Tất cả chuyên mục

Theo dự báo, tối 2/8, bão số 3 sẽ đổ bộ vào đất liền các tỉnh từ Quảng Ninh đến Nam Định với sức gió mạnh cấp 7-8, giật cấp 10-11. Để nắm bắt tình hình và chỉ đạo các địa phương ứng phó với cơn bão, chiều 2/8, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã đi kiểm tra công tác phòng, chống bão tại Quảng Ninh.
Cùng đi có các đồng chí: Nguyễn Văn Đọc, Bí thư Tỉnh ủy; Nguyễn Văn Thắng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Đặng Huy Hậu, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh.
![]() |
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng kiểm tra công tác chống bão số 3 tại khu vực neo đậu tránh trú bão Ba Lan (phường Giếng Đáy, TP Hạ Long). |
Tại buổi kiểm tra, đồng chí Phó Thủ tướng đã thị sát tại khu vực neo đậu tránh trú bão Ba Lan (phường Giếng Đáy, TP Hạ Long) hiện đang có 72 tàu du lịch trú bão; khai trường khai thác than mỏ Hà Tu và khu vực neo đậu tàu, thuyền của người dân làng chài Hà Phong.
Lãnh đạo tỉnh đã báo cáo nhanh với Phó Thủ tướng về công tác chủ động phòng, chống bão số 3. Theo đó, ngay khi có thông tin về cơn bão có thể ảnh hưởng tới địa bàn tỉnh, Quảng Ninh đã chỉ đạo các cơ quan, ban, ngành, địa phương tập trung theo dõi sát diễn biến của bão, chuẩn bị kỹ các phương án phòng, chống.
![]() |
Lãnh đạo tỉnh báo cáo nhanh với Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng về tình hình mưa bão và các biện pháp chủ động phòng, chống. |
Cụ thể, UBND tỉnh đã ban hành công điện khẩn, triển khai họp trực tuyến với các địa phương, sở, ngành thực hiện chỉ đạo, quán triệt triển khai công tác ứng phó khẩn cấp với bão số 3; đôn đốc trực tiếp các xã, phường kiểm tra cụ thể từng thôn, bản, khu phố; lưu ý các khu vực có nguy cơ ngập lụt, sạt lở đất đá, khu vực ven sông, suối có nguy cơ xảy ra lũ, sạt lở đất, khu vực bãi thải; tổ chức rà soát lại các nhà yếu để chằng chống, gia cố, có phương án di chuyển dân về nơi an toàn; yêu cầu ngành Than kiểm tra, rà soát khai trường, bãi thải mỏ; yêu cầu chủ đầu tư các dự án đang thi công có biện pháp hạn chế tối đa bùn, đất, nước tràn xuống đường quốc lộ, khu vực dân cư khi có mưa lớn; rà soát số lượng khách tham quan du lịch trên tuyến đảo; tập trung kêu gọi tàu, thuyền về nơi tránh trú…
![]() |
Phó Thủ tướng kiểm tra khu vực tránh trú bão của tàu du lịch tại phường Giếng Đáy, TP Hạ Long. |
Đến nay, mọi công tác đã được chuẩn bị chu đáo; việc theo dõi, ứng trực cơn bão được thực hiện 24/24h từ cấp tỉnh đến cơ sở. Hiện gần 9.000 tàu, thuyền hoạt động tại địa bàn tỉnh đã di chuyển về nơi tránh trú an toàn, trên 10.000 ô lồng nuôi thủy sản đã được các chủ lồng chằng chống, gia cố.
Đối với công tác di dân, hai hộ dân có nhà yếu, nhà tạm tại TP Cẩm Phả và huyện Hải Hà đã được di chuyển sang nhà kiên cố; trên 16.000 ngư dân trên các tàu, lồng bè, chòi canh nuôi trồng thủy sản đã được yêu cầu lên bờ. Các tuyến đê, kè được kiểm tra, gia cố tại những khu vực xung yếu; công tác thông tin tuyên truyền đến người dân được tăng cường, liên tục…
![]() |
Phó Thủ tướng kiểm tra khai trường khai thác than và bãi thải tại mỏ Hà Tu. |
Riêng ngành Than, trong năm qua đã tiến hành di dời 558 hộ dân, trong đó khu vực liền kề mỏ Hà Tu có 25 hộ nằm trong vùng có nguy cơ sạt lở; nạo vét các kênh mương thoát nước, kiểm tra, gia cố khu vực bãi thải, tạo hồ lắng. Đối với hệ thống hầm lò đã tiến hành tổng rà soát, kiểm tra hệ thống an toàn lò và bơm thoát nước.
Về khách du lịch trên các tuyến đảo, hiện còn 311 khách nhu cầu ở lại, trong đó có 4 khách nước ngoài. Tỉnh đã chỉ đạo các địa phương chuẩn bị phương án ăn, nghỉ và đảm bảo an toàn cho du khách.
![]() |
Phó Thủ tướng thăm hỏi, động viên người dân làng chài Hà Phong, TP Hạ Long. |
Sau khi trực tiếp đi kiểm tra công tác phòng, chống bão số 3 tại Quảng Ninh, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đánh giá cao những nỗ lực của tỉnh. Đồng chí nhấn mạnh, trong các tình huống về mưa bão, Quảng Ninh luôn là địa phương có công tác chuẩn bị rất tốt. Đặc biệt, công tác chỉ đạo, điều hành, giám sát từ cấp tỉnh đến cơ sở rất chặt chẽ, hiệu quả. Điều này đã góp phần giảm thiểu các thiệt hại do mưa bão gây ra.
Đồng chí cũng lưu ý, bão số 3 di chuyển chậm, là cơn bão mạnh, mức độ tàn phá khi đi qua sẽ rất lớn, do đó không được chủ quan, lơ là. Bên cạnh công tác chuẩn bị phòng, chống tốt, rất cần phải cập nhật thường xuyên tình hình, diễn biến của bão; cần chuẩn bị kỹ phương châm 4 tại chỗ, chủ động phương tiện, thiết bị, nguồn nhân lực ứng phó nhanh, kịp thời; đảm bảo phương án sơ tán, di dời người dân khi cần thiết.
Đặc biệt, sau bão sẽ là ảnh hưởng từ hoàn lưu, gây mưa lớn, do vậy mọi phương án ứng phó phải được chủ động. Tỉnh cần tiếp tục tập trung trong công tác chỉ đạo, điều hành từ cấp tỉnh đến cơ sở, thực hiện giám sát các tàu, thuyền đã về nơi tránh trú an toàn, không để ra khơi trong điều kiện thời tiết chưa đảm bảo; siết chặt công tác kiểm tra, giám sát hoạt động của các hồ, đập trên địa bàn...
![]() |
Tàu, thuyền của người dân làng chài Hà Phong về bến neo đậu tránh bão. |
Bên cạnh đó, tỉnh cũng cần quan tâm, có phương án đảm bảo an toàn cho du khách, người dân các khu vực du lịch, khu công nghiệp, cơ sở sản xuất; quan tâm đến đời sống bà con ngư dân... Đối với các mỏ khai thác trên địa bàn, cần có phương án cụ thể để phòng, chống mưa bão, ngập lụt, sạt lở hiệu quả. Mục tiêu cao nhất là phải đảm bảo an toàn tuyệt đối về tính mạng và tài sản cho người dân.
Đỗ Phương
Ý kiến ()