyền về Trung tâm Điều hành các trạm quan trắc môi trường tự động, các cơ quan chuyên môn của tỉnh kiểm tra làm rõ nguyên nhân có văn bản yêu cầu thực hiện các giải pháp khắc phục, đảm bảo không phát thải có thông số ô nhiễm vượt giới hạn cho phép, kiên quyết xử lý các vi phạm đối với các trường hợp có số liệu quan trắc môi trường. Điều đó góp phần đảm bảo môi trường làm việc an toàn cho người lao động và môi trường sống của người dân xung quanh.
Mặc dù vậy, qua kiểm tra, giám sát cho thấy, việc chấp hành các quy định pháp luật về công tác VSLĐ của một số doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa còn chưa tốt. Nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ, thay đổi liên tục, phá sản và thành lập mới, thay đổi địa điểm hoạt động, gây khó khăn trong việc triển khai hệ thống quản lý VSLĐ theo các văn bản quy định của nhà nước. Trong khi khối lượng công việc, phạm vi, đối tượng quản lý về VSLĐ ngày càng mở rộng, số lượng cán bộ làm công tác giám sát môi trường lao động còn mỏng so với nhu cầu thực tiễn của tỉnh Quảng Ninh.
Mong rằng, những khó khăn trên sẽ được tháo gỡ để Quảng Ninh tiếp tục đảm bảo hơn ATVSLĐ; phòng, chống bệnh nghề nghiệp cho người lao động đang làm việc tại các doanh nghiệp, khu công nghiệp trên địa bàn.
Thu Nguyệt
Liên kết website
Ý kiến ()