Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 01/11/2024 19:38 (GMT +7)
Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Nguyễn Thị Thu Hà cho ý kiến vào dự thảo Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi)
Thứ 3, 28/05/2024 | 17:50:50 [GMT +7] A A
Tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, ngày 28/5, Quốc hội họp phiên toàn thể tại hội trường thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi); thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi).
Phát biểu ý kiến tại hội trường về nội dung dự thảo Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi), đại biểu Nguyễn Thị Thu Hà, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh cho biết, qua giám sát chuyên đề hoạt động của Hội thẩm nhân dân 2 cấp trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh cho thấy các hội thẩm nhân dân đã cơ bản hoàn thành tốt nhiệm vụ, tham gia xét xử 100% vụ án sơ thẩm; tích cực, chủ động nghiên cứu, thảo luận về hồ sơ vụ án, tham gia xét hỏi, tranh luận, thực hiện tốt nguyên tắc “thẩm phán, hội thẩm nhân dân tham gia xét xử độc lập và chỉ tuân theo pháp luật”.
Tuy nhiên, hoạt động của hội thẩm nhân dân vẫn còn những khó khăn, bất cập như: Hệ thống quy phạm pháp luật về Hội thẩm nhân dân còn chưa đồng bộ; chưa quy định rõ ràng về trách nhiệm pháp lý của Hội thẩm nhân dân khi tham gia xét xử vụ án; quy định về chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền, hoạt động của Hội thẩm nhân dân còn phân tán ở nhiều văn bản khác nhau; chưa có quy định về việc xử lý trong trường hợp Hội thẩm nhân dân từ chối tham gia xét xử mà không có lý do chính đáng hoặc tự ý vắng mặt đột xuất dẫn đến phiên tòa bị hoãn.
Cùng với đó, điều kiện làm việc chưa đảm bảo; chế độ chính sách còn thấp, chưa tương xứng với vai trò, trách nhiệm của hội thẩm nhân dân, chậm được sửa đổi, bổ sung để phù hợp với thực tiễn.
Đại biểu đồng tình việc dự thảo Luật lần này đã được tiếp thu, chỉnh lý, cập nhật nhiều nội dung xác đáng, đáp ứng đòi hỏi của thực tiễn đối với hoạt động của hội thẩm nhân dân, nhất là các quy định về tiêu chuẩn, trách nhiệm, độ tuổi, chế độ, chính sách, về tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ cho hội thẩm nhân dân.
Trong đó, đại biểu tán thành việc không giao HĐND quản lý hội thẩm nhân dân như đã nêu tại báo cáo tiếp thu giải trình. Tuy nhiên, cần quy định rõ trách nhiệm của HĐND trong phối hợp quản lý, giám sát hoạt động, hỗ trợ kinh phí, cơ sở vật chất cho hội thẩm. Vì HĐND bầu ra Đoàn hội thẩm, thì phải có chế tài ràng buộc trách nhiệm phối hợp quản lý, giám sát, cung cấp thông tin tình hình chất lượng hoạt động của các hội thẩm do mình bầu ra.
Đổi mới Toà án nhân dân cấp tỉnh, Toà án nhân dân cấp huyện theo thẩm quyền xét xử, theo đại biểu Nguyễn Thị Thu Hà, quán triệt đầy đủ yêu cầu đặt ra trong các văn kiện của Đảng về việc bảo đảm tính độc lập của Tòa án theo thẩm quyền xét xử, thì việc tổ chức thành Tòa án nhân dân sơ thẩm, Tòa án nhân dân phúc thẩm sẽ là tiền đề để: Đổi mới nhiệm vụ, quyền hạn của cả hai cấp sơ thẩm, phúc thẩm trong các đạo luật về tố tụng và các luật liên quan; tiếp tục tăng thẩm quyền xét xử sơ thẩm các loại vụ việc cho các Tòa án nhân dân sơ thẩm. Thẩm quyền xét xử sơ thẩm các vụ án của Tòa án nhân dân phúc thẩm sẽ được điều chỉnh theo hướng tiếp tục thu hẹp hơn so với hiện hành; tăng cường tính chuyên môn, chuyên nghiệp hóa trong việc giải quyết các loại vụ việc đặc thù (hành chính, phá sản, sở hữu trí tuệ,...) thông qua Tòa án nhân dân sơ thẩm chuyên biệt. Với những lý do này, đại biểu tán thành với phương án 2 của dự thảo luật và cho rằng, phương án này là bước tiến lớn, tạo khung pháp lý đổi mới hoạt động của hệ thống tòa án, phù hợp định hướng cải cách tư pháp. Đồng thời, để bảo đảm tính khả thi cao của phương án này thì có thể quy định hiệu lực thi hành của điều khoản chậm hơn 1 năm so với hiệu lực thi hành của Luật để có thêm thời gian chuẩn bị các điều kiện bảo đảm cần thiết cho việc thi hành.
Thảo luận tại hội trường, các đại biểu Quốc hội đánh giá cao quá trình tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo Luật. Nhấn mạnh đây là dự án luật lớn, có nhiều chính sách mới, quy định mới về tổ chức và hoạt động của Tòa án, nhiều nội dung mới có tính chất đột phá, nhiều nội dung tiệm cận với quốc tế, tháo gỡ một số vướng mắc thực tiễn, phù hợp với Hiến pháp 2023 và thể chế hóa quan điểm, chủ trương theo các Nghị quyết của Đảng về cải cách tư pháp, về tiếp tục xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới với trọng tâm là đổi mới về tổ chức và hoạt động của Tòa án Nhân dân.
Phiên làm việc chiều cùng ngày, Quốc hội thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi).
Nguyễn Thanh
Liên kết website
Ý kiến ()